Tại các ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa, hiện có 4 nhà sư từ chùa Tòng Lâm Lô Sơn, xã Vĩnh Phương, TP. Nha Trang tình nguyện ra lo Phật sự. Tính đến nay, đã có 6 nhà sư từ ngôi chùa này tình nguyện ra đảo xa, nguyện tri ân những người anh hùng đã ngã xuống dưới lòng biển khơi.
Tại các ngôi chùa trên quần đảo Trường Sa, hiện có 4 nhà sư từ chùa Tòng Lâm Lô Sơn, xã Vĩnh Phương, TP. Nha Trang tình nguyện ra lo Phật sự. Tính đến nay, đã có 6 nhà sư từ ngôi chùa này tình nguyện ra đảo xa, nguyện tri ân những người anh hùng đã ngã xuống dưới lòng biển khơi.
2 đại đức Thích Tâm Thành và Thích Nguyên Ngọc, ở chùa Tòng Lâm Lô Sơn, TP. Nha Trang trước ngày ra lo Phật sự tại chùa đảo Nam Yết, huyện Trường Sa. |
Tình nguyện ra đảo xa
Cuối tháng 12-2014, từ huyện đảo Trường Sa, Đại đức Thích Tâm Thành, trụ trì chùa Nam Yết điện thoại về cho biết, sau 2 tháng ra đảo đã quen dần với cuộc sống gian khổ nơi đây. Chùa Nam Yết là ngôi chùa mới được phục dựng sau các ngôi chùa như: Trường Sa Lớn, Sinh Tồn, Song Tử Tây.
Tháng 6-2014, khi tình hình Biển Đông căng thẳng, do Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam cũng là lúc Đại đức Thích Tâm Thành và Đại đức Thích Nguyên Ngọc làm đơn tình nguyện ra Trường Sa. Đến cuối tháng 9-2014, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh đã có quyết định bổ nhiệm Đại đức Thích Tâm Thành làm trụ trì và Đại đức Thích Nguyên Ngọc làm phó trụ trì chùa Nam Yết. Đại đức Thích Tâm Thành năm nay 31 tuổi, quê ở tỉnh Thừa Thiên Huế, tốt nghiệp Đại học Phật giáo, trước khi đến chùa Tòng Lâm Lô Sơn, đại đức đã tu học tại nhiều ngôi chùa trong cả nước. Đại đức cho biết, trong chùa đang có nhiều đại đức tình nguyện ra lo Phật sự tại quần đảo Trường Sa. “Ra Trường Sa là một việc làm, hành động thiết thực được quý thầy hưởng ứng và phát nguyện. Chúng tôi đã nghe các sư huynh nói về cuộc sống ở Trường Sa nên mới quyết tâm tình nguyện ra đảo để phụng sự cho Tổ quốc” - Đại đức Thích Tâm Thành tâm niệm.
Còn Đại đức Thích Nguyên Ngọc cho biết, sinh ra và lớn lên ở TP. Nha Trang nên 2 tiếng Trường Sa đã trở nên thân thuộc, khi phát tâm ra Trường Sa để lo Phật sự, nhiều Phật tử biết chuyện đã động viên, nhưng cũng có rất nhiều người khuyên can vì nơi biển, đảo khắc nghiệt không hợp với người tu hành. “Chúng tôi quyết tâm đi và đến nay điều đó đã trở thành hiện thực. Với những người tu sĩ xuất gia như chúng tôi, dù xa, dù gần, biển cả hay hải đảo chúng tôi luôn vững tâm tu hành, thực hiện tốt công tác Phật sự” - Đại đức Thích Nguyên Ngọc chia sẻ.
Cầu nguyện cho hòa bình trên Biển Đông
Ngôi chùa đảo Nam Yết mới được phục dựng nên còn rất thiếu thốn, khó khăn. Hai đại đức ra đến đảo Nam Yết sau gần nửa tháng theo tàu lênh đênh trên biển. Đại đức Thích Tâm Thành cho biết, cuộc sống ngoài đảo Nam Yết vất vả hơn trong bờ. Nơi này, đang vào mùa gió bão, nên việc trồng các loại rau xanh gặp nhiều khó khăn. Tuy hàng tuần được các đơn vị đóng quân trên đảo hỗ trợ rau xanh, nhưng đây vẫn là thứ thiếu thốn nhất. Tuy nhiên, sau 2 tháng, những khó khăn cũng đã quen dần. Ngày ngày, 2 đại đức lại mang lời kinh - tiếng kệ để nguyện cầu cho quốc thái dân an, cho hòa bình trên Biển Đông. “Chúng tôi cũng sẽ góp phần chăm lo, nguyện cầu cho những ngư dân đánh bắt xa bờ được bình yên, che chở” - Đại đức Thích Tâm Thành nói.
Ngoài 2 Đại đức Thích Tâm Thành và Thích Nguyên Ngọc, trong chuyến ra Trường Sa vừa rồi, còn có Đại đức Thích Tâm Tri, cũng từ chùa Tòng Lâm Lô Sơn tình nguyện ra chùa Sinh Tồn lo Phật sự. Thượng tọa Thích Trừng Thi, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Diên Khánh, trụ trì chùa Tòng Lâm Lô Sơn cho biết, đến nay, nhà chùa đã có 6 tăng sĩ phát nguyện ra Trường Sa. “Tôi cũng động viên quý thầy vững tâm mà đi chứ không có gì trở ngại. Phật sự ở đâu cần thì quý thầy đến. Quý thầy phát tâm đi được, có sự cọ xát thực tế với cuộc sống thì sau này nghị lực tốt đẹp hơn” - Thượng tọa Thích Trừng Thi chia sẻ.
Chùa Tòng Lâm Lô Sơn, ở xã Vĩnh Phương, TP. Nha Trang được khởi dựng từ gần 60 năm trước, trong kháng chiến, đây là một cơ sở cách mạng. Hiện nay, chùa Tòng Lâm Lô Sơn là một ngôi chùa lớn và nổi tiếng tại Nam Trung bộ, có bức tượng Phật Di Đà cao 44m, cao nhất Việt Nam.
Đức Bình