10:04, 12/04/2015

Ẩn họa cháy rừng từ đốt nương rẫy

Mùa khô đang bước vào giai đoạn cao điểm. Thời điểm này, người dân nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa cũng đang phát nương làm rẫy nên tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng rất lớn.

Mùa khô đang bước vào giai đoạn cao điểm. Thời điểm này, người dân nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa cũng đang phát nương làm rẫy nên tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng rất lớn.

 

Việc đốt dọn rẫy của gia đình ông Y Hóp vào giữa trưa đã được phát hiện và dập tắt kịp thời.
Việc đốt dọn rẫy của gia đình ông Y Hóp vào giữa trưa đã được phát hiện và dập tắt kịp thời.

 


Lo cháy rừng từ việc đốt rẫy


Trưa 11-4, tại xã Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa), chúng tôi nhìn thấy cột khói bốc lên từ khu vực đất rẫy của gia đình ông Y Hóp (buôn Lác). Cách không xa đám cháy này là những ruộng mía và diện tích rừng trồng khá lớn. Tiếp cận khu vực trên, chúng tôi thấy có nhiều người đang tập trung để dập đám cháy nhằm không cho lửa bén sang ruộng mía và cháy lan vào rừng. Ông Y Hóp cho rằng: “Rẫy của mình thì mình đốt, chứ có đốt mía, đốt rừng đâu. Bây giờ không đốt thì không kịp làm rẫy…”. Khi chúng tôi hỏi việc đốt nương có báo với chính quyền địa phương hay lực lượng chức năng để hỗ trợ, có tuân thủ quy trình đốt rẫy đã được hướng dẫn hay không thì ông lắc đầu. Rất may, sự việc được phát hiện và đám cháy đã được dập tắt kịp thời.


Ông Nguyễn Công Thành (thôn Xóm Mới, xã Ninh Tây) cho biết: “Khi thấy khói bốc lên gần đám mía và keo của gia đình, tôi tức tốc chạy vào để xem tình hình thế nào. Ở đây, nhiều hộ dân đốt nương rẫy không tuân theo bất cứ quy trình nào, nếu lửa bắt sang mía, sang keo thì thiệt hại sẽ rất nặng…”. Từ đầu mùa khô đến nay, không ngày nào ông Thành không vào canh lửa, giữ rừng keo, bởi đám keo trồng mới được 3 năm tuổi của gia đình ông nằm gần các ruộng mía, đất rẫy của những hộ dân khác. Một khi họ đốt dọn rác mía, đốt dọn rẫy mà bất cẩn thì lửa rất dễ cháy lan vào rừng.


Tại huyện miền núi Khánh Vĩnh, tình trạng đốt rẫy cũng khiến cho nhiều hộ trồng keo lo lắng. Gia đình ông Hoàng Văn Trung (xã Sơn Thái) có 20ha keo, trong đó nhiều diện tích chỉ mới trồng được 1 - 2 năm tuổi, rừng keo chưa khép tán nên nguy cơ cháy càng cao. Ông Trung cho biết, diện tích keo là toàn bộ tài sản của gia đình ông. Để hạn chế nguy cơ cháy rừng, ông đã dọn thực bì, làm đường ranh cản lửa, cắt cử người trông coi hàng ngày…


Theo ông Võ Xuân Cảnh - Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Thái: “Sơn Thái là một trong số các xã có diện tích rừng lớn của huyện Khánh Vĩnh. Trong khi đó, khoảng hơn 60% diện tích đất sản xuất của người dân là nương rẫy. Mùa này, người dân bắt đầu đốt rẫy, đây cũng là thời điểm nguy cơ cháy rừng rất lớn, nhất là rừng keo. Chính vì vậy, chính quyền địa phương đã chủ động tuyên truyền, vận động người dân hết sức cẩn trọng, khi đốt rẫy phải báo với chính quyền địa phương, lực lượng chức năng để có sự phối hợp, kiểm soát”.


Tăng cường phòng cháy


Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm huyện Khánh Vĩnh, trên địa bàn huyện có hơn 85.200ha rừng. Trong đó, hơn 10.000ha rừng trồng tập trung tại 58 tiểu khu, phân bố khắp các địa phương trong huyện đang đối diện với nguy cơ cháy cao. Ông Lê Thanh Hóa - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khánh Vĩnh cho biết: “Phần lớn diện tích rừng trồng tiếp giáp với đất sản xuất của người dân. Vì vậy, rừng Khánh Vĩnh luôn đứng trước nguy cơ cháy cao, có thể cháy lan trên diện rộng. Trong mùa khô năm nay, khi triển khai phương án quản lý, bảo vệ và phòng, chống cháy rừng (PCCR), chúng tôi luôn quan tâm đến việc hướng dẫn cho người dân đốt rẫy đúng quy trình; vận động sử dụng lửa cẩn trọng; làm cam kết PCCR… Hiện nay, lực lượng Kiểm lâm địa bàn đang phối hợp với chính quyền cơ sở nắm bắt việc đốt rẫy của người dân để có hướng dẫn, giám sát. Bên cạnh đó, việc canh lửa cũng được triển khai 24/24 giờ…”.

 

Để tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có công điện gửi UBND các tỉnh, thành phố trong cả nước đề nghị chỉ đạo, triển khai những biện pháp nhằm tăng cường công tác này. Một trong những nội dung quan trọng của công điện là các địa phương cần chú trọng kiểm soát việc sử dụng lửa trong và gần rừng của người dân, hướng dẫn nhân dân canh tác nương rẫy đúng quy hoạch, quy định cụ thể khu vực cấm đốt nương làm rẫy và những hành vi dùng lửa khác; kiểm tra, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy rừng...

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngay từ đầu mùa khô, để nâng cao nhận thức của người dân và chủ rừng, hạt kiểm lâm các địa phương trong tỉnh đã phối hợp với chính quyền cơ sở, các hội, đoàn thể cấp xã thường xuyên cử cán bộ đến địa bàn hướng dẫn, tuyên truyền về công tác PCCR. Bên cạnh đó, lồng ghép với các cuộc họp dân để tuyên truyền quy định, chính sách liên quan đến rừng; cách phòng cháy, chữa cháy, đốt nương, làm đường băng cản lửa; cách thức làm mô hình rừng, trang trại rừng...


  Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần 17.000ha rừng trọng điểm dễ cháy, trong đó chủ yếu là rừng trồng. Diện tích rừng dễ cháy lại tập trung chủ yếu trên những địa hình đồi núi phức tạp, nguồn nước khan hiếm; trong khi đó, dụng cụ chữa cháy khá thô sơ nên khi xảy ra cháy, nếu không phát hiện kịp thời thì việc chữa cháy cực kỳ khó khăn. Theo ông Nguyễn Khương - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, hiện nay, để làm tốt công tác PCCR, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra, các đơn vị, địa phương, chủ rừng và người dân cần thực hiện tốt phương án quản lý, bảo vệ và PCCR với phương châm: phòng là chính, phát hiện từ xa và tổ chức cứu chữa kịp thời, triệt để. Bên cạnh đó, cần chủ động theo phương châm “4 tại chỗ” trong quá trình tổ chức thực hiện công tác PCCR.


HẢI LĂNG - ĐÌNH LÂM