11:03, 22/03/2015

Xây dựng ý thức tiết kiệm nước

Trao đổi với phóng viên nhân Ngày Khí tượng thế giới 23-3, ông Võ Anh Kiệt - Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung bộ cho biết: Chủ đề Ngày Khí tượng thế giới năm 2015 là "Khí hậu: Nhận thức để hành động".

Trao đổi với phóng viên nhân Ngày Khí tượng thế giới 23-3, ông Võ Anh Kiệt - Phó Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung bộ cho biết: Chủ đề Ngày Khí tượng thế giới năm 2015 là “Khí hậu: Nhận thức để hành động”.


Hiện nay, biến đổi khí hậu đang là nỗi lo chung của toàn nhân loại, nó tác động đến tất cả các ngành kinh tế - xã hội. Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến các nguồn tài nguyên chiến lược như: Nước, lương thực, năng lượng, làm cản trở, thậm chí đe dọa sự phát triển bền vững của nhân loại.


Các hoạt động tuyên truyền nhân kỷ niệm Ngày Khí tượng thế giới năm nay tại Việt Nam đều nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về khí tượng thủy văn và các hiểm họa thiên tai có nguồn gốc từ khí tượng thủy văn để có kế hoạch phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại; vấn đề quản lý khai thác và bảo vệ tài nguyên nước hợp lý, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt.


- Thưa ông, dự báo đóng vai trò quan trọng trong các bản tin thời tiết, vậy ngành đã có những giải pháp gì để đảm bảo tính chính xác của các bản tin?


- Những năm qua, ngành Khí tượng thủy văn đã được đầu tư, trang bị nhiều loại máy móc, thiết bị hiện đại phục vụ công tác quan trắc, đo đạc, thông tin, điện báo, dự báo khí tượng thủy văn như: Hệ thống thu ảnh mây vệ tinh phân giải cao, ra-đa thời tiết, trạm đo gió Pi-lot, các trạm quan trắc tự động, hệ thống thu tin, truyền tin chuyên ngành, mạng thông tin nội bộ... Trong công tác dự báo, chúng ta đã có đủ điều kiện để tham khảo tức thời nhiều thông tin, tài liệu của các nước tiên tiến trên thế giới như: Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ..., ứng dụng nhiều mô hình dự báo tiên tiến như các mô hình số trị HRM, MM5, MIKE 11... Vì vậy, chất lượng các bản tin dự báo khí tượng thủy văn ngày càng được nâng cao, góp phần đắc lực vào công tác phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương. Tuy nhiên, để đổi mới và nâng cao hơn nữa chất lượng các bản tin dự báo trước tình hình thiên tai ngày một khốc liệt do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung bộ đã và đang tiếp tục bổ sung nhiều giải pháp, trong đó ưu tiên giải pháp công nghệ. Cụ thể là: Tiếp tục đầu tư trang thiết bị và công nghệ gắn với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và cải tiến tổ chức, tăng cường đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhanh chóng làm chủ công nghệ hiện đại để khai thác và phát huy hiệu quả các công nghệ và thiết bị; tiếp nhận, quản lý và khai thác 28 trạm đo mưa tự động (1 trạm truyền tin vệ tinh); 12 trạm đo gió tự động; 3 trạm hải văn tự động trên đảo; hệ thống máy thiết bị Trạm VSAT; hệ thống mạng máy tính và tích hợp xử lý, chuyển mạch tự động dữ liệu khí tượng thủy văn...


- Khánh Hòa cũng như các tỉnh Nam Trung bộ đang đứng trước tình trạng khô hạn, dự báo kéo dài nhiều tháng, ông có lời khuyên và cảnh báo gì về điều này?   


- Hiện nay, hiện tượng ENSO đang ở trạng thái pha nóng El Nino và dự báo trong các tháng tiếp theo của năm 2015, hiện tượng El Nino tiếp tục duy trì ở mức độ yếu đến trung bình. Các tháng tiếp theo của mùa khô ở Khánh Hòa được dự báo lượng mưa ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ, nắng nóng khả năng xuất hiện sớm, bắt đầu từ giữa tháng 4 và kết thúc vào cuối tháng 8, số đợt nắng nóng nhiều hơn so với trung bình nhiều năm và tập trung chính vào các tháng 6 - 8. Dòng chảy trên các sông tỉnh Khánh Hòa tiếp tục giảm mạnh, lượng dòng chảy có khả năng thiếu hụt từ 80 - 90% so với trung bình nhiều năm.


Dự báo tình hình khô hạn và thiếu nước trong tỉnh sẽ diễn ra gay gắt trong những tháng tiếp theo của mùa khô năm 2015. Chính vì vậy, các sở, ngành, địa phương cần có kế hoạch, biện pháp phòng, chống hạn có hiệu quả, xây dựng phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, có chủ trương sử dụng nguồn nước hợp lý để chủ động trong sản xuất và sinh hoạt. Đặc biệt, cần nâng cao ý thức cho người dân trong việc tiết kiệm nước sinh hoạt hàng ngày, tiết kiệm điện, có ý thức cảnh giác phòng, chống cháy nổ, phòng chống cháy rừng, cháy mía, nhất là trong những đợt nắng nóng cao điểm trong mùa khô...


- Xin cảm ơn ông!


Phú Lâm (Thực hiện)