Sau gần 1 năm bị Philippines bắt giữ do di chuyển tàu vào lãnh hải nước này, ngày 12-2 vừa qua, anh Trần Canh (chủ tàu KH 96365, trú phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) cùng 10 thuyền viên đã được trở về trong niềm vui vỡ òa của gia đình, người thân.
Sau gần 1 năm bị Philippines bắt giữ do di chuyển tàu vào lãnh hải nước này, ngày 12-2 vừa qua, anh Trần Canh (chủ tàu KH 96365, trú phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) cùng 10 thuyền viên đã được trở về trong niềm vui vỡ òa của gia đình, người thân. Với họ, Tết vừa qua là cái Tết sum vầy, hạnh phúc nhất, nhưng…
Anh Trần Canh (bên phải) và các thuyền viên ở tổ Thủy Đầm vui mừng khi được trở về nhà. |
Ngày trở về...
Ngày 24-2, chúng tôi trở lại xóm chài nhỏ ở tổ dân phố Thủy Đầm, phường Ninh Thủy để gặp những ngư dân vừa được Philippinnes thả về vào một ngày giáp Tết Nguyên đán Ất Mùi. Đã là ngày mùng 6 tháng Giêng, nhưng nhà anh Trần Canh vẫn có nhiều người dân trong vùng, bạn bè đến chúc Tết và hỏi thăm, chia sẻ niềm vui khi anh được trở về sum họp với gia đình. Anh Canh vui vẻ nói với mọi người: “Đây là cái Tết vui nhất, ý nghĩa nhất trong đời tôi!”. Nhưng khi chúng tôi hỏi chuyện về những ngày anh cùng 10 thuyền viên của mình bị nước bạn bắt giữ, giọng anh Canh bỗng chùng xuống và rơm rớm nước mắt.
Theo lời kể của anh Canh, ngày 16-3-2014, anh cùng 10 thuyền viên ra khơi bằng con tàu KH 96365 của mình. 10 ngày sau đó, nghe đài dự báo thời tiết của Anh dự báo có bão trên vùng biển gần khu vực tàu của mình đang hoạt động, anh Canh cho tàu di chuyển ngược lên vùng biển Philippines để tránh thì bị lực lượng chức năng của nước này bắt giữ. Sau 2 phiên tòa xét xử, anh cùng 10 thuyền viên của mình bị giam giữ 8 tháng. “Tuy không bị họ đánh đập, nhưng mỗi ngày, chúng tôi chỉ được cho ăn ngày 2 chén cơm chia làm 2 bữa. Những ngày đầu thì ăn cơm với muối hạt, sau đó thì được ăn với cá trích khô, mỗi bữa 2 con; cứ mỗi tháng họ mới cho ăn thịt 1 bữa. Ăn uống đói khổ, bị nhốt trong phòng đầy muỗi..., nhưng điều khiến chúng tôi khổ sở nhất là nỗi nhớ nhà, nhớ vợ con và lo cho gia đình ở quê nhà...!”, anh Canh xúc động nói. Thuyền viên Nguyễn Văn Cường cũng chia sẻ: “Họ giam anh em tôi chung phòng với khoảng 30 người ở nhiều tỉnh của Việt Nam. Nhiều đêm nhớ nhà, chúng tôi chỉ biết ôm nhau mà khóc. Đó là kỷ niệm buồn và cũng là bài học kinh nghiệm đắt giá của anh em chúng tôi”.
Bà Ngô Thị Nhung (72 tuổi, mẹ thuyền viên Lê Văn Bông) vui mừng kể: “Khi nghe vợ thằng Bông nói, người của Đại sứ quán ta báo về cho biết chúng nó sẽ được trở về trước Tết, tôi đã òa khóc vì vui mừng”.
Nỗi lo trước mắt
Chị Nguyễn Thị Kim Hoa (vợ anh Canh) cho biết, khi hay tin chồng và 10 thuyền viên sẽ về đến TP. Hồ Chí Minh vào chiều 13-2-2015, chị đã cùng với nhiều gia đình thuyền viên khác thuê một chuyến xe vào sân bay đón họ về nhà. Người thân được trở về đúng vào dịp Tết là niềm vui vô bờ của mỗi gia đình. Nhưng hiện tại đằng sau niềm vui sum vầy đó, họ đang thấp thỏm lo lắng bởi những khoản tiền vay.
Chúng tôi được biết, trong 10 ngư dân ở phường Ninh Thủy vừa được trở về nói trên, gia đình anh Canh là khá giả nhất, còn lại đều rất khó khăn. Nhưng tàu và toàn bộ ngư cụ trên đó, trị giá khoảng 2,5 tỷ đồng của gia đình anh Canh đã bị nước bạn tịch thu nên giờ đây, việc tiếp tục ra khơi đối với người chủ tàu này chỉ là giấc mơ. “Anh em thuyền viên thì có thể theo tàu khác ra khơi làm ăn. Chứ như tôi giờ lấy tiền đâu mà mua tàu mới? Đã thế, tôi còn vay ngân hàng 150 triệu đồng để đầu tư các chuyến biển trước, đến nay chưa trả được”, anh Canh lo lắng.
Ngoài ra, các gia đình thuyền viên khác phần lớn đều có cha mẹ già và con nhỏ, cuộc sống trước nay chủ yếu dựa vào việc đi biển của họ. Trong thời gian bị bắt, gia đình các ngư dân được hỗ trợ vay ngân hàng mỗi hộ 30 triệu đồng để gửi sang Philippines cải thiện bữa ăn cho họ trong thời gian bị giam giữ và giải quyết khó khăn trước mắt của gia đình ở nhà. Do vậy, hiện tại khoản nợ này là nỗi lo lớn nhất của các thuyền viên.
Trao đổi về vấn đề trên, ông Phạm Tấn Đang - Chủ tịch UBND phường Ninh Thủy cho biết: “Sự cố những ngư dân ở địa phương bị nước ngoài bắt là bài học không chỉ đối với họ mà đối với ngư dân nói chung. Sau khi sự việc xảy ra, địa phương và nhiều tổ chức xã hội đã đến từng gia đình động viên và hỗ trợ. Tuy nhiên, hoàn cảnh gia đình các thuyền viên này phần lớn là khó khăn nên tôi rất mong họ tiếp tục nhận được sự hỗ trợ từ nhiều phía. Đặc biệt, tôi rất mong các cấp, ngành chức năng có phương án hỗ trợ cho gia đình ông Canh, giúp họ có điều kiện đầu tư tàu mới để tiếp tục ra khơi bám biển”.
NAM ANH