08:03, 04/03/2015

Làm tốt công tác "Đền ơn đáp nghĩa"

Phát huy truyền thống "Uống nước nhớ nguồn", những năm qua, tỉnh Khánh Hòa đã dành nhiều quan tâm đối với người có công, các gia đình chính sách… Nhờ đó, hầu hết người có công trên địa bàn tỉnh đều có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống của người dân nơi cư trú.

Phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, tỉnh Khánh Hòa đã dành nhiều quan tâm đối với người có công (NCC), các gia đình chính sách… Nhờ đó, hầu hết NCC trên địa bàn tỉnh đều có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống của người dân nơi cư trú.

 

1
Được sự quan tâm, tạo điều kiện của địa phương, gia đình ông Nguyễn Tiến Cường vươn lên làm giàu.


Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng chính sách; đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là những nội dung mới ban hành liên quan đến NCC. Thực hiện chi trả đúng, đủ, kịp thời, chính xác các chế độ đối với NCC. Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Nhị (Khu tái định cư Sông Lô, xã Phước Đồng, TP. Nha Trang) cho biết: “Các cấp, ngành, địa phương luôn chăm lo chu đáo đời sống tinh thần, vật chất cho mẹ. Những lúc mẹ bị ốm đau, bệnh tật, đại diện địa phương đều đến thăm hỏi, động viên. Đặc biệt, ngoài chế độ hàng tháng, mẹ còn được địa phương cấp đất, hỗ trợ xây dựng một căn nhà khang trang làm nơi an dưỡng tuổi già”.


Ngoài ra, hàng năm, tỉnh còn trích ngân sách hỗ trợ, thăm hỏi, tặng quà cho NCC. Ngoài các chế độ của Trung ương, tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết để hỗ trợ đối tượng NCC với cách mạng như: Chế độ chính sách hàng tháng cho 1.007 người là Bà mẹ Việt Nam anh hùng, cha, mẹ, vợ, chồng liệt sĩ từ 80 tuổi trở lên; Nghị quyết về chế độ quà lễ, Tết (ngày Quốc tế Lao động 1-5, Quốc khánh 2-9, Tết Nguyên đán) và Nghị quyết về chế độ hỗ trợ cho đối tượng là thương binh, liệt sĩ nhân ngày 27-7. Hàng năm, tỉnh còn dành hơn 20 tỷ đồng tổ chức các đợt đưa NCC trên địa bàn tỉnh đi tham quan, nghỉ dưỡng ở Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc.


Bên cạnh đó, các cấp, ngành, địa phương còn quan tâm tạo điều kiện và hỗ trợ đất, vốn cho các gia đình thương bệnh binh phát triển kinh tế. Nhờ đó, nhiều thương bệnh binh đã vượt qua bệnh tật, vươn lên làm kinh tế giỏi. Gia đình ông Nguyễn Tiến Cường (thương binh 4/4, thôn 3, xã Ninh Thượng, thị xã Ninh Hòa) là một trong những tấm gương tiêu biểu. Được chính quyền địa phương tạo điều kiện, vợ chồng ông đã khai khẩn đất hoang để phát triển sản xuất. Đến nay, diện tích đất sản xuất của gia đình đã mở rộng hơn 50ha. Ban đầu, ông trồng cây ngắn ngày như thuốc lá, các loại đậu, dưa… sau đó ông mạnh dạn chuyển sang trồng mía đường. Hiện nay, gia đình ông có thu nhập hơn 1 tỷ đồng/năm từ cây mía, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 50 lao động địa phương với mức thu nhập từ 150.000 đến 200.000 đồng/người/ngày. Có tiền, ông đầu tư mua sắm thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng.

 

Khánh Hòa hiện có 47.873 người được công nhận và giải quyết chế độ ưu đãi theo quy định của Pháp lệnh Ưu đãi NCC với cách mạng; 656 Bà mẹ Việt Nam anh hùng (hiện còn sống 41 mẹ). Số đối tượng NCC đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng là 8.647 người, với số tiền hơn 10,7 tỷ đồng/tháng.

Phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” được tỉnh duy trì bằng những việc làm thiết thực, trong đó nổi bật là việc huy động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”. Chỉ tính riêng năm 2014, các cấp, ngành, địa phương đã vận động đóng góp được hơn 4,5 tỷ đồng vào Quỹ. Số tiền này đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa 201 căn nhà tình nghĩa cho gia đình NCC với cách mạng. Ngoài ra, hiện nay các cấp, ngành, địa phương đang tập trung triển khai việc hỗ trợ nhà ở cho 920 hộ NCC (xây mới 258 nhà, sửa chữa 662 nhà) với tổng kinh phí hơn 23,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hoạt động phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng cũng được các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện tốt. Hàng tháng, đại diện các đơn vị, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng đều đến thăm hỏi và tặng quà cho các mẹ. Trung bình mỗi mẹ được các đơn vị, doanh nghiệp hỗ trợ từ 800.000 đến 1 triệu đồng/tháng. Số tiền tuy không lớn nhưng đó là sự động viên, an ủi để các mẹ sống vui, sống khỏe.


Bà Trịnh Thị Hợp, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, hiện nay, mức sống của các gia đình chính sách đều bằng hoặc cao hơn mức sống của người dân địa phương. Thời gian tới, phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, đồng thời thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ cho NCC; tạo điều kiện tốt nhất để NCC tích cực tham gia học tập, lao động sản xuất, kinh doanh ổn định cuộc sống.


VĂN GIANG