07:03, 18/03/2015

Hướng tới loại trừ sốt xuất huyết

Vừa qua, tại TP. Nha Trang diễn ra hội nghị tổng kết giai đoạn 3 và triển khai giai đoạn 4 dự án ứng dụng muỗi Aedes aegypti mang tác nhân Wolbachia nhằm hướng tới loại trừ sốt xuất huyết tại Việt Nam.

Vừa qua, tại TP. Nha Trang diễn ra hội nghị tổng kết giai đoạn 3 và triển khai giai đoạn 4 dự án ứng dụng muỗi Aedes aegypti mang tác nhân Wolbachia nhằm hướng tới loại trừ sốt xuất huyết (SXH) tại Việt Nam. Kết quả sơ bộ của dự án triển khai tại đảo Trí Nguyên cho thấy có nhiều chiều hướng khả quan.

 

Thành viên dự án đang thả muỗi mang tác nhân Wolbachia tại một nhà dân trên đảo Trí Nguyên.
Thành viên dự án đang thả muỗi mang tác nhân Wolbachia tại một nhà dân trên đảo Trí Nguyên.


Không còn ổ dịch tập trung


Theo Tiến sĩ Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, SXH là một trong những vấn đề lớn về sức khỏe cộng đồng tại khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Căn bệnh này hiện chưa có vắc xin phòng bệnh và không có thuốc điều trị đặc hiệu. Các biện pháp phòng bệnh hiện nay chủ yếu là sử dụng hóa chất diệt côn trùng, làm sạch môi trường, thu gom phế thải, thả cá ăn bọ gậy… tuy nhiên vẫn chưa đem lại hiệu quả. Việc nghiên cứu ứng dụng các tác nhân sinh học trong phòng, chống bệnh SXH là một hướng đi mới trên thế giới và Việt Nam đã nhanh chóng tiếp cận phương pháp này. “Nếu thành công, đây sẽ là biện pháp hữu hiệu trong việc phòng, chống bệnh SXH trên thế giới và ở Việt Nam trong thời gian tới” - Tiến sĩ Dương nói.


Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trần Hiển, Chủ nhiệm dự án cho biết: “Sau 4 tháng ngừng thả, đến nay, tỷ lệ muỗi Aedes aegypti mang Wolbachia vẫn duy trì ở ngưỡng 95% tại đảo Trí Nguyên. Dự án đã tiến hành thu thập muỗi này tại đảo để đánh giá khả năng ức chế nhiễm vi rút SXH trong thực nghiệm. Đến tháng 6-2015 mới có kết quả chính thức. Ngoài ra, chúng tôi đã thực hiện giám sát và đánh giá tác động lâu dài của dự án khi triển khai tại đảo thông qua các hình thức: tiến hành 2 đợt khám sức khỏe tổng quát cho toàn bộ 3.000 người dân trên đảo; thu thập số liệu qua hệ thống báo cáo thống kê của các trạm y tế, phân trạm đảo Trí Nguyên, Phòng khám đa khoa khu vực số 5 để theo dõi mô hình bệnh tật của người dân trên đảo trong thời gian triển khai dự án. Hiện số liệu này đang được phân tích và sau khi hoàn thiện sẽ thông báo đến người dân trên đảo trong thời gian sớm nhất. Song song đó, dự án cũng theo dõi khả năng lây truyền Wolbachia sang một số sinh vật ăn bọ gậy muỗi Aedes aegypti mang Wolbachia. Kết quả phân tích 60 mẫu cá bảy màu và 60 mẫu thạch sùng (những sinh vật ăn nhiều loại muỗi này nhất) cho thấy tất cả các mẫu đều âm tính với Wolbachia. Từ khi triển khai dự án đến nay, tại đảo Trí Nguyên không có ổ dịch SXH tập trung nào. Những kết quả trên cung cấp thêm bằng chứng cho thấy, phương pháp sử dụng Wolbachia là an toàn đối với con người, động vật và môi trường, khả năng có thể ứng dụng dự án trên quy mô rộng”.


Cơ hội loại trừ bệnh sốt xuất huyết


Với những kết quả tích cực trên, đầu năm 2015, Bộ Y tế đã phê duyệt giai đoạn 4 của dự án với tên gọi “Thực trạng bệnh SXH dengue và các yếu tố liên quan tại TP. Nha Trang năm 2015”. Mục tiêu của dự án là tìm hiểu thực trạng bệnh SXH dengue và các yếu tố liên quan tại TP. Nha Trang. Trên cơ sở đó xây dựng nghiên cứu đánh giá hiệu quả ứng dụng tác nhân sinh học Wolbachia trong phòng, chống SXH trong tương lai.


Dự án được triển khai tại TP. Nha Trang từ tháng 1-2015 đến 2-2016 với các hoạt động chính: điều tra bọ gậy, giám sát côn trùng, giám sát vi rút lưu hành, thu nhập số liệu ca bệnh SXH, nghiên cứu tính đa dạng của vi rút dengue, nghiên cứu huyết thanh học ở trẻ từ 1 - 10 tuổi, điều tra nhận thức thái độ thực hành, xây dựng quy trình lấy sự đồng thuận của cộng đồng... Tổng kinh phí dự án hơn 808.400 USD.  


Ông Lâm Quang Chứng - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết: “Năm 2013, Khánh Hòa đứng đầu cả nước về số ca mắc SXH. Năm 2014, tuy đã giảm 8 lần so với năm 2013 nhưng số ca mắc vẫn rất cao. Dự án triển khai thành công vừa là cơ hội giúp tỉnh Khánh Hòa loại trừ bệnh SXH, vừa đóng góp cho thế giới một phương pháp mới trong loại trừ căn bệnh này. Ngành Y tế Khánh Hòa sẽ chỉ đạo các đơn vị trong ngành tích cực phối hợp để dự án triển khai đúng tiến độ”.


T.L   

 



Năm 2006, được sự hỗ trợ của Đại học Monash (Úc), dự án nghiên cứu ứng dụng muỗi Aedes aegypti (muỗi truyền bệnh SXH) mang Wolbachia (tác nhân sinh học làm ức chế và giảm khả năng lây truyền vi rút SXH trong muỗi Aedes aegypti. Wolbachia tồn tại tự nhiên ở trong nhiều loại côn trùng và vô hại với con người, môi trường) trong phòng, chống SXH để hướng tới loại trừ bệnh này tại Việt Nam được triển khai tại đảo Trí Nguyên, TP. Nha Trang. Dự án do Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương phối hợp với Viện Pasteur Nha Trang và Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa thực hiện. Các hoạt động chính của dự án ở giai đoạn 1, 2, 3 (từ năm 2006 - 2015) là tiến hành làm giảm quần thể muỗi ở đảo Trí Nguyên bằng cách lọc sạch bọ gậy tại các dụng cụ chứa nước; nhân nuôi và duy trì quần thể muỗi mang Wolbachia tại Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương; lấy phiếu đồng thuận ủng hộ dự án của người dân và tiến hành đặt lăng quăng muỗi Aedes aegypti mang Wolbachia tại đảo Trí Nguyên.