02:04, 09/04/2015

Cần nâng cao sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam

Đó là một trong những ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát tại buổi họp trực tuyến với các tỉnh, thành phố về hội nhập kinh tế quốc tế...

Đó là một trong những ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Cao Đức Phát tại buổi họp trực tuyến với các tỉnh, thành phố về hội nhập kinh tế quốc tế của ngành NN-PTNT do Bộ NN-PTNT tổ chức vào sáng 9-4. Tại Khánh Hòa, ông Đào Công Thiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh tham dự.

 

Quang cảnh tại đầu cầu Khánh Hòa
Quang cảnh tại đầu cầu Khánh Hòa


Quý I, mức tăng trưởng ngành nông, lâm, thủy sản trong nước đạt khoảng 66.940 tỷ đồng (tăng 2,14% so với cùng kỳ năm trước). Trong đó, nông nghiệp tăng 1,54%; lâm nghiệp tăng hơn 6%; thủy sản tăng 3,38%. Kim ngạch xuất khẩu toàn ngành giảm 13,2% so với cùng kỳ năm trước do nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực như: gạo, cà phê, đồ gỗ, thủy sản... có khối lượng và kim ngạch xuất khẩu giảm. So với quý I năm 2014, tổng diện tích gieo trồng cây hàng năm của tỉnh Khánh Hòa giảm 8,5% (cây lương thực giảm 3,5%; cây công nghiệp hàng năm giảm 23,4% do hạn hán và dịch bệnh). Đến nay, toàn tỉnh đã thu hoạch được 2.196ha lúa Đông Xuân với năng suất 60,9 tạ/ha (giảm 3 tạ/ha so với vụ Đông Xuân trước). Sản lượng thủy sản khai thác tăng 3,7%; thủy sản nuôi trồng tăng 0,8%; sản lượng khai thác gỗ rừng trồng giảm 45,6% so với cùng kỳ năm trước.


Hiện nay, ngành NN-PTNT đang tiến hành tái cơ cấu ngành với theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; thực hiện kế hoạch hành động về hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn 2011-2015…


Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị các ngành, địa phương tích cực tham mưu, đề xuất cho Bộ NN-PTNT các cơ chế chính sách, giải pháp nhằm nâng cao sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam; phát huy những mặt hàng nông sản là thế mạnh của Việt Nam; tháo gỡ rào cản về thị trường; tích cực khai thác cơ hội và đối phó với thách thức trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Các địa phương cần đối thoại với các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp để tìm cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; thực hiện tái cơ cấu ngành phải có sự lựa chọn, có mục tiêu cụ thể. Hội nhập kinh tế quốc tế về nông nghiệp là cần thiết và phù hợp với mục đích phát triển lâu dài nên cần có sự tham gia của các cấp từ Trung ương đến địa phương, doanh nghiệp, các nhà khoa học và nông dân.


H.DUNG