Sau hơn 1 năm chuyển đổi mô hình quản lý từ Nhà nước sang tư nhân, hoạt động của chợ Vạn Ninh đã góp phần giảm gánh nặng và tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Sau hơn 1 năm chuyển đổi mô hình quản lý từ Nhà nước sang tư nhân, hoạt động của chợ Vạn Ninh (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) đã góp phần giảm gánh nặng và tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước.
Chợ Vạn Ninh |
Tiểu thương phấn khởi
Chợ Vạn Ninh được áp dụng chuyển đổi mô hình quản lý từ cuối năm 2013. Đến nay, hoạt động của chợ đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hầu hết tiểu thương kinh doanh tại chợ đều phấn khởi và hài lòng với Ban quản lý (BQL) mới của chợ.
Chợ Vạn Ninh có khoảng 150 hộ kinh doanh chỗ cố định và hơn 250 hộ kinh doanh chỗ không cố định. Theo ông Lê Văn Thi (hộ kinh doanh quần áo), chỗ không cố định là đi chợ bán ngày nào nộp tiền ngày đó. Trước kia, tiểu thương phải dùng dù, bạt che tạm chỗ bán hàng, rất lụp xụp. Ngày nắng nóng thì mỏi mệt, ngày mưa, hàng hóa có khi bị ướt, hỏng, phải nghỉ bán, gây thiệt hại cho công việc kinh doanh. Tuy nhiên, khi tiểu thương xin phép được làm mái che mới thì BQL cũ không cho. “Từ khi BQL mới hoạt động, chúng tôi đã kiến nghị được làm mái che để tạo điều kiện buôn bán thuận lợi và được đồng ý. Hơn 60 hộ kinh doanh đã được ổn định chỗ bán hàng. Những gian hàng ẩm thấp cũng được cho phép tráng nền cao đảm bảo vệ sinh và thuận tiện trong buôn bán, bảo quản hàng hóa. Chúng tôi rất phấn khởi vì BQL mới đã tiếp thu và quan tâm đến nguyện vọng chính đáng của tiểu thương”, ông Thi nói.
Hiện nay, giá thu phí mặt bằng tại chợ thực hiện theo quy định của UBND tỉnh tuy cao hơn trước 10-20%, nhưng bà con tiểu thương đều hài lòng với số tiền bỏ ra. Bà Diệp Mỹ Anh - gian hàng nhang, giấy hương đèn - chia sẻ: “Hiện nay, công tác vệ sinh môi trường, bảo vệ an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy (PCCC) được BQL mới quan tâm thực hiện tốt hơn trước. Chợ sạch sẽ hơn, không còn xảy ra tình trạng mất cắp hàng hóa vào ban đêm, lực lượng quản lý chợ tổ chức tuần tra 24/24 giờ. Qua đó tạo thuận lợi cho các hộ kinh doanh”.
Vì lợi ích chung
Theo ông Hoàng Đình Hậu, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh, trước kia mỗi năm ngân sách huyện phải cấp bù cho BQL cũ của chợ 400 triệu đồng. Sau khi tổ chức đấu thầu, Công ty TNHH một thành viên Đại An (phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa) trúng thầu quản lý chợ. Với giá trúng thầu gần 384 triệu đồng, cộng các loại thuế, mỗi năm đơn vị trúng thầu nộp cho ngân sách Nhà nước 476 triệu đồng.
Bước đầu hoạt động theo mô hình mới, BQL chợ đã cải tạo một số hệ thống thoát nước, sửa chữa khu vệ sinh, yêu cầu tiểu thương không bày hàng hóa lấn chiếm lối đi, lưu thông trong chợ trở nên thông thoáng, thuận lợi hơn cho người dân khi mua bán. Tình trạng người đi chợ để xe lộn xộn, gây mất trật tự an toàn giao thông tại đường số 3 trước mặt chợ đã được giải quyết dứt điểm. Công tác PCCC được quan tâm, thiết bị PCCC được sửa chữa và trang bị mới.
Ông Lê Văn Sơn, Trưởng BQL chợ chia sẻ: “Tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh tốt thì chúng tôi mới có nguồn thu để nộp thuế cho Nhà nước, trả lương nhân viên và các chi phí vệ sinh, môi trường... Nếu quản lý không tốt, tiểu thương bỏ chợ thì nguồn thu sẽ bị ảnh hưởng. Chúng tôi tâm niệm, việc gì không ảnh hưởng đến cái chung nhưng có lợi cho bà con tiểu thương thì chúng tôi làm”.
Theo lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên Đại An, trăn trở hiện nay của đơn vị là tình trạng xuống cấp của hệ thống điện trong chợ. Ngoài ra, khu vực các hộ kinh doanh ngoài sân (phía sau nhà bách hóa) còn che chắn tạm bợ, ẩm thấp, tiềm ẩn nguy cơ cháy cao. Chính vì thế, BQL chợ rất mong nhận được sự quan tâm, chỉ đạo và hỗ trợ kinh phí của UBND huyện Vạn Ninh nhằm đảo bảo cho công tác PCCC và tạo môi trường mỹ quan kinh doanh tại chợ được tốt hơn.
H.Q