07:03, 05/03/2015

Phương pháp giảm nghèo bền vững

Năm 2015, tỉnh Khánh Hòa sẽ nghiên cứu áp dụng giảm nghèo theo phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đa chiều. Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Hữu Thọ - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết:

Năm 2015, tỉnh Khánh Hòa sẽ nghiên cứu áp dụng giảm nghèo theo phương pháp tiếp cận đo lường nghèo đa chiều. Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Hữu Thọ - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết:

 


- Năm 2014, tỉnh Khánh Hòa đã giảm được 2.744 hộ nghèo và 4.262 hộ cận nghèo. Hiện nay toàn tỉnh còn 9.046 hộ nghèo (chiếm 3,23%) và 24.270 hộ cận nghèo (chiếm 8,66%). Như vậy, tính cả giai đoạn 2011 - 2014, toàn tỉnh đã giảm được gần 16.000 hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 9,4% đầu năm 2011 xuống còn ---  3,23% cuối năm 2014. Trong 4 năm, tỉnh đã đầu tư trên 600 tỷ đồng để thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo. Nhiều chính sách hỗ trợ mang tính đặc thù của tỉnh đã được triển khai như: hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế, giáo dục cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), hộ cận nghèo; hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo; trợ cấp tiền Tết cho các hộ nghèo; nâng mức trợ cấp xã hội thường xuyên cho các đối tượng bảo trợ xã hội... Nhìn chung, công tác giảm nghèo đã đạt mục tiêu mà tỉnh đề ra, đời sống hộ nghèo, người nghèo, đồng bào DTTS đã được cải thiện đáng kể.


- Bên cạnh kết quả đạt được, công tác giảm nghèo còn có những khó khăn, thách thức gì, thưa ông?


- Công tác giảm nghèo của tỉnh vẫn chưa bền vững. Một trong những nguyên nhân là do trong giai đoạn vừa qua, chúng ta tiếp cận nghèo theo thước đo duy nhất là mức thu nhập bình quân đầu người. Từ đó, chúng ta xây dựng và thực hiện các chính sách giảm nghèo chủ yếu mang tính chất trực tiếp hỗ trợ hộ nghèo. Điều này dần dần tạo nên tâm lý không muốn thoát nghèo, xin vào hộ nghèo để được thụ hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Ngoài ra, chính việc hỗ trợ trực tiếp, như cho mỗi hộ nghèo một tháng, một quý bao nhiêu tiền để hỗ trợ tiền điện, tiền học, phần quà vào dịp lễ, Tết... giống như để bù đắp cho một hiện tượng nghèo chứ không phải để họ thoát nghèo.


Bên cạnh đó, việc đánh giá hộ nghèo chỉ dựa trên tiêu chí thu nhập đã không đo lường được sự thiếu hụt của con người về: y tế, giáo dục, nước sạch, vệ sinh... Nhiều hộ đã thoát nghèo (có thu nhập vượt trên chuẩn nghèo) nhưng vẫn gặp khó khăn và không nằm trong diện được chính sách hỗ trợ nên giảm nghèo chưa bền vững và có nguy cơ tái nghèo.


- Trong thời gian tới, công tác giảm nghèo bền vững sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?


- Hiện nay, Trung ương đã có định hướng và chủ trương tiếp cận giảm nghèo theo phương pháp đo lường nghèo đa chiều. Hộ nghèo không chỉ được xác định dựa trên mức thu nhập bình quân đầu người như trước đây mà còn phải đo lường theo 5 chiều khác, gồm: giáo dục; y tế; nhà ở; tiếp cận thông tin; bảo hiểm và trợ giúp xã hội. Như vậy, giảm nghèo trong giai đoạn đến sẽ tiếp cận nhiều chiều hơn, sâu hơn, các chính sách giảm nghèo sẽ phải tính toán đảm bảo giúp các hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận đầy đủ các nhu cầu và dịch vụ xã hội cơ bản.


Để thực hiện giảm nghèo bền vững theo hướng đa chiều, giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh Khánh Hòa cần tiếp tục củng cố quyết tâm chính trị đối với công tác giảm nghèo, xem giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, phải cân đối bố trí đủ nguồn lực để thực hiện đầy đủ và hiệu quả các chính sách giảm nghèo của Trung ương và chính sách giảm nghèo đặc thù của tỉnh. Tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng, đặc biệt là người nghèo, đồng bào DTTS về giảm nghèo để hạn chế tâm lý trông chờ, ỷ lại, không muốn thoát nghèo. Đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp, nhất là cấp cơ sở để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới trong giảm nghèo. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đảm bảo nguồn lực giảm nghèo được sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, không tham nhũng, lãng phí. Lồng ghép có hiệu quả giảm nghèo với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là Chương trình xây dựng nông thôn mới.


Giảm nghèo trong giai đoạn 2015 - 2020 đòi hỏi phải có sự chung tay góp sức của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các doanh nghiệp và cộng đồng để tăng cường nguồn lực giảm nghèo, thể hiện tinh thần truyền thống “tương thân tương ái” của dân tộc. Đồng thời, chính bản thân hộ nghèo, hộ cận nghèo phải tự ý thức vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu cho chính bản thân và xã hội.


- Xin cảm ơn ông!


VĂN GIANG (Thực hiện)