07:01, 16/01/2015

Nhiều giải pháp phát triển hạ tầng giao thông

Thực hiện Đề án "Tái cơ cấu ngành Giao thông vận tải phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và phát triển bền vững" của Chính phủ, UBND tỉnh Khánh Hòa đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ nhằm phát triển hạ tầng giao thông.

Thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành Giao thông vận tải (GTVT) phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và phát triển bền vững” của Chính phủ, UBND tỉnh Khánh Hòa đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ nhằm phát triển hạ tầng giao thông.

 

Giai đoạn 2015- 2020, tuyến Tỉnh lộ 2 sẽ được đầu tư xây dựng.
Giai đoạn 2015- 2020, tuyến Tỉnh lộ 2 sẽ được đầu tư xây dựng.


Nhiều tuyến đường được đầu tư xây dựng


Theo kế hoạch của UBND tỉnh, sẽ ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng giao thông một cách đồng bộ, hợp lý, từng bước hiện đại, tạo nên mạng lưới giao thông hoàn chỉnh giữa các vùng, giữa đô thị và nông thôn. Đồng thời, kết hợp thực hiện bảo trì và sử dụng hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông. Để thực hiện Đề án, UBND tỉnh chỉ đạo ngành GTVT sử dụng nguồn lực hợp lý để đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; ưu tiên cho các công trình có tính lan tỏa, đảm bảo kết nối các phương thức vận tải, các vùng kinh tế trọng điểm, các cửa ngõ, đầu mối giao thông quan trọng.


Đối với việc phát triển giao thông đô thị, giai đoạn 2015 - 2020 sẽ tập trung đầu tư các dự án, tuyến đường như: Nha Trang - Diên Khánh dài 9,9km; Phong Châu dài 2km; các tuyến đường ở khu vực phía Tây Lê Hồng Phong; đường vành đai TP. Nha Trang, đoạn từ cầu Bình Tân đến đường 23-10 dài 6,5km; nút giao thông Ngọc Hội, đường 23-10. Bên cạnh đó, nâng cấp, mở rộng đường Nguyễn Bỉnh Khiêm - Hà Ra, TP. Nha Trang; Tỉnh lộ 3 (đoạn từ Nghĩa trang Phước Đồng đến Quốc lộ 1A); Tỉnh lộ 2 (đoạn từ cầu Hà Dừa đến cầu Đôi), huyện Diên Khánh; cầu Phú Kiểng, đường vành đai núi Sạn (Nha Trang)... Đối với việc phát triển giao thông địa phương, ưu tiên đầu tư các dự án như: Đường trục chính khu tổng hợp Đầm Môn; kè và đường ven biển từ xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh đến thị xã Ninh Hòa; đường vào Kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong; nâng cấp và làm mới đường Tỉnh lộ 6 qua huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa; cầu Long Hồ…


Song song với việc đầu tư xây dựng các công trình, ngành GTVT còn tập trung bảo trì đường bộ và phát triển giao thông nông thôn, quản lý khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông. Giai đoạn 2015 - 2020, sẽ thực hiện nâng cấp, mở rộng từ 40 - 50km với mặt đường từ 3,5m - 5,5m, tăng cường mặt đường theo hiện trạng là 30 - 40km và thảm bê tông nhựa 40 - 50km…


Đối với việc đầu tư phát triển giao thông nông thôn, phấn đấu đến năm 2020, đường trục thôn, xóm được cứng hóa đạt 70%; đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa đạt 100%, cứng hóa đạt 70%; đường trục chính nội đồng được cứng hóa, xe cơ giới đi lại thuận tiện đạt 70%.


Thực hiện đồng bộ các giải pháp

 

Ông Lê Đức Vinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Để thực hiện hiệu quả kế hoạch UBND tỉnh đề ra, các sở, ngành địa phương cần đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, lựa chọn các dự án ưu tiên để thực hiện nhằm tạo bước đột phá về huy động nguồn vốn trên cơ sở nghiên cứu, lựa chọn mô hình xây dựng hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, có chính sách phù hợp để tăng tỷ lệ nguồn vốn đầu tư ngoài ngân sách trong cơ cấu nguồn vốn đầu tư cho GTVT.

Theo ông Nguyễn Công Định - Giám đốc Sở GTVT, để thực hiện hiệu quả các mục tiêu đề ra, Sở đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương, sở, ngành liên quan thực hiện đồng bộ các giải pháp. Cụ thể, đổi mới chính sách và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu phát triển ngành GTVT. Sở GTVT đã thực hiện rà soát các thủ tục, rút ngắn thời gian thực hiện nhằm đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chỉ số hài lòng của tổ chức và công dân trong lĩnh vực GTVT. Đồng thời, đẩy mạnh việc triển khai giám sát thi công, quản lý chất lượng, khối lượng, tiến độ thi công, nghiệm thu các công trình giao thông; thực hiện hiệu quả công tác bảo trì đường bộ, triển khai việc bán quyền quản lý, khai thác, thu phí một số tuyến đường giao thông nhằm tăng nguồn vốn công tác xây dựng cơ bản và giảm chi phí công tác bảo trì đường bộ...


 Song song đó, Sở chỉ đạo Công ty Cổ phần Quản lý và Xây dựng giao thông Khánh Hòa nâng cao nghiệp vụ quản lý, bảo dưỡng thường xuyên cho người lao động tại các hạt quản lý cầu, đường; phản ánh chính xác, kịp thời và thường xuyên những đoạn đường, cầu cống hư hỏng, ngăn chặn kịp thời các vụ việc vi phạm hành lang đường bộ. Các địa phương quan tâm công tác giải tỏa, thu hồi đất các công trình, nhà ở lấn chiếm hệ thống thoát nước; không cấp đất làm công trình, nhà ở, cây xăng, đường ngang… bám vào hành lang an toàn đường bộ. Đối với những dự án quy hoạch mới phải lưu ý việc thoát nước, khớp nối thoát nước với hạ tầng đường bộ.


Sở Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu cơ chế thu hút vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước và vận dụng nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu, phát triển nông nghiệp và nông thôn để phân bổ vốn cho các địa phương phát triển giao thông nông thôn. UBND các huyện, thị xã, thành phố kết hợp với các chương trình kinh tế, xây dựng nông thôn mới, xây dựng kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông tại địa phương…


K.H