Trên địa bàn tỉnh hiện có 252 đường ngang giao với đường sắt, trong đó có đến 159 đường ngang do người dân tự mở. Trong số 93 đường ngang hợp pháp, chỉ có 33 điểm có gác chắn, 36 điểm có biển báo tự động còn lại 24 điểm chỉ có biển báo.
Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa hiện có 252 đường ngang giao với đường sắt, trong đó có đến 159 đường ngang do người dân tự mở. Trong số 93 đường ngang hợp pháp, chỉ có 33 điểm có gác chắn, 36 điểm có biển báo tự động còn lại 24 điểm chỉ có biển báo. Chính sự phức tạp này khiến nhiều đường ngang trở thành cung đường định mệnh. Riêng năm 2014, trên địa bàn tỉnh xảy ra 17 vụ tai nạn đường sắt, làm chết 17 người.
Tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đường sắt |
Những đường ngang định mệnh
Đầu năm 2015, tại km1253+800, thuộc xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh, ô tô 4 chỗ do ông Lê Đức Kiều (50 tuổi, trú tỉnh Đắk Lắk) điều khiển khi đi qua đường ngang có đèn tín hiệu và chuông báo động đã va chạm với tàu SE26. Vụ việc khiến ông Kiều bị thương nặng, hai người cùng đi trên xe là bà Võ Thị Sương (59 tuổi) chết tại chỗ, ông Tô Đình Phúc (58 tuổi) bị thương rất nặng. Trước đó, tại km1258+920 thuộc xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh cũng xảy ra vụ tai nạn giữa tàu hỏa và xe múc do anh Nguyễn Anh Tuấn (Nam Định) làm tài xế. Tai nạn làm tài xế chết tại chỗ, nguyên nhân được xác định do anh Tuấn điều khiển xe qua đường sắt không quan sát, không chấp hành tín hiệu cảnh báo.
Nhiều vụ tai nạn thương tâm khác, điển hình như vụ tàu hỏa tông 2 xe mô tô khiến 2 thanh niên tử vong tại chỗ ở xã Ninh Lộc (thị xã Ninh Hòa). Đây là đường ngang có tín hiệu cảnh báo tự động, nhưng 2 thanh niên này vẫn cố tình chạy qua dẫn đến tai nạn. Hay tại đường sắt qua thôn Nội Mỹ, xã Ninh Đông, em Lê Thị Kim Uy (sinh năm 2000, trú thôn Nội Mỹ) đang đi bộ trên đường sắt thì bị tàu hỏa cùng chiều cán tử vong. Nguyên nhân do em Uy đeo tai phone nghe nhạc nên không nghe còi tàu khi tàu chạy qua khúc cua này.
Theo quan sát của chúng tôi, đường ngang dân sinh bất hợp pháp trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều và phức tạp. Đơn cử như Nha Trang, người dân vô tư đi lại, sinh sống, thậm chí mở quán nhậu cạnh đường sắt. Khu vực xã Suối Cát (huyện Cam Lâm) có chiều dài đường sắt đi qua chưa đầy 500m nhưng có tới 24 vị trí đường ngang dân sinh bất hợp pháp. Ngoài ra, nhiều khu vực khác như: xã Suối Hiệp (Diên Khánh), Tân Đảo, Tân Thành (Ninh Hòa), Vạn Lương, Vạn Giã (Vạn Ninh)…
Ý thức còn kém
Theo ông Phan Văn Thuyên, Phó Giám đốc Công ty Quản lý đường sắt Phú Khánh, đường ngang tự phát đã khiến ngành đường sắt khó khăn trong việc đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) đường sắt. Nhiều điểm, ngành đường sắt đã tổ chức rào chắn nhưng bị tháo dỡ, nhiều đường ngang do thiếu kinh phí nên chưa xây dựng được rào chắn. Trong số 93 đường ngang hợp pháp, có đến 11 đường đang quá tải vì xe có tải trọng lớn thường xuyên đi qua đường sắt, nhưng không phối hợp với ngành đường sắt tổ chức cảnh giới nên nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông rất cao.
9 điểm nguy cơ tai nạn cao
|
Bên cạnh đó, ý thức người dân chấp hành luật giao thông kém. “Người ta có thể ngồi cả giờ đồng hồ ăn nhậu nhưng một vài phút chờ tàu lại cảm thấy lâu. Nhiều trường hợp tai nạn chỉ vì lấy đường tàu làm nơi đi lại, hóng mát, nghe điện thoại... Ý thức người dân tham gia giao thông là nguyên nhân chính xảy ra các vụ tai nạn đáng tiếc. Bên cạnh đó, việc thiếu kinh phí tu sửa, xây dựng các đường gom, rào chắn cũng khiến nguy cơ mất ATGT đường sắt xảy ra”, ông Thuyên nói.
Theo ông Thuyên, việc nâng cao ý thức người dân mới là điều quan trọng. UBND tỉnh đã đồng ý cấp kinh phí cho Công ty phối hợp với Ban ATGT tỉnh và các địa phương tổ chức tuyên truyền ATGT đường sắt cho học sinh ở các trường học, vận động người dân ký cam kết bảo đảm ATGT đường sắt. Hiện nay, Công ty đang rà soát, kiểm tra sửa chữa kết cấu hạ tầng tại các đường ngang, đặt các biển báo chú ý tàu hỏa. Bên cạnh đó, Công ty đã xây dựng được 13km hàng rào, đường gom dân sinh dọc tuyến đường sắt đi qua khu dân cư; đặt 94 biển báo ở các đường ngang dân sinh; xây 3 hầm chui, 3 vị trí giao với Quốc lộ 1A đang được Bộ Giao thông vận tải làm cầu vượt.
Mới đây, đồng chí Lê Đức Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ký công văn triển khai các biện pháp đảm bảo ATGT đường sắt. Theo đó, yêu cầu các địa phương tổ chức giải tỏa tầm nhìn; bố trí người cảnh giới ở xã Vạn Khánh, Vạn Thắng (Vạn Ninh), Suối Cát (Cam Lâm)… Đối với đường ngang tự phát, yêu cầu địa phương rà soát những điểm nào hợp lý thì tổ chức cắm biển, bố trí người cảnh báo, điểm nào không hợp lý thì kiên quyết rào chắn. Theo chỉ đạo này, Công ty Quản lý đường sắt Phú Khánh đã đề nghị đặt biển báo, bố trí người cảnh giới ở 13 điểm và hiện nay đã có 4 điểm có người cảnh giới.
ĐOÀN HƯƠNG GIANG