Mùa khô năm nay, Khánh Hòa được dự báo là một trong những địa phương có nguy cơ cháy rừng cao. Trong số hơn 43.700ha rừng của tỉnh, có gần 17.000ha có nguy cơ cháy cao. Chính vì thế, các địa phương, đơn vị cần chủ động phòng, chống cháy rừng.
Mùa khô năm nay, Khánh Hòa được dự báo là một trong những địa phương có nguy cơ cháy rừng cao. Trong số hơn 43.700ha rừng của tỉnh, có gần 17.000ha có nguy cơ cháy cao. Chính vì thế, các địa phương, đơn vị cần chủ động phòng, chống cháy rừng (PCCR).
Phát dọn thực bì, làm đường ranh cản lửa để phòng, chống cháy rừng trong mùa khô |
Nguy cơ cháy rừng trồng
Hiện nay, địa bàn huyện Khánh Vĩnh có hơn 85.200ha rừng, trong đó hơn 10.000ha rừng trồng tập trung tại 58 tiểu khu, phân bố khắp các địa phương trong huyện đang đối diện với nguy cơ cháy. Ông Lê Thanh Hóa - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khánh Vĩnh cho biết: “Phần lớn diện tích rừng trồng tiếp giáp với đất sản xuất của người dân. Trong quá trình canh tác, người dân, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số thường xuyên đốt nương làm rẫy; một số người khi đi rừng thường sử dụng lửa một cách bất cẩn... khiến rừng Khánh Vĩnh luôn đứng trước nguy cơ cháy cao, có thể cháy lan trên diện rộng”.
Ở huyện miền núi Khánh Sơn, nguy cơ xảy ra cháy rừng cũng rất lớn, bởi địa phương đang bước vào cao điểm mùa khô. Ông Bùi Đức Luyến - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khánh Sơn cho hay: “Trên địa bàn huyện có hàng chục điểm rừng và khu vực rẫy tiếp giáp với rừng trồng có nguy cơ cháy cao; tổng diện tích rừng dễ cháy lên đến gần 2.700ha, chủ yếu là rừng thông và rừng trồng. Những điểm dễ cháy tập trung tại những khu vực đồi dốc, xa nguồn nước, nhiều diện tích có lớp thực bì dày, chủ yếu là cỏ tranh, lau lách nên dễ bắt lửa. Gần 3 tháng nay, trên địa bàn huyện không có cơn mưa nào; nếu xảy ra cháy rừng, việc chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn và thiệt hại sẽ rất lớn”.
Tăng cường phòng cháy
*Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 214.000ha rừng tự nhiên và hơn 43.700ha rừng trồng. Hiện toàn tỉnh có gần 17.000ha rừng trọng điểm dễ cháy, chủ yếu là rừng trồng. Ngoài 2 huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, các địa phương khác cũng có diện tích rừng trồng lớn có nguy cơ cháy cao như: Cam Lâm 360ha, Diên Khánh 1.097ha, TP. Cam Ranh 850ha, thị xã Ninh Hòa hơn 1.550ha, Vạn Ninh 800ha. |
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết năm nay, ngay từ đầu mùa khô, các địa phương trong tỉnh đã chủ động công tác PCCR. Các biện pháp cấp bách như: kiện toàn Ban chỉ đạo PCCR các cấp; thành lập các tổ, đội xung kích tham gia bảo vệ rừng, PCCR đã được triển khai. Các đơn vị chủ rừng còn thường xuyên tuần tra, kiểm soát các khu vực rừng có nguy cơ xảy ra cháy; tiến hành làm mới, phát dọn thực bì, duy tu đường ranh cản lửa. Bên cạnh kiểm tra công tác PCCR, Hạt Kiểm lâm các địa phương còn nắm bắt diễn biến thời tiết, thông tin kịp thời nhằm cảnh báo, dự báo đến các địa phương, đơn vị chủ rừng những khu vực có nguy cơ cháy cao; chuẩn bị lực lượng xung kích tại chỗ, phương tiện, hậu cần để sẵn sàng ứng cứu nếu sự cố xảy ra. Ông Lê Thanh Hóa cho biết: “Từ đầu mùa khô năm nay, các tổ chức, cá nhân là chủ rừng trên địa bàn huyện đã thống kê diện tích rừng đang quản lý, xây dựng bản đồ những khu vực trọng điểm. Tại những khu vực có nguy cơ cháy cao, thường xuyên bố trí lực lượng túc trực, bố trí các bồn, bể chứa nước để sẵn sàng chữa cháy khi có sự cố...”. Tại Khánh Sơn, Hạt Kiểm lâm huyện đã tham mưu UBND huyện chỉ đạo các địa phương, đơn vị chủ rừng tăng cường triển khai công tác bảo vệ rừng và PCCR trong mùa khô. Theo đó, phân công trực PCCR 24/24, thường xuyên cập nhật diễn biến dự báo cấp cháy rừng đến các địa phương, đơn vị chủ rừng, rà soát phương án PCCR của các địa phương, đơn vị chủ rừng...
Ông Nguyễn Khương - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết: “Nguy cơ cháy rừng trong mùa khô năm nay được dự báo sẽ lớn hơn so với mọi năm. Để chủ động PCCR, Chi cục đã chỉ đạo các Hạt Kiểm lâm tăng cường kiểm tra, đôn đốc chủ rừng thực hiện các biện pháp kỹ thuật để phòng cháy như: làm đường ranh cản lửa, xử lý các vật liệu gây cháy...; bên cạnh đó tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng và PCCR với các hộ dân; quản lý chặt chẽ việc đốt nương rẫy... Ngoài ra, các khu vực rừng trọng điểm có nguy cơ cháy cao cần được thường xuyên tuần tra, trực gác, theo dõi dự báo cháy để kịp thời xử lý khi xảy ra cháy; tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức về công tác PCCR cho người dân; tổ chức công tác PCCR từ cơ sở theo phương châm “4 tại chỗ”...
BÍCH LA - ANH TUẤN