09:01, 12/01/2015

Những vướng mắc cần sớm tháo gỡ

Trong quá trình quản lý thuế, ngành Thuế tỉnh Khánh Hòa còn gặp những vướng mắc cần được cấp trên xem xét tháo gỡ.

Trong quá trình quản lý thuế, ngành Thuế tỉnh Khánh Hòa còn gặp những vướng mắc cần được cấp trên xem xét tháo gỡ.


Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã cố gắng hoàn thiện hệ thống chính sách văn bản pháp luật về thuế theo hướng đơn giản, minh bạch. Tuy nhiên, vẫn có một số cơ chế, chính sách được xây dựng phức tạp, chưa phù hợp, gây khó khăn cho việc thực hiện.


Liên quan đến địa bàn ưu đãi, lãnh đạo Phòng Tổng hợp nghiệp vụ dự toán Cục Thuế tỉnh cho biết, Cam Lâm là huyện mới thành lập từ hai đơn vị hành chính (Diên Khánh và Cam Ranh), địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn theo Nghị định số 53/2010 của Chính phủ. Trong quá trình đóng góp ý kiến để ban hành Nghị định số 218/2013 của Chính phủ, UBND tỉnh và Cục Thuế đã có ý kiến tham gia và kiến nghị bổ sung huyện Cam Lâm vào danh mục địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn. Tuy nhiên, khi Nghị định được ban hành chính thức thì huyện Cam Lâm không có trong danh mục. Điều này phần nào ảnh hưởng đến việc ưu đãi về thuế. Được biết, tháng 10-2014, UBND tỉnh đã có công văn gửi Bộ Tài chính về vấn đề trên, nhưng đến nay chưa được bổ sung.


Bên cạnh đó, việc cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng cũng đang bộc lộ hạn chế. Ông Cao Huy Thảo - Trưởng phòng Quản lý nợ và Cưỡng chế nợ thuế Cục Thuế tỉnh cho biết, thời gian qua, khi tiến hành cưỡng chế bằng biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, đã xuất hiện tình trạng doanh nghiệp (DN) bị cưỡng chế vẫn cố tình sử dụng hóa đơn để bán hàng. Nguyên nhân là do khi cưỡng chế theo Thông tư số 215/2013 của Bộ Tài chính, cơ quan Thuế không tiến hành niêm phong số hóa đơn không còn giá trị sử dụng, vẫn để cho DN quản lý. Tuy cơ quan Thuế đã đăng quyết định cưỡng chế và thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng trên trang thông tin của Tổng cục Thuế, nhưng biện pháp này ít phát huy tác dụng, bởi người nộp thuế và người tiêu dùng không quan tâm tra cứu vấn đề này. Bên cạnh đó, các DN bị cưỡng chế về hóa đơn nhưng không bị đình chỉ hoạt động kinh doanh nên người mua vẫn đến giao dịch, nhận hàng hóa, dịch vụ và hóa đơn. Việc sử dụng hóa đơn này là bất hợp pháp, không những bên bán mà bên mua cũng bị xử lý. Tuy nhiên, khi xử lý người mua thì gặp phải sự phản ứng quyết liệt. Vì vậy, Cục Thuế tỉnh kiến nghị Tổng cục Thuế nghiên cứu xem xét để tránh tình trạng trên.


Theo ông Nguyễn Văn Thắng - Trưởng phòng Tuyên truyền và Hỗ trợ người nộp thuế Cục Thuế tỉnh, hiện nay, công tác khai thuế qua mạng còn hạn chế như: đường truyền còn chậm, hay bị nghẽn mạng vào những ngày cao điểm nhưng không được thông báo kịp thời. Các phần mềm ứng dụng hỗ trợ khai thuế chưa được hoàn thiện, chậm được điều chỉnh mỗi khi có chính sách mới. Điều này gây khó khăn cho công chức thuế và người nộp thuế.


Trước thực trạng trên, Cục Thuế tỉnh đề nghị Tổng cục Thuế thường xuyên nâng cấp đường truyền, hạ tầng truyền thông; hoàn thiện các phần mềm ứng dụng hỗ trợ khai thuế. Mặt khác, cần xây dựng, thực hiện mô hình chuẩn cho Bộ phận một cửa tại cơ quan Thuế các cấp để thực hiện thống nhất trên toàn quốc. Ngoài ra, ngành Thuế tỉnh còn đề nghị Tổng cục Thuế chỉ đạo các vụ chức năng cần đảm bảo thời gian quy định về trả lời văn bản hướng dẫn, giải đáp vướng mắc về chính sách thuế.  


NGUYỄN KIM