Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh (xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh) đang tập trung đa dạng hóa hình thức cai nghiện tự nguyện. Bước đầu đã có kết quả tốt.
Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh (xã Khánh Bình, huyện Khánh Vĩnh) đang tập trung đa dạng hóa hình thức cai nghiện tự nguyện. Bước đầu đã có kết quả tốt.
Một buổi sinh hoạt văn nghệ của học viên cai nghiện tự nguyện |
Kết quả bước đầu
Từ năm 2010 đến nay, Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh đã tiếp nhận gần 300 lượt người đến cai nghiện ma túy tự nguyện. Tham quan cơ sở, nhìn những học viên tham gia các trò chơi giải trí lành mạnh, hát karaoke, bóng bàn, bóng đá, đọc sách báo... không ai nghĩ họ là những người lỡ dính vào ma túy và đang được điều trị tại đây.
Anh T. một học viên mới vào Trung tâm hơn 20 ngày cho biết: “Tất cả chúng tôi đều cai nghiện tự nguyện và nhận được sự chăm sóc, chia sẻ ân cần từ ban lãnh đạo, cán bộ nhân viên Trung tâm. Cuộc sống sinh hoạt, ăn uống, điều trị bệnh ở đây khá đầy đủ, thoải mái”. Nhiều học viên đã xem nơi đây như ngôi nhà thứ 2 của mình. Vì ở đây, họ nhận được sự đồng cảm, quan tâm chia sẻ, đặc biệt là được chữa trị căn bệnh nghiện ma túy. Anh H. một học viên khác cho biết: “Trước đây, tôi cai nghiện tại nhà, nhưng không có kết quả. Nay điều trị ở Trung tâm mới hơn 1 tháng, tôi thấy cơ thể khỏe hơn và không còn những cơn vật vã, dày vò thèm thuốc”.
Ông Phạm Đức Tân - Giám đốc Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh cho biết, để hoạt động cai nghiện ma túy tự nguyện đạt kết quả tốt, Trung tâm đã đầu tư khu vực dành riêng cho người cai nghiện tự nguyện với đầy đủ trang thiết bị, đồ dùng sinh hoạt. Đồng thời, tăng cường công tác giáo dục, tư vấn, chăm sóc sức khỏe, phân công lao động trị liệu hợp lý trên tinh thần tự nguyện. Tăng cường các hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, nâng cao thể chất, tinh thần cho người cai nghiện.
Cần sự hỗ trợ
Mục tiêu năm 2015, Trung tâm Giáo dục - Lao động xã hội tỉnh cai nghiện tự nguyện cho khoảng 100 người. Từ năm 2016 đến 2020, Trung tâm tiếp tục nâng cấp để thường xuyên tiếp nhận điều trị và mỗi năm cai nghiện tự nguyện cho từ 150 người đến 300 người. |
Hiện toàn tỉnh có khoảng 1.200 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý; 8/9 huyện, thị xã, thành phố có người nghiện (trừ huyện Trường Sa). Thời gian gần đây, số người nghiện trên địa bàn tỉnh có xu hướng gia tăng. Trong đó, gia tăng tình trạng người nghiện sử dụng ma túy tổng hợp, ma túy đá và một vài dạng chất gây nghiện khác. Đồng thời, công tác cai nghiện bắt buộc gặp nhiều khó khăn, ít đem lại hiệu quả. Chính vì vậy, Trung tâm đang tập trung đa dạng hóa các hình thức cai nghiện tự nguyện. Đây cũng là chủ trương đang được Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai nhằm đổi mới, chuyển hoạt động các trung tâm cai nghiện theo hình thức cai nghiện tự nguyện, xã hội hóa để giảm chi phí, giảm căng thẳng cho xã hội mà vẫn đảm bảo được quyền con người.
Ông Phạm Đức Tân chia sẻ, để hoạt động cai nghiện tự nguyện trên địa bàn tỉnh đạt kết quả tốt hơn, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ từ các ban, ngành, đoàn thể, địa phương. Bởi để vận động người nghiện và gia đình họ hiểu, tham gia cai nghiện tự nguyện, mỗi địa phương, đoàn thể cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân. Đồng thời, có chính sách thu hút các doanh nghiệp liên kết sản xuất, gia công sản phẩm tại Trung tâm và ưu tiên bố trí việc làm tại Trung tâm cho người cai nghiện tự nguyện để họ có thêm thu nhập.
VĂN GIANG