21 năm qua, chị Bùi Thị Thơm, cộng tác viên dân số thôn Tân Lập - xã Cam Phước Tây - huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) luôn là người gương mẫu, tận tụy với công việc. Chị từng được các cấp chính quyền biểu dương, khen thưởng nhiều lần.
21 năm qua, chị Bùi Thị Thơm, cộng tác viên dân số thôn Tân Lập - xã Cam Phước Tây - huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) luôn là người gương mẫu, tận tụy với công việc. Chị từng được các cấp chính quyền biểu dương, khen thưởng nhiều lần.
Chị Thơm đang hướng dẫn người dân cách áp dụng các biện pháp tránh thai |
Cam Phước Tây là xã có khá đông đồng bào theo đạo Công giáo. Vì vậy, nhận thức của bà con về mối liên hệ giữa sinh đông con và sự đói nghèo còn hạn chế. Do đó, vấn đề sử dụng các biện pháp tránh thai ít được bà con chấp nhận. Đặc biệt vào những năm 90 của thế kỷ trước, việc vận động người dân giảm sinh, thực hiện kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) rất khó khăn, ít người nhiệt tình tham gia. Năm 1993, chị Thơm đã tình nguyện làm cộng tác viên dân số cho thôn.
Thời gian đầu, công việc của chị khá vất vả. Tuy vậy, chị không quản ngại, ngày nào cũng đến từng hộ vận động người dân thực hiện KHHGĐ để giảm nghèo, phát triển kinh tế. Không làm một mình, năm 1997, chị còn vận động cả chồng chị cùng tham gia làm cộng tác viên. Những gia đình nào thuyết phục được người vợ nhưng chưa thuyết phục được người chồng, chị nhờ chồng vận động thêm. Để làm gương, vợ chồng chị đã triệt sản sau khi sinh đứa con thứ 2. Nhờ vậy mà hai vợ chồng chị đã vận động người dân trong thôn triệt sản dễ dàng hơn. Chị Thơm chia sẻ: “Khi tôi 32 tuổi, sinh đứa thứ 2 tôi triệt sản luôn. Mình làm gương thì vận động bà con sẽ dễ dàng hơn. Làm công việc này lương không có nhưng tôi tâm huyết là vì muốn giúp bà con giảm bớt nghèo”.
21 năm qua, người dân thôn Tân Lập ai cũng quen với hình ảnh chị Bùi Thị Thơm rong ruổi khắp mọi ngóc ngách của xóm, làng để vận động người dân bớt sinh đẻ nhằm cải thiện kinh tế gia đình. Không chỉ đến nhà, hễ gặp bà con trong thôn ở đâu chị đều nói chuyện về KHHGĐ để giảm sinh. Lần đầu vận động không được chị lại đến lần sau, có hộ chị phải đến 3, 4 lần mới thuyết phục thành công. Chị Nguyễn Thị Kim Cúc - một người dân trong thôn cho biết, vợ chồng chị làm ăn khá giả, dù đã sinh được 2 bé trai, chị vẫn muốn sinh thêm bé gái để đủ nếp đủ tẻ. Nhưng chị Thơm đã tới nhiều lần khuyên nhủ vợ chồng chị đừng sinh thêm để tập trung đầu tư cho hai cháu học hành. Vợ chồng chị thấy hợp lý nên quyết định dừng sinh.
Chị Nguyễn Thị Thanh Chi - một trong những trường hợp được chị Thơm vận động áp dụng biện pháp tránh thai cũng cho biết, chị đã có 3 con, gia cảnh nghèo khó, nhà ở tạm bợ, chị không có việc làm, chi phí gia đình phụ thuộc hết vào người chồng đi làm phụ hồ nên thiếu trước hụt sau. Nhưng do nhà chị theo đạo Công giáo nên vợ chồng chị không áp dụng biện pháp tránh thai vì sợ mang tội. Tuy nhiên, sau nhiều lần nghe chị Thơm giải thích, thuyết phục có lý có tình nên chị đồng ý dùng viên uống tránh thai đến nay đã được 2 năm. “Mình sinh đông, để con nheo nhóc, không đủ ăn đủ mặc càng có tội hơn nên vợ chồng tôi quyết định nghe theo lời chị Thơm” - chị Chi nói.
Việc làm của chị Thơm đã được chính quyền xã đánh giá cao. Ông Nguyễn Hiền - Phó Ban chỉ đạo công tác xã cho biết: Chị Thơm là một cộng tác viên dân số giỏi, rất nhiệt tình và tận tâm với công việc. Các chỉ tiêu dân số ở thôn giao chị Thơm đều được thực hiện tốt, qua đó đã góp phần đáng kể trong việc thực hiện các chỉ tiêu dân số toàn xã. Những năm trước, Cam Phước Tây là một trong những xã có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên khá cao. Tuy nhiên, những năm gần đây, hàng năm, xã gần như hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch dân số đề ra. Tỷ lệ cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại luôn đạt từ 80% trở lên.
Với những cống hiến của mình, từ năm 2007 đến nay, chị Thơm liên tục nhận được bằng khen của Bộ Y tế, Tổng cục Dân số - KHHGĐ, UBND tỉnh và UBND huyện Cam Lâm.
Thảo Nhi