06:03, 18/03/2015

Tìm giải pháp hạn chế tình trạng xin ăn

Tuy đã triển khai một số biện pháp xử lý, nhưng tình trạng người lang thang xin ăn ở TP. Nha Trang vẫn tái diễn và hoạt động dưới nhiều hình thức khác nhau.

Tuy đã triển khai một số biện pháp xử lý, nhưng tình trạng người lang thang xin ăn ở TP. Nha Trang vẫn tái diễn và hoạt động dưới nhiều hình thức khác nhau.

 

Người xin ăn ở khu vực chùa Long Sơn.
Người xin ăn ở khu vực chùa Long Sơn.


Xuất hiện ở nhiều nơi


Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, tại khu vực chợ đêm cạnh số 46 Trần Phú, vào khoảng 18 giờ hàng ngày, người dân và du khách lại thấy một người đàn ông khuyết tật đến xin tiền người qua đường. Đến khoảng 22 giờ thì có người đi xe máy đến đón người này về (?).


Mới đây, có dịp đến chùa Long Sơn, chúng tôi thấy có nhiều người già ngồi bán nhang gần khu vực tượng Phật Trắng. Khi thấy khách đi lên họ mời chào mua nhang, nhưng khi khách đi xuống họ lại ngửa nón xin tiền, bất kể đó là khách Việt Nam hay người nước ngoài. Sự xuất hiện của những người này khiến du khách tỏ ra bối rối. “Chúng tôi đi vãn cảnh chùa là để tìm sự bình yên ở chốn tâm linh. Nhưng đến đây lại thấy những người xin ăn nên cảm thấy không thoải mái. Không cho họ tiền trong lòng áy náy mà cho thì…”, chị Nguyễn Ánh Nguyệt (đường 2-4) chia sẻ.


Còn theo lời kể của một số hướng dẫn viên du lịch, họ cảm thấy không được thoải mái khi dẫn khách đến chùa Long Sơn. Mỗi khi khách đến, nhiều trẻ em chạy theo xin tiền. Nếu khách không cho tiền thì sẽ bị những “tiểu cái bang” này văng tục hoặc có thái độ rất phản cảm. “Trước khi dẫn khách đến chùa, tôi luôn căn dặn khách phải giữ gìn tư trang, tiền bạc cẩn thận, và không nên cho tiền những người xin ăn. Tuy nhiên, việc khách bị những đối tượng này làm phiền là chuyện thường xuyên xảy ra. Thậm chí, hướng dẫn viên như tôi cũng bị các đối tượng hăm dọa”, anh Thái Dũng Sâm - hướng dẫn viên Công ty TNHH du lịch Văn Minh (Hà Nội) cho biết.


Không chỉ ở chùa Long Sơn, tại một số cây xăng hay quán nhậu trên địa bàn Nha Trang vẫn thường xuất hiện những đối tượng xin ăn. Đó thường là những phụ nữ, trẻ em vừa đi bán vé số, bán kẹo cao su hoặc đóng giả người bệnh vừa ra viện không có tiền về quê… để xin tiền. Đặc biệt, vào các dịp lễ, Tết, những đối tượng xin ăn xuất hiện càng nhiều, nhất là tại một số các nghĩa trang, người xin ăn nằm, ngồi la liệt chờ xin tiền những người viếng mộ đầu năm.


Số đối tượng tái phạm cao


Theo số liệu của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) TP. Nha Trang, từ năm 2010 đến nay đã có 1.085 lượt đối tượng người lang thang xin ăn được tập trung về các cơ sở bảo trợ xã hội. Năm 2014, số đối tượng được tập trung về là 197 lượt (tăng 43% so với năm 2013). Còn năm 2015, tính đến ngày 15-3 đã có 40 lượt đối tượng được lực lượng chức năng tập trung. Những con số trên cho thấy quyết tâm của lực lượng chức năng, trong đó phải kể đến vai trò của Tổ chuyên trách tập trung người lang thang xin ăn (gọi tắt là tổ 524) do Phòng LĐ-TB-XH TP. Nha Trang quản lý. Các đối tượng lang thang xin ăn được chia làm nhiều loại như: người không có khả năng lao động (trẻ mồ côi, trẻ em lang thang, người già không nơi nương tựa, người tàn tật nặng…); người mắc bệnh tâm thần đi lang thang; người trong độ tuổi lao động nhưng không chịu lao động; các đối tượng xin ăn trá hình; các đối tượng tệ nạn xã hội… Lâu nay, hình thức xử lý các đối tượng này chủ yếu là giao cho tổ 524 phối hợp với các địa phương tập trung về và tùy từng loại đối tượng cụ thể bàn giao cho Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, hoặc chuyển cho các địa phương quản lý. Theo lãnh đạo Phòng LĐ-TB-XH TP. Nha Trang, các đối tượng lang thang xin ăn chủ yếu đến từ các địa phương khác trong tỉnh hoặc các tỉnh lân cận. Vì vậy, việc xử lý các đối tượng này gặp nhiều bất cập. Trong số các đối tượng bị tập trung có rất nhiều đối tượng tái phạm nhiều lần. Thậm chí có đối tượng số lần bị tập trung lên đến 16 lần. Còn số đối tượng phát sinh mới rất ít.


Được biết, hiện TP. Nha Trang đã hoàn thành dự thảo “Đề án giải quyết tình trạng người lang thang xin ăn trên địa bàn giai đoạn 2015 - 2020” trình UBND tỉnh phê duyệt để chính thức ban hành. Mục tiêu của đề án là phấn đấu đến năm 2020, TP. Nha Trang cơ bản không còn tình trạng người lang thang xin ăn trên địa bàn. Để đạt được mục tiêu trên, thành phố sẽ triển khai nhiều giải pháp như: nâng cấp tổ 524 thành đội 524 với những chức năng, nhiệm vụ cụ thể, thiết thực; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân đối với hành vi lang thang xin ăn; tăng cường quản lý địa bàn.


Hy vọng, khi đề án này được triển khai, tình trạng người lang thang xin ăn ở TP. Nha Trang sẽ được hạn chế.


N.T