02:01, 08/01/2015

Cần quan tâm công tác dân số vùng khó khăn

Theo Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thị xã Ninh Hòa, các xã thuộc vùng khó khăn: Ninh Vân, Ninh Phước, Ninh Tây có tỷ suất sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên khá cao. Thực trạng này làm ảnh hưởng đến chất lượng dân số chung của toàn thị xã.

Theo Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) thị xã Ninh Hòa, các xã thuộc vùng khó khăn: Ninh Vân, Ninh Phước, Ninh Tây có tỷ suất sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên khá cao. Thực trạng này làm ảnh hưởng đến chất lượng DS chung của toàn thị xã.


Khó tiếp cận


Những năm qua, Ninh Vân luôn là địa phương có tỷ suất sinh cao nhất thị xã. Năm 2014, tỷ suất sinh trên địa bàn xã là 21,26‰, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên 11,9% (tỷ suất sinh trung bình của toàn thị xã là 11,7‰, tỷ lệ sinh con thứ 3 là 9,7%). Nguyên nhân là do xã có địa bàn rộng, một bộ phận dân cư sống rải rác, đi biển dài ngày nên công tác truyền thông DS gặp nhiều khó khăn. Người dân ít tham gia khám sức khỏe sinh sản, thực hiện KHHGĐ theo chiến dịch. Các buổi họp nhóm, tư vấn hộ gia đình chỉ thực hiện được vào ban đêm. Thù lao cho cộng tác viên thấp, chỉ 100.000 đồng/tháng/người nên chưa khích lệ được cộng tác viên... Trong khi đó, kiến thức của người dân vùng biển về KHHGĐ vẫn còn nhiều hạn chế. Chị Trần Thị Lành (thôn Đông) cho biết: “Kinh tế gia đình tôi rất khó khăn nên suốt ngày tất bật để lo kiếm sống. Hàng tháng, tôi có nhận được giấy mời sinh hoạt nhóm, nhưng lại không có thời gian đi. Vợ chồng tôi sinh con thứ 3 là do không biết áp dụng biện pháp tránh thai. Bây giờ, nuôi 3 con nhỏ, chúng tôi rất vất vả...”.


Ninh Phước cũng là xã gần biển, dân cư đông. Người dân ở đây vừa làm biển, vừa làm nông. Năm 2014, tỷ suất sinh của xã là 17,32‰­­, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên là 16,35%. Trên địa bàn xã có Nhà máy Đóng tàu Hyundai VinaShin, lao động tập trung lớn, một bộ phận dân cư thường xuyên biến động. Cho nên, công tác DS ở đây cũng rất khó kiểm soát, khó tiếp cận tuyên truyền...


Trong khi đó, Ninh Tây là xã miền núi với gần 5.000 dân, 6/7 thôn có người dân tộc thiểu số. Dân cư sinh sống ở nhiều cụm, nằm tách biệt nhau, đi lại cách trở. Đặc biệt, 2 thôn Sông Búng và Suối Mít nằm xa trung tâm xã nhất. Muốn vào 2 thôn này phải đi qua suối, qua núi. Ông Ngô Trí Điêng - cán bộ chuyên trách DS-KHHGĐ xã Ninh Tây cho biết: “Do đi lại cách trở nên những người ở trên rẫy không chịu xuống. Vận động người dân sinh hoạt nhóm phải có bồi dưỡng, nếu không có thì họ không tham gia. Trong khi đó, kinh phí của ngành DS hạn hẹp, địa phương không có hỗ trợ nên rất khó. Cộng tác viên muốn tuyên truyền đến từng hộ dân phải vất vả đi lại, nhưng mỗi tháng thù lao chỉ được 100.000 đồng nên cũng giảm sự nhiệt tình...”. Chính vì vậy, tỷ suất sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên của xã Ninh Tây khá cao. Năm 2014, tỷ suất sinh của xã 18,6‰, tỷ lệ sinh con thứ 3 là 11,7%. Chất lượng DS địa phương ít được nâng lên...


Cần có giải pháp cụ thể


Ông Phạm Văn Phong, Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ thị xã Ninh Hòa cho biết: Các xã vùng khó khăn có tỷ suất sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao đã làm ảnh hưởng đến kết quả chung của toàn thị xã, chất lượng DS những năm qua khó được nâng cao. Do hạn chế về địa hình cũng như nhận thức của dân cư vùng biển và vùng núi...  nên việc tiếp cận từng nhà để tuyên truyền rất khó. Việc tuyên truyền tập trung càng khó hơn vì người dân ít tham gia. Mặt khác, vài năm gần đây, công tác truyền thông DS-KHHGĐ trên địa bàn thị xã Ninh Hòa không mấy thuận lợi. Bởi lẽ, sự phối hợp giữa ngành DS với chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các địa phương chưa đồng bộ. Kinh phí hoạt động truyền thông theo chương trình mục tiêu quốc gia bị cắt giảm nhiều...


Để giảm tỷ suất sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 ở những vùng khó khăn của thị xã, theo ông Phong, thời gian tới, ngành DS cần đưa ra những giải pháp cụ thể cho phù hợp với đặc thù vùng, miền của từng địa phương, không nên áp dụng giải pháp giảm sinh chung cho toàn thị xã. Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp nhiệt tình từ chính quyền thị xã và chính quyền cơ sở trong công tác chỉ đạo và hỗ trợ kinh phí. Có như vậy, khó khăn mới từng bước được giải quyết.


A.T - L.K