06:03, 08/03/2015

Hướng phụ nữ rèn luyện các phẩm chất tốt đẹp trong thời kỳ mới

Nhân kỷ niệm 105 năm ngày Quốc tế Phụ nữ, phóng viên Báo Khánh Hòa phỏng vấn bà Nguyễn Thị Nhung, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh về việc thực hiện Đề án 343 của Chính phủ "Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, giai đoạn 2010 - 2015" tại Khánh Hòa.

Nhân kỷ niệm 105 năm ngày Quốc tế Phụ nữ, phóng viên Báo Khánh Hòa phỏng vấn bà Nguyễn Thị Nhung, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Khánh Hòa về việc thực hiện Đề án 343 của Chính phủ “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) đất nước, giai đoạn 2010 - 2015” tại Khánh Hòa.

 


- Xin bà cho biết việc triển khai thực hiện Đề án 343 trên địa bàn tỉnh?


- Từ năm 2012 đến nay, Hội LHPN tỉnh liên tục chỉ đạo Hội LHPN các huyện, thành phố triển khai thực hiện các nhiệm vụ tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam với nhiều hình thức như: tập huấn, nói chuyện chuyên đề, tổ chức các cuộc thi, sinh hoạt câu lạc bộ (CLB)... Riêng năm 2014, Hội LHPN các huyện, thị xã, thành phố đã mở 15 lớp tập huấn cho 1.629 cán bộ, tuyên truyền viên phụ nữ; phối hợp với Liên đoàn Lao động, Đoàn Thanh niên mở 7 lớp tuyên truyền cho 458 nữ thanh niên, công chức, viên chức và người lao động. Đối với cấp cơ sở, các Hội Phụ nữ xã, phường đã phối hợp với Trung tâm học tập cộng đồng mở 191 buổi tuyên truyền cho 82.758 cán bộ, hội viên, phụ nữ; tuyên truyền lồng ghép trong các buổi sinh hoạt hội viên, sinh hoạt CLB... thu hút 70.298 lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ tham dự.


Bên cạnh tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh còn tổ chức các hội thi như: “Tuyên truyền viên giỏi về giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam”; “Cùng xây tổ ấm”, “Liên hoan Hát ru, hát dân ca cổ truyền”; giao lưu ”Phụ nữ tự tin năng động”... Đặc biệt, nhiều đơn vị Hội cơ sở đã xây dựng được mô hình tuyên truyền mới như: CLB “Phụ nữ với 4 chuẩn mực” (Ninh Hòa); CLB “Phụ nữ tự tin” (Diên Khánh); CLB “Hát dân ca” (Cam Lâm); mô hình ”Phụ nữ mới” (Nha Trang), “Phụ nữ đảm đang” (Cam Ranh, Vạn Ninh, Ninh Hòa), “Đảm đang nữ thanh niên” (Diên Khánh)... Qua đó tuyên truyền, vận động phụ nữ rèn luyện các phẩm chất đạo đức phụ nữ trong thời kỳ mới: “Tự tin - tự trọng - trung hậu - đảm đang”.


Ngoài ra, để góp phần đẩy mạnh tuyên truyền Đề án 343, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng tài liệu: Bản tin chuyên đề “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức Phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước” với số lượng 1.500 quyển, phát hành đến 100% chi, tổ phụ nữ, các sở, ban, ngành. Hội còn cung cấp bộ đĩa CD của Hội LHPN Việt Nam gồm 12 phóng sự truyền thanh bằng 3 thứ tiếng dân tộc Mông, Thái, Êđê cho các huyện, thị xã, thành phố nhằm tuyên truyền sâu rộng tại các địa bàn có đông người dân tộc thiểu số. Hội LHPN tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố còn phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí đưa hàng trăm tin, bài tuyên truyền về tấm gương sáng phụ nữ, gương điển hình tiêu biểu về làm kinh tế giỏi, nhân đạo từ thiện... đến hội viên, phụ nữ để học tập và nhân rộng...


- Qua các hình thức tuyên truyền trên, phụ nữ đã có những thay đổi như thế nào về nhận thức đối với việc rèn luyện các phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam, thưa bà?


- Các hình thức tuyên truyền của Đề án đã giúp hội viên, phụ nữ hiểu rõ hơn về 4 phẩm chất đạo đức của phụ nữ Việt Nam “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, về vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là phụ nữ trong việc rèn luyện, phát huy các phẩm chất truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế việc triển khai tuyên truyền Đề án tại các huyện, thị xã, thành phố, vẫn có tình trạng một số địa phương chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của việc triển khai Đề án, coi đây là việc của Hội Phụ nữ. Do vậy, công tác phối kết hợp trong việc tuyên truyền nội dung Đề án cho chị em chưa hiệu quả. Một số huyện kinh phí cấp cho hoạt động của Đề án còn chậm và hạn chế nên ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện. Một số hoạt động tuyên truyền của Đề án còn lồng ghép với các chương trình, hoạt động của ngành, Hội ở địa phương nên hiệu quả chưa rõ nét.


- Thưa bà, năm 2015 là năm cuối thực hiện Đề án, Hội sẽ tập trung đẩy mạnh tuyên truyền nội dung nào để nâng cao hiệu quả của Đề án?


- Hội sẽ chỉ đạo Hội LHPN các cấp tập trung một số nội dung quan trọng như: Rà soát lại các chỉ tiêu để thúc đẩy việc xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện tốt nội dung Đề án, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu 5 năm khi kết thúc giai đoạn vào cuối năm 2015. Bên cạnh đó, Hội tiếp tục tổ chức các hoạt động, mô hình truyền thông thay đổi hành vi cho các nhóm đối tượng phụ nữ tại cộng đồng (tập trung các đối tượng đặc thù, khó khăn) về 4 phẩm chất đạo đức dưới nhiều hình thức như: tổ chức cuộc thi, truyền thông, nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt CLB, sinh hoạt hội viên, đoàn viên tại các chi, tổ phụ nữ; phối hợp với Liên đoàn Lao động, Đoàn Thanh niên và các ngành có liên quan lồng ghép nội dung tuyên truyền, giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH đất nước vào kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 33 - Hội nghị Trung ương 9 khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”. Mặt khác, phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền, giới thiệu những tấm gương phụ nữ tiêu biểu để nhân rộng điển hình...


- Xin cảm ơn bà!


M.T (Thực hiện)