Ở khu vực mạch nước ngầm bị nhiễm mặn, giếng nước của một hộ dân ở thôn Trung Hiệp 2, xã Cam Hiệp Bắc, huyện Cam Lâm rất quan trọng đối với nhiều hộ dân trong vùng suốt nhiều năm qua. Nhưng hiện tại, giếng nước này đã bị ô nhiễm nặng…
Ở khu vực mạch nước ngầm bị nhiễm mặn, giếng nước của một hộ dân ở thôn Trung Hiệp 2, xã Cam Hiệp Bắc, huyện Cam Lâm rất quan trọng đối với nhiều hộ dân trong vùng suốt nhiều năm qua. Nhưng hiện tại, giếng nước này đã bị ô nhiễm nặng…
Hồ chứa nước thải trại heo nhà ông Bời rất gần thửa đất trũng có giếng nhà bà Điệp. |
Những ngày vừa qua, đường dây nóng Báo Khánh Hòa tiếp nhận nhiều cuộc gọi của người dân thôn Trung Hiệp 2, xã Cam Hiệp Bắc, phản ánh tình trạng giếng nước mà họ đang sử dụng để sinh hoạt, đã bị ô nhiễm nặng nề do ảnh hưởng nước thải từ trại heo của nhà hàng xóm.
Ngày 18-3, khi chúng tôi đến địa phương này để xác minh, bà Trương Thị Điệp, chủ giếng nước nói trên, cho biết: “Cái giếng này là nguồn nước sinh hoạt cho gia đình tôi và hơn 10 hộ dân xung quanh suốt mấy chục năm qua. Nhưng khoảng 2 năm nay, sau khi ông Bời nuôi heo quy mô lớn và xả nước thải ra ngoài, thì nước giếng bị ô nhiễm ngày càng nặng, nước đen thui và có mùi hôi”. Những hộ dân sử dụng nguồn nước giếng này cũng đều cho rằng, nước giếng bị ô nhiễm là do nước thải từ trại heo của hộ ông Bời cách đó không xa. “Hôm trước, khi thấy phóng viên truyền hình đến quay phim, ông Bời nghĩ chúng tôi báo nên đã chửi bới, thách thức nhiều hộ dân xung quanh. Thực tình, chúng tôi phản ánh vấn đề này là để bảo vệ nguồn nước sinh hoạt cho cả xóm chứ không phải muốn cản trở việc chăn nuôi của ông ấy”, một người dân trong thôn bức xúc nói.
Theo quan sát của chúng tôi, giếng nước của nhà bà Điệp cách trại heo của ông Bời khoảng 40 - 50m. Tuy nhiên, mảnh vườn nơi có giếng nước lại thấp trũng, một phía giáp ao chứa nước thải, một phía giáp khu vườn nhà ông Bời. Và hiện tại, nước giếng đã có màu xanh đen không thể sử dụng để phục vụ ăn uống, sinh hoạt.
Giếng của nhà bà Điệp vốn là nguồn nước sinh hoạt của hơn chục hộ dân hiện đã bị ô nhiễm. |
Ông Phạm Đình Bời cho biết, trước đây trại của ông nuôi khoảng 150 con heo, nhưng hiện tại chỉ có hơn 70 con. Phân heo, nước thải từ khu chăn nuôi được gom vào hầm chứa, sau đó thải ra 1 hồ lắng, rồi ra hồ chứa. Nước từ hồ chứa này, ông bơm lên tưới vườn (cách giếng nước vài mét - PV) chứ không cho chảy xuống vùng đất thấp phía dưới, nơi có giếng nước nói trên. Tuy nhiên, ông Bời cũng thừa nhận: “Những khi trời mưa lụt, nước lớn tràn qua cũng kéo theo nước thải chảy xuống khu vực phía dưới”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, nước sinh hoạt ở thôn Trung Hiệp 2 là vấn đề bức xúc từ xưa đến nay. Bởi nơi đây mạch nước ngầm bị nhiễm mặn nên các nhà đào giếng rất hy hữu mới gặp được mạch nước ngọt. Nhà chị Trần Thị Thiên Trà (gần nhà bà Điệp) đào đến 12 cái giếng trong vườn, nhưng đều gặp nước mặn. Nên giếng nước của nhà bà Điệp được xem là dạng hiếm và quý giá đối với người dân nơi đây. Từ khi giếng nhà bà Điệp bị ô nhiễm, hơn chục hộ dân xung quanh phải mua nước bình về sử dụng.
Ông Huỳnh Tấn Thành - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cam Hiệp Bắc cho biết: “Xã đã mời ông Bời lên làm việc, yêu cầu không xả chất thải, nước thải chăn nuôi ra ngoài môi trường. Đồng thời trong tháng 4 tới, xã sẽ cho nạo vét giếng nước của gia đình bà Điệp cũng như những giếng khác và đào thêm những giếng mới để góp phần giải quyết nhu cầu nước sinh hoạt của người dân”. Ông Thành cũng cho biết thêm, địa phương đã quy hoạch khu chăn nuôi tập trung với quy mô 23ha và quyết tâm di dời các hộ chăn nuôi trong khu dân cư (đối với nuôi heo thì có quy mô từ 5 con trở lên) đến khu chăn nuôi tập trung này, nhằm đảm bảo môi trường trong khu dân cư, dễ kiểm soát dịch bệnh vật nuôi và tạo điều kiện cho người dân chăn nuôi quy mô lớn để phát triển kinh tế.
NAM ANH - BÍCH LA