11:03, 20/03/2015

Thực hiện chế độ cấp nước tiết kiệm

Mực nước hồ Cam Ranh tại huyện Cam Lâm đang xuống thấp, ảnh hưởng đến việc cấp nước cho các hoạt động sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn, nhất là khu vực chăn nuôi trang trại và chế biến đường.

Mực nước hồ Cam Ranh tại huyện Cam Lâm đang xuống thấp, ảnh hưởng đến việc cấp nước cho các hoạt động sản xuất và sinh hoạt trên địa bàn, nhất là khu vực chăn nuôi trang trại và chế biến đường.

Nhiều trang trại khoan giếng để bù nguồn nước cạn kiệt.
Nhiều trang trại khoan giếng để bù nguồn nước cạn kiệt


Căng thẳng nguồn nước


Những ngày này, các trang trại nuôi heo gia công cho Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam khá lo lắng vì mực nước hồ chứa nước Cam Ranh đang xuống thấp, ảnh hưởng đến mạch nước ngầm của các trang trại. Đến trại heo của ông Lê Văn Hải (thôn Tân Lập, xã Cam Thành Bắc), máy bơm từ 2 giếng đào của ông đang hoạt động hết công suất. Ông Hải cho biết: “Đàn heo trong trại có 1.200 con, mỗi ngày cần 20 - 30m3 nước nhưng 2 giếng chỉ đủ cung cấp khoảng 10m3. Nếu thời gian tới mương thủy lợi cạn kiệt dẫn tới mạch nước ngầm tụt sâu, trại phải tính tới phương án đào giếng khoan, nếu không heo sẽ không có nước uống và mọi hoạt động của trang trại sẽ khó khăn”.


Trại heo của ông Hồ Tình gần đó cũng đang khẩn trương khoan giếng. Anh Hồ Ngọc Viễn - con trai ông Tình cho hay, khu vực thôn Tân Lập đang bị hạn, không đủ nước dùng cho trại heo nên gia đình anh phải thuê thợ khoan giếng từ Phú Yên vào. Giá thành mỗi giếng khoan ít nhất 50 triệu đồng. Ông Phạm Tân - phụ trách nhóm thợ đến từ Phú Yên cho biết, giếng trong trại của ông Tình đã đào tới độ sâu 40 - 50m nhưng lượng nước còn ít, dự kiến phải đến 70m lượng nước mới tạm đủ.


Khan hiếm nước khiến sản xuất tại Nhà máy Đường Cam Ranh gặp nhiều khó khăn. Theo ông Dương Công Tiễn - Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đường Khánh Hòa, hiện mỗi ngày Nhà máy Đường Cam Ranh tăng cường 14 - 15 xe bồn (dung tích mỗi xe 20 - 30m3) liên tục lấy nước từ hồ Suối Dầu về để bảo đảm nhu cầu nước 2.500 - 3.000m3/ngày đêm cho các hoạt động chế biến đường. Cũng theo ông Tiễn, trước đây, Nhà máy Đường Cam Ranh lấy nước từ hồ Cam Ranh nhưng hiện nay lượng nước cấp hạn chế, buộc nhà máy phải chuyển sang lấy từ hồ Suối Dầu.  


Ưu tiên nước sinh hoạt, công nghiệp


Ông Nguyễn Thế Nhân - Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên cấp thoát nước Cam Lâm (COPACWACO) cho biết, công suất của Nhà máy nước là 24.000m3/ngày, đêm. Tuy nhiên, do lượng nước trong hồ chứa nước Cam Ranh hạn chế nên hiện chỉ đạt 4.000 - 5.000m3/ngày đêm. Hiện Nhà máy Đường Khánh Hòa đang mua nước của Nhà máy nước với lưu lượng 1.000m3/ngày đêm. Việc cung cấp nước cho Nhà máy Đường đang gặp khó khăn do đường ống quá tải. Trước đây, Nhà máy nước chỉ đầu tư đường ống cung cấp nước cho 3.000 hộ dân trong khu vực và Lữ đoàn Hải quân 101 tại xã Cam Thành Bắc, nay tăng cường thêm lưu lượng cấp cho Nhà máy Đường nên quá tải. Đơn vị đang đầu tư tuyến ống mới bảo đảm đủ công suất cấp cho Nhà máy Đường với lưu lượng 2.500m3/ngày đêm. “Từ ngày 1-4, COPACWACO đặt trạm xử lý trực tiếp nước từ hồ Cam Ranh với công suất 12.000m3/ngày đêm và đầu tư hệ thống đường ống dài hơn 8km đảm bảo chủ động cung cấp đủ nước cho sinh hoạt, dịch vụ và các hoạt động du lịch, công nghiệp…”, ông Nhân nói.  


Còn theo ông Trần Bắc Hải - Trưởng Văn phòng đại diện Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tại Cam Lâm, thực hiện chỉ đạo của huyện, để duy trì nguồn nước, hồ chứa nước Cam Ranh thực hiện chế độ cấp luân phiên, ngày cấp nhiều, ngày cấp ít, lượng cấp hiện tại đạt 50.000m3/ngày đêm, chủ yếu phục vụ sinh hoạt, tưới lúa, cung cấp cho 2 nhà máy trên địa bàn (Nhà máy nước và Nhà máy Đường). Hiện nay, mực nước hồ đang nằm ở mực nước chết, dung lượng chỉ đạt khoảng 2 triệu m3, dự báo 10 ngày tới không thể xả trực tiếp qua cống. Lúc này, hồ sẽ chuyển sang chế độ cấp nước tập trung, phục vụ nước cho sinh hoạt và Nhà máy nước.


    P .L