Báo cáo bảng xếp hạng các điểm đến có dịch vụ gia công đứng đầu thế giới thông qua đánh giá các chỉ tiêu về chi phí, rủi ro và điều kiện hoạt động do Công ty tư vấn bất động sản toàn cầu Cushman & Wakefield vừa công bố cho thấy, lần đầu tiên Việt Nam đã vươn lên trở thành thị trường gia công đứng đầu của thế giới do chi phí nhân công đang tăng lên tại Trung Quốc.
Báo cáo bảng xếp hạng các điểm đến có dịch vụ gia công đứng đầu thế giới thông qua đánh giá các chỉ tiêu về chi phí, rủi ro và điều kiện hoạt động do Công ty tư vấn bất động sản toàn cầu Cushman & Wakefield vừa công bố cho thấy, lần đầu tiên Việt Nam đã vươn lên trở thành thị trường gia công đứng đầu của thế giới do chi phí nhân công đang tăng lên tại Trung Quốc.
Theo nhận định của Công ty Cushman & Wakefield, thị trường Việt Nam đã trở nên đặc biệt hấp dẫn nhờ Chính phủ áp dụng nhiều biện pháp cải cách mới. Việc đầu tư mạnh vào giáo dục và đào tạo đã giúp nguồn lao động Việt Nam chuyển từ nghề nông, năng suất thấp sang những công việc văn phòng năng suất cao hơn.
Việt Nam cũng thu lợi từ nguồn nhân công khá ổn định. Độ tuổi trung bình của Việt Nam dưới 30 tuổi và mỗi năm lại có thêm từ 1 - 1,5 triệu người gia nhập thị trường lao động, tạo nguồn cung dồi dào. Mặt khác, mức lương vẫn còn thấp so với những nước láng giềng trong khu vực, Việt Nam đã trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Đặc biệt, ngành công nghiệp phần mềm đang phát triển mạnh mẽ với việc có hơn 1.000 công ty phần mềm hoạt động, sử dụng trên 80.000 nhân viên, trở thành một trong những nhà xuất khẩu phần mềm lớn nhất thế giới và là nước thứ hai gia công nhiều nhất cho Nhật Bản.
Theo ông Richard Middleton, Giám đốc Bộ phận dịch vụ thuê của Cushman & Wakefield khu vực châu Á - Thái Bình Dương, châu Âu, Trung Đông và châu Phi: dù không phải là thị trường dịch vụ gia công giá rẻ nhất, Việt Nam vẫn rất cạnh tranh so với thị trường các nước khác. Chi phí tiền lương đang tăng lên ở Ấn Độ và Trung Quốc đã giúp cho Việt Nam đứng đầu bảng xếp hạng năm 2015.
K.T (Tổng hợp)