11:03, 19/03/2015

Xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc 20-3, phóng viên Báo Khánh Hòa phỏng vấn ông Ngô Anh Tuấn - Phó Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch về 10 năm thực hiện công tác xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, giai đoạn 2005 - 2015.

Nhân ngày Quốc tế Hạnh phúc 20-3, phóng viên Báo Khánh Hòa phỏng vấn ông Ngô Anh Tuấn - Phó Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch về 10 năm thực hiện công tác xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) đất nước, giai đoạn 2005 - 2015.


- Ông có thể cho biết kết quả công tác xây dựng gia đình thời kỳ CNH-HĐH đất nước trên địa bàn tỉnh 10 năm qua?


- Sau 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 49, ngày 21-2-2005 của Ban Bí thư “Về xây dựng gia đình thời kỳ CNH-HĐH đất nước”, công tác xây dựng gia đình trên địa bàn tỉnh từng bước được củng cố, ổn định trên cơ sở kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam; tiếp thu có chọn lọc các giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội hiện đại, thực hiện quy mô gia đình 2 con, đảm bảo quyền và trách nhiệm của các thành viên trong gia đình, đặc biệt là trách nhiệm đối với người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, đau ốm. Công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động cũng góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, ngăn chặn sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, phát huy các phong tục tập quán tốt đẹp, xóa bỏ các hủ tục tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình. Các gia đình chính sách và hộ nghèo, gia đình vùng miền núi, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn cũng được Nhà nước quan tâm đúng mức…


Hiện nay, công tác xây dựng gia đình ở các địa phương đã từng bước ổn định. Bình quân hàng năm có hơn 90% hộ gia đình được công nhận gia đình văn hóa; 90% số cặp vợ chồng chỉ có một hoặc hai con; 85% nam, nữ thanh niên trước khi kết hôn được trang bị kiến thức về hôn nhân và gia đình; 95% người cao tuổi trong gia đình được con cháu chăm sóc, phụng dưỡng; người cao tuổi không còn người chăm sóc được Nhà nước, cộng đồng hỗ trợ nuôi dưỡng; 90% gia đình thực hiện tốt trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 2,23%; 100% gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn được hưởng chế độ ưu đãi; 90% gia đình các dân tộc thiểu số, gia đình nghèo, gia đình ở miền núi, có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ văn hóa, y tế, giáo dục và các phúc lợi xã hội khác…


- Thực tế, công tác xây dựng gia đình gặp những khó khăn gì, thưa ông?


- Sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền về xây dựng gia đình ở một số nơi còn thiếu quyết liệt, chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Công tác truyền thông, vận động chưa được thực hiện thường xuyên, sâu rộng. Nội dung và hình thức tuyên truyền chậm đổi mới nên chưa hấp dẫn, hiệu quả đối với người dân. Tư tưởng trọng nam vẫn còn tồn tại trong nhiều gia đình, kể cả ở thành thị. Tình trạng kết hôn không đăng ký, tảo hôn, quan hệ tình dục và nạo, phá thai trước hôn nhân tuy có giảm nhưng không đáng kể. Tình trạng bạo lực gia đình và ly thân, ly hôn có chiều hướng gia tăng. Đội ngũ cán bộ làm công tác gia đình tại cơ sở còn thiếu, không ổn định, chuyên môn hạn chế. Nguồn lực đầu tư cho công tác này còn hạn hẹp, chưa tương xứng với nhiệm vụ được giao.


- Theo ông, trong thời gian tới công tác xây dựng gia đình cần chú trọng những vấn đề gì?


- Cần nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các sở, ban, ngành, địa phương trong việc thực hiện công tác xây dựng và phát triển gia đình, gắn với việc triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình, quan tâm hơn nữa đến các gia đình chính sách, gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, vận động nhằm nâng cao nhận thức người dân về vị trí, vai trò của gia đình trong thời kỳ mới. Bên cạnh đó, cần kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực gia đình; vận động xã hội đấu tranh, phê phán các hành vi thiếu trách nhiệm, bạo lực trong gia đình; chủ động kiểm soát và giải quyết tốt những nguyên nhân dẫn đến bạo lực gia đình, ly hôn, ly thân, buôn bán phụ nữ và trẻ em, bất bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh; kịp thời biểu dương, khen thưởng những gia đình điển hình, những địa phương, đơn vị thực hiện tốt công tác gia đình. Chính quyền các cấp cần gắn công tác gia đình với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, mà trọng tâm là phong trào xây dựng gia đình văn hóa; hàng năm cân đối, bố trí kinh phí từ ngân sách cho hoạt động sự nghiệp gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình; kiện toàn, củng cố và nâng cao năng lực bộ máy làm công tác gia đình từ tỉnh đến cơ sở để thực hiện tốt công tác xây dựng gia đình.


- Xin cảm ơn ông!


M.T (Thực hiện)