11:01, 05/01/2015

Ngành Điện sẽ giải quyết những kiến nghị của người dân

Thời gian qua, rất nhiều ý kiến phản ánh của người dân về vấn đề đường dây điện chằng chịt, về hóa đơn điện tử và thanh toán tiền điện… Trao đổi với phóng viên Báo Khánh Hòa, ông Nguyễn Kim Hoàng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa (KHPC) cho biết:

Thời gian qua, rất nhiều ý kiến phản ánh của người dân về vấn đề đường dây điện chằng chịt, về hóa đơn điện tử và thanh toán tiền điện… Trao đổi với phóng viên Báo Khánh Hòa, ông Nguyễn Kim Hoàng - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Điện lực Khánh Hòa (KHPC) cho biết:

 


Hệ thống lưới điện trục chính của KHPC được đầu tư xây dựng và đại tu sửa chữa hàng năm đều đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn của Bộ Công Thương, đảm bảo mỹ quan chung. Tuy nhiên, trên các trụ điện vẫn tồn tại hệ thống dây viễn thông và cáp truyền hình của các đơn vị như: Viettel, Vinaphone, Mobifone, FPT, VinaCab... dẫn đến chằng chịt như mạng nhện. Điển hình như trên đường Lê Hồng Phong, 23-10... Những cột điện ở đầu các hẻm của TP. Nha Trang cũng bị tình trạng này do người dân tự kéo dây từ công tơ đặt trên trụ vào nhà.


Ở một số khu vực có dây điện chằng chịt như người dân phản ánh, KHPC đã chỉ đạo các đơn vị điện lực trực thuộc khảo sát để có phương án đầu tư mở rộng lưới điện, trồng thêm cột điện sâu vào các hẻm nhằm từng bước giải quyết tình trạng nhiều đường dây điện chằng chịt, mất an toàn và mỹ quan. Tuy nhiên, cũng có khó khăn là một số con hẻm không trồng được các cột điện mới, do người dân không cho trồng hoặc hẻm quá hẹp không trồng được.


Ngoài ra, KHPC cũng yêu cầu các nhà mạng cung cấp dịch vụ viễn thông và truyền hình phối hợp để xử lý bằng cách bó các dây cáp theo từng khoảng cách để đảm bảo mỹ quan, căng lại độ võng để đảm bảo chiều cao tối thiểu cho an toàn giao thông theo quy định. Các nhà mạng phải gắn biển nhận diện trên đường cáp của mình để dễ phát hiện và yêu cầu xử lý kịp thời khi có đứt dây hoặc sự cố gây mất an toàn...


- Ông có thể giải thích rõ vì sao hóa đơn thu tiền điện chỉ ghi số kWh và số tiền phải đóng mà không ghi số đầu và số cuối trên đồng hồ để người dân thuận tiện kiểm tra và giám sát? Hoặc tại sao tin nhắn của điện lực có số kWh và số tiền thấp hơn so với hóa đơn mà nhân viên của KHPC đi thu trực tiếp?


- Khi Công ty áp dụng phát hành hóa đơn điện tử, khách hàng sẽ không còn nhận hóa đơn tiền điện bằng giấy như trước đây nữa, mà sẽ truy cập vào hệ thống website chăm sóc khách hàng của Công ty để xem chi tiết và tải hóa đơn về sau khi thanh toán tiền điện, hoặc được Công ty gửi qua địa chỉ email (nếu khách hàng có đăng ký). Hình thức này sẽ giúp khách hàng chủ động xem được chi tiết hóa đơn tiền điện và tải hóa đơn kịp thời ngay sau khi thanh toán để phục vụ cho công tác quyết toán, kê khai thuế.


Tuy nhiên, đối với người dân dùng điện cho mục đích sinh hoạt, việc truy cập để xem và tải hóa đơn tiền điện có khó khăn do cần phải có phương tiện máy tính kết nối Internet hoặc điện thoại thông minh. Vì vậy, khi chuyển sang hóa đơn điện tử, Công ty vẫn phát hành biên nhận thanh toán tiền điện, giấy báo tiền điện, thông báo tiền điện lần 2... Trong biên nhận thanh toán tiền điện có thông tin về chỉ số đầu, chỉ số cuối để người dân đối chiếu với công tơ, kiểm tra và giám sát việc ghi chỉ số. Trong giấy báo tiền điện và thông báo tiền điện chỉ có số kWh tiêu thụ và số tiền phải thanh toán. Công ty sẽ tiếp thu và nghiên cứu bổ sung thông tin chỉ số đầu, chỉ số cuối để người dân đối chiếu, kiểm tra và giám sát.

 

Dam-bao-dien-mua-kho-01.jpg
 


Về các mức giá lũy tiến, Công ty cung cấp cho các thu ngân viên một bảng kê danh sách từng khách hàng với chi tiết về các mức giá sinh hoạt lũy tiến để khách hàng xem nếu cần thiết. Tại các quầy thu, nhân viên sẽ truy cập trên hệ thống máy tính để cung cấp chi tiết các mức giá cho khách hàng. Hiện nay, Công ty đang sử dụng dịch vụ tin nhắn SMS để chủ động thông báo trước cho khách hàng sử dụng điện sinh hoạt. Việc này giúp khách hàng biết trước số tiền điện phải thanh toán để chuẩn bị khi thu ngân viên đến nhà thu tiền điện hoặc khách hàng có thể đến tại các quầy giao dịch để thanh toán tiền điện nếu thuận tiện. Về lý thuyết, số liệu tin nhắn trên điện thoại và hóa đơn là khớp nhau vì cùng truy xuất từ một phần mềm và cơ sở dữ liệu chung trên hệ thống tính toán, lưu trữ hóa đơn tiền điện. Tuy nhiên, trong quá trình thu thập số điện thoại của khách hàng có bị sai sót, có thể nguyên nhân do khách hàng cung cấp nhầm số hay người đi thu thập ghi sai hoặc người thao tác nhập số điện thoại vào chương trình máy tính nhập sai. Số điện thoại nhầm lẫn này là số có thực của các nhà mạng viễn thông nên nhân viên thao tác gửi tin nhắn không phát hiện kịp thời sai sót, vẫn tiến hành gửi tin nhắn đi, dẫn đến thông tin đến với khách hàng không đúng với hóa đơn khi thu ngân viên thu tiền. Công ty sẽ tiến hành kiểm tra, rà soát ngay để điều chỉnh cho chính xác số điện thoại của khách hàng trên chương trình phần mềm tin nhắn.


- Xin cảm ơn ông!


NHẬT THANH (Thực hiện)