11:03, 19/03/2015

Làm tốt công tác hòa giải, phòng chống bạo lực gia đình

6 năm qua, các Tổ hòa giải và Nhóm phòng chống bạo lực gia đình xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa hoạt động khá hiệu quả, góp phần xây dựng cuộc sống bình yên cho người dân.

6 năm qua, các Tổ hòa giải và Nhóm phòng chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) xã Ninh Bình, thị xã Ninh Hòa hoạt động khá hiệu quả, góp phần xây dựng cuộc sống bình yên cho người dân.

Các thành viên Tổ hòa giải đến thăm một gia đình trong xã.
Các thành viên Tổ hòa giải đến thăm một gia đình trong xã


Mô hình can thiệp, PCBLGĐ được triển khai trên địa bàn xã Ninh Bình từ năm 2009. Đây là mô hình điểm do Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) triển khai. Năm 2009, xã thành lập được 4 Nhóm PCBLGĐ ở 4 thôn. Năm 2010, 9/9 thôn đều có Nhóm PCBLGĐ hoạt động. Cùng thời điểm này, ngành Tư pháp cũng triển khai thành lập các Tổ hòa giải trên địa bàn xã nhằm giúp người dân nắm được quy định của pháp luật và hạn chế số vụ việc dân sự chuyển lên cấp trên. Từ đó đến nay, mỗi thôn đều có 1 Nhóm PCBLGĐ và 1 Tổ hòa giải hoạt động.


Được biết, mỗi Nhóm PCBLGĐ có 5 thành viên, mỗi Tổ hòa giải có 9 thành viên. Các thành viên đều là những người có uy tín trong cộng đồng như: thôn trưởng, Chi hội trưởng Phụ nữ, Nông dân, Ban công tác Mặt trận và những người dân mẫu mực, có nhiệt huyết với công tác xã hội. Trong đó, một số người vừa là thành viên của Nhóm PCBLGĐ, vừa là thành viên của Tổ hòa giải. Do phối hợp hoạt động với nhau, việc nắm bắt thông tin của các thành viên khá nhanh nhạy và xử lý công việc cũng thuận lợi hơn. Hễ nắm được thông tin gia đình nào có vấn đề, ngay lập tức các thành viên của Nhóm PCBLGĐ và Tổ hòa giải đều có mặt kịp thời để ngăn ngừa bạo lực xảy ra.


Hiện nay người dân trên địa bàn xã không còn e ngại, che giấu hành vi bạo lực gia đình như trước. Đa số bà con đều mạnh dạn gọi điện thoại hoặc viết đơn trình lên Tổ hòa giải và Nhóm PCBLGĐ khi có mâu thuẫn mà không tự giải quyết được. Người dân cũng chủ động thông tin khi phát hiện nguy cơ xảy ra bạo lực. Ông Trương Luận, Trưởng Nhóm PCBLGĐ, thành viên Tổ hòa giải thôn Bình Trị cho biết, các xung đột thường xảy ra ở nhiều dạng. Do vậy, khi tiếp cận, Tổ hòa giải và Nhóm PCBLGĐ phải tìm hiểu nhanh để nắm nguyên nhân, từ đó tiếp cận phân tích cho được cái lý, cái tình trong những tình huống cụ thể thì mới thuyết phục được. Khó nhất là hòa giải về tranh chấp tài sản. Tuy nhiên, do được tham gia tập huấn cập nhật kiến thức về pháp luật, trang bị kỹ năng, nên các vụ việc đều được các thành viên giải quyết ổn thỏa.


Qua hơn 6 năm hoạt động, các Tổ hòa giải và Nhóm PCBLGĐ đã góp phần mang lại bình yên cho thôn xóm. Trước đây, trung bình mỗi thôn xảy ra từ 9 - 10 vụ xung đột, mâu thuẫn/năm. Vài năm gần đây, mỗi thôn chỉ xảy ra 2 - 3 vụ/năm. Phần lớn các vụ việc đều được hòa giải thành công ngay tại cơ sở. Nhờ vậy, số vụ việc chuyển lên cấp xã giải quyết cũng ngày càng ít đi. Đến nay, xã chỉ tiếp nhận từ 2 - 3 vụ/năm, giảm 70 - 80% so với trước. Ông Lương Ngọc Việt, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, từ khi các Tổ hòa giải và các Nhóm PCBLGĐ ra đời, tình hình trật tự trên địa bàn xã ổn định hơn trước, người dân nắm được các quy định của pháp luật nên các vi phạm giảm hẳn. Điều này giúp cho phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư trên địa bàn xã phát triển mạnh. Tình cảm gia đình, tình làng nghĩa xóm được gắn kết, người dân lo tập trung làm ăn, nâng cao chất lượng cuộc sống.


Duy Anh Thư