Trước tình trạng hạn hán ngày càng trầm trọng, để có nước cứu lúa đã xảy ra tình trạng tranh chấp nước giữa người dân trên địa bàn xã Cam Thành Bắc; giữa người dân với Nhà máy Đường Khánh Hòa. Để tránh phát sinh những vấn đề phức tạp cũng như cân đối nguồn nước sản xuất, chiều 20-3, lãnh đạo UBND huyện Cam Lâm đã chủ trì giải quyết việc tranh chấp nước giữa các bên liên quan.
Trước tình trạng hạn hán ngày càng trầm trọng, để có nước cứu lúa đã xảy ra tình trạng tranh chấp nước giữa người dân trên địa bàn xã Cam Thành Bắc; giữa người dân với Nhà máy Đường Khánh Hòa. Để tránh phát sinh những vấn đề phức tạp cũng như cân đối nguồn nước sản xuất, chiều 20-3, lãnh đạo UBND huyện Cam Lâm đã chủ trì giải quyết việc tranh chấp nước giữa các bên liên quan.
Người dân xã Cam Thành Bắc chắt nước bơm cứu hoa màu |
Tranh chấp nước sản xuất
Kênh chính Nam dài 18km, dẫn nước từ hồ Cam Ranh Thượng cung cấp nước thô đầu vào cho Nhà máy Nước Cam Lâm, nước sản xuất cho Nhà máy Đường Khánh Hòa, hàng trăm héc-ta lúa, hoa màu ở các xã phía Nam huyện Cam Lâm và một số địa phương phía Bắc TP. Cam Ranh.
Tuy nhiên, do nắng hạn kéo dài, lượng nước không đủ nên kênh chính Nam chỉ cung cấp nước vào các ngày chẵn cho các xã Cam Thành Nam, Cam Thành Bắc (huyện Cam Lâm), phường Cam Nghĩa (TP. Cam Ranh). Trong khi đó, lúa vụ Đông Xuân đang làm đòng và cây xoài đang đâm hoa nên người dân ở thôn Tân Sinh Đông, xã Cam Thành Bắc đã chặn dòng kênh N39 (kênh này dẫn nước từ kênh chính Nam vào Nhà máy Đường Khánh Hòa, chảy qua địa bàn thôn) để có thêm nước cứu lúa. Mặt khác, người dân canh tác ở cánh đồng dọc kênh chính Nam thuộc các xã Cam Thành Bắc, Cam Thành Nam, Cam Nghĩa lại chặn dòng nước chảy vào kênh N39. Điều này làm nảy sinh mâu thuẫn, cãi vã giữa người dân các xã với nhau và giữa người dân với Nhà máy Đường Khánh Hòa.
Ông Trần A - Trưởng thôn Tân Sinh Đông cho biết: “Để cứu lúa và hoa màu, người dân tranh chấp nước rất gay gắt cả ngày lẫn đêm nên thường xuyên xảy ra cãi vã. Thậm chí, một số người dân còn đòi đập đường ống dẫn nước từ Nhà máy Nước Cam Lâm vào Nhà máy Đường Khánh Hòa, nhưng rất may lãnh đạo xã Cam Thành Bắc kịp thời đến ngăn chặn. Hiện tại, vào ban đêm vẫn có nhiều người dân tụ tập uống rượu ở đoạn kênh N39 để trực nước, nếu có tranh chấp xảy ra, tôi e rằng sẽ có hệ lụy lớn”.
Để tránh bị người dân chặn kênh N39, Nhà máy Đường Khánh Hòa đã cử người ra bảo vệ, canh giữ nhưng khi nhân viên nhà máy rút đi người dân lại chặn dòng. Ngày 13-3, Nhà máy Đường Khánh Hòa có văn bản gửi UBND huyện Cam Lâm và UBND tỉnh, phản ánh việc người dân đuổi đánh nhân viên của nhà máy, thậm chí cả cán bộ thủy nông. Tuy nhiên, ông Lê Quang Hùng - Chủ tịch UBND xã Cam Thành Bắc khẳng định, không có chuyện người dân địa phương đuổi đánh nhân viên nhà máy. “Việc tranh chấp nước giữa người dân với nhau và giữa người dân với nhà máy đường trong thời gian qua là có. Nhưng chỉ dừng lại ở việc cãi vã to tiếng chứ chưa xảy ra xô xát đánh nhau. Chúng tôi đã phối hợp với các xã Cam Thành Nam, Cam Nghĩa để giữ trật tự, giải thích cho người dân hiểu để cùng nhau chia sẻ khó khăn; đồng thời, cử Công an xã túc trực để đề phòng người dân xô xát”- ông Hùng nói.
Kịp thời can thiệp
Ông Nguyễn Trí Tuân: Hiện tại, toàn huyện có 300ha nằm ngoài 1.300ha có hợp đồng thủy lợi với Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Nam Khánh Hòa. Vụ Đông Xuân năm nay, riêng xã Cam Thành Bắc có ít nhất 30ha lúa có nguy cơ mất trắng vì thiếu nước. |
Chiều 20-3, tại UBND xã Cam Thành Bắc, ông Nguyễn Trí Tuân - Phó Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm đã chủ trì giải quyết việc tranh chấp nguồn nước giữa các bên liên quan. Tại buổi làm việc, đại diện Nhà máy Đường Khánh Hòa vẫn khẳng định người dân đuổi đánh người của mình và cán bộ thủy nông. Tuy nhiên, trưởng thôn Tân Sinh Đông, lãnh đạo xã Cam Thành Bắc và ông Trần Bắc Hải - Trưởng văn phòng đại diện Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tại Cam Lâm đều cho rằng, phản ánh của phía Nhà máy Đường Khánh Hòa là không đúng sự thật.
Ông Nguyễn Trí Tuân cho rằng, thời gian qua, phía Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Nam Khánh Hòa chưa tính toán chính xác để cân đối lượng nước và tổng diện tích ký hợp đồng cung cấp nước, dẫn đến tình trạng cung không đủ cầu. Đồng thời, sự phối hợp giữa Công ty với chính quyền xã Cam Thành Bắc và Nhà máy Đường Khánh Hòa chưa chặt chẽ dẫn đến tình trạng tranh chấp nước như vừa qua. Để giải quyết tình trạng này, ông Tuân yêu cầu phía Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Nam Khánh Hòa phải xác định chính xác lượng nước hiện có, tổng diện tích cần cấp nước để thực hiện cấp nước theo thứ tự ưu tiên, đồng thời có báo cáo sớm để huyện chỉ đạo công tác chống hạn nói chung. Về phía địa phương, ông Tuân đề nghị rút kinh nghiệm trong việc khuyến cáo người dân không gieo trồng trái vụ để tránh thiệt hại do hạn hán. Đồng thời, tăng cường công tác dân vận, giải thích để người dân hiểu và có tinh thần chia sẻ khó khăn, tránh tranh chấp nguồn nước dẫn đến những hệ lụy không đáng có.
NAM ANH