10:03, 11/03/2015

Tình trạng học sinh vi phạm an toàn giao thông: Giải pháp nhiều, hiệu quả chưa cao

Thời gian qua, tuy các cấp, ngành, nhà trường đã có nhiều giải pháp nhằm hạn chế tình trạng học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ, nhưng trên thực tế, tình trạng này vẫn diễn ra phổ biến.

Thời gian qua, tuy các cấp, ngành, nhà trường đã có nhiều giải pháp nhằm hạn chế tình trạng học sinh (HS) vi phạm Luật Giao thông đường bộ, nhưng trên thực tế, tình trạng này vẫn diễn ra phổ biến.

 

Nhiều học sinh khi tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm và đi hàng đôi. Ảnh: V.G
Nhiều học sinh khi tham gia giao thông không đội mũ bảo hiểm và đi hàng đôi


Muôn kiểu vi phạm


Có mặt tại khu vực Trường THPT iSCHOOL Nha Trang, chúng tôi thấy hàng chục HS đi xe máy tới trường. Để lách quy định của ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) HS không được đi xe mô tô, xe máy đến trường kể cả khi đã đủ tuổi và có bằng lái xe, các HS thường gửi xe ở sân chung cư Hai Bà Trưng. Còn tại Trường THPT Lý Tự Trọng (Nha Trang), cách cổng trường khoảng 300m, một số hộ dân đã tận dụng các đường hẻm làm chỗ giữ xe cho HS. Khi được hỏi, chủ một điểm giữ xe cho biết: “Các em có nhu cầu thì chúng tôi phục vụ…”. Tại cổng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Nha Trang) vào giờ tan học, không khó bắt gặp tình trạng các em đi dàn hàng ba, hàng bốn, ngang nhiên vượt đèn đỏ…


Theo Trung tá Lê Bửu Thọ, Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an TP. Nha Trang, tình trạng người tham gia giao thông không chấp hành tín hiệu đèn giao thông hiện nay chủ yếu là đối tượng HS, 70 - 80% HS đi xe đạp điện, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm (MBH). Thậm chí, nhiều em mang theo MBH nhưng không đội, chỉ khi vào đến cổng trường mới đội. Tình trạng HS vi phạm phổ biến là vậy, nhưng số lượng HS bị xử lý trên địa bàn TP. Nha Trang năm 2014 khá khiêm tốn, chỉ khoảng 40 trường hợp; trong đó gửi thông báo về các trường 20 trường hợp. Trung tá Lê Bửu Thọ lý giải: “Theo quy định, khi HS vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT), công an phải gửi thông báo cho nhà trường, nhà trường xử lý bằng cách hạ một bậc hạnh kiểm nên sẽ bất lợi cho các em khi thi vào một số trường đại học. Vì vậy, trong công tác xử lý, lực lượng CSGT chủ yếu tuyên truyền, nhắc nhở, giáo dục các em. Chính điều này đã tạo cho các em tính chủ quan trong việc chấp hành pháp luật giao thông”.


 Ông Trần Quang Mẫn - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết: “Vấn đề giáo dục ATGT cho HS luôn được lãnh đạo ngành, giáo viên, nhà trường chú trọng, đưa vào một số tiết học chính khóa. Đồng thời, thực hiện lồng ghép tuyên truyền vào các buổi chào cờ đầu tuần; phối hợp với Công an tổ chức các buổi tuyên truyền về ATGT; tổ chức cuộc thi “Tìm hiểu pháp luật ATGT” dưới hình thức đố vui để học, tiểu phẩm, hùng biện, vẽ tranh. Tuy nhiên, đến nay hiệu quả của công tác bảo đảm TTATGT đối với HS chưa cao”.


Cần có giải pháp cụ thể hơn

 

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, năm 2014, toàn tỉnh có 116 HS vi phạm ATGT; trong đó có 34 HS tái phạm lần 2 và 27 HS tái phạm trên 2 lần. Toàn tỉnh có 28 điểm trông giữ xe ngoài nhà trường.

Tại cuộc họp với lãnh đạo tỉnh bàn về tình hình HS chấp hành Quy định đảm bảo TTATGT mới đây, hầu hết đại biểu tham dự đều khẳng định, tình trạng HS vi phạm TTATGT trên địa bàn tỉnh không những không giảm mà ngày càng phức tạp, phổ biến. Chính vì thế, để nâng cao ý thức chấp hành quy định về ATGT đối với HS, cần nêu cao trách nhiệm từ nhà trường, gia đình và xã hội. Trước hết, nhà trường cần coi trọng công tác giáo dục ý thức chấp hành pháp luật đối với HS, coi đây là một trong những tiêu chí cơ bản để đánh giá ý thức rèn luyện đạo đức của HS; cần lồng ghép tuyên truyền, phổ biến pháp luật về ATGT tại các buổi học ngoại khóa… Bên cạnh đó, phụ huynh cần gương mẫu, quan tâm hơn đến việc giáo dục đạo đức và ý thức pháp luật về ATGT đối với con em mình.


Ông Lê Đức Vinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhấn mạnh, tuy lâu nay đã có văn bản chỉ đạo từ trên xuống, nhưng sự phối hợp giữa nhà trường với chính quyền địa phương và phụ huynh chưa đồng bộ. Một số địa phương, trường học vẫn cho rằng việc xử lý các em vi phạm giao thông là công việc của lực lượng CSGT nên còn bàng quan. Phụ huynh nuông chiều con nên vẫn để các em đi xe máy tới trường. Thời gian tới, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị liên quan cần rà soát, kiểm tra các bãi giữ xe xung quanh khu vực trường học, yêu cầu họ ký cam kết không giữ xe cho HS. Trong công tác tuyên truyền, các đơn vị liên quan cần xây dựng nội dung tuyên truyền phù hợp với từng cấp học, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ hiểu. Đối với việc ký cam kết giữa phụ huynh, HS và nhà trường, cần có đánh giá hiệu quả. Đối với các trường, cần kiểm tra cách truyền đạt của giáo viên, nội dung phải thiết thực và tìm hiểu xem HS tiếp thu như thế nào. Lực lượng CSGT cần tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nhất là trường hợp HS tái vi phạm; đồng thời gửi thông báo về cho các trường xử lý…

 

Trung tá Lê Bửu Thọ cho biết, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, Đội sẽ tiến hành các đợt tuần tra, kiểm soát chuyên đề, tập trung nhắc nhở và kiên quyết xử lý các trường hợp HS vi phạm; nhất là các lỗi đi xe đạp điện không đội MBH, không chấp hành tín hiệu đèn giao thông; đi học bằng xe mô tô, xe máy... Về phía Sở GD-ĐT, ông Trần Quang Mẫn cho biết sẽ chỉ đạo các trường học trên địa bàn tỉnh triển khai họp với phụ huynh HS để tuyên truyền nhắc nhở, ký cam kết không giao xe máy cho HS và cam kết đội MBH cho HS khi ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông. Bên cạnh đó, quy định cụ thể việc xử lý kỷ luật phù hợp với những trường hợp HS vi phạm ATGT, trách nhiệm cụ thể của hiệu trưởng nhà trường trong việc triển khai thực hiện; lấy thái độ, hành vi về thực hiện ATGT của HS làm tiêu chí đánh giá rèn luyện, xếp loại hạnh kiểm trong mỗi học kỳ và năm học....


C.V