09:01, 06/01/2015

Tạo điều kiện xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh

Từ năm 2015, Luật Phá sản (được Quốc hội thông qua ngày 19-6-2014) sẽ có nhiều nội dung hoàn toàn mới nhằm "cởi trói" các thủ tục, tạo điều kiện để các doanh nghiệp kinh doanh một cách cạnh tranh, công bằng, lành mạnh và bình đẳng.

Từ năm 2015, Luật Phá sản (được Quốc hội thông qua ngày 19-6-2014) sẽ có nhiều nội dung hoàn toàn mới nhằm “cởi trói” các thủ tục, tạo điều kiện để các doanh nghiệp (DN) kinh doanh một cách cạnh tranh, công bằng, lành mạnh và bình đẳng.


Cách đây hơn 20 năm, Xí nghiệp Xà phòng Hương phẩm Nha Trang là một đơn vị ăn nên làm ra. Tuy nhiên, bước sang thời kỳ đổi mới, Xí nghiệp dần thua lỗ và rơi vào khủng hoảng, cuối cùng thì chấm dứt hoạt động. Vậy mà cho đến nay, Xí nghiệp vẫn tồn tại (trên danh nghĩa) dù rằng các khoản nợ chưa được thanh toán mà Xí nghiệp cũng không còn hoạt động gì.


Ông Hoàng Văn Thông, chủ DN vật liệu xây dựng (đường 23-10, Vĩnh Hiệp, Nha Trang) than thở: “Năm 2012, tôi cho một đơn vị xây dựng gối đầu toàn bộ vật liệu trị giá gần 400 triệu đồng để họ thi công công trình. Đến khi phía đối tác ngừng đầu tư, đơn vị xây dựng cũng không trả tiền cho tôi. Hiện giờ họ vẫn kinh doanh tốt nhưng lại không chịu trả nợ với lý do họ bị đối tác “xù”. Kiện ra Tòa đòi nợ mấy lần cũng chưa đòi được, chẳng biết có cách gì để thu hồi nợ nhanh hơn”.


Còn ông Trần Quang Tuấn (phường Ba Ngòi, Cam Ranh) cho biết, ông vào làm cho một công ty chế biến thủy sản xuất khẩu từ năm 2008. Ban đầu, công việc ổn định, công ty trả lương cũng tốt. Nhưng vài năm sau, hoạt động sản xuất dần trì trệ, công ty nợ lương ông đến 4 tháng chưa trả nên ông quyết định nghỉ việc, lúc này mới biết công ty cũng chưa đóng bảo hiểm cho ông. Ông Tuấn đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng, nhưng đến giờ vẫn chưa được giải quyết. Còn công ty vẫn làm ăn bình thường sau khi nộp phạt hành chính.


 Những trường hợp trên đều có một điểm chung, đó là các công ty không thanh toán các khoản nợ đến hạn, còn những người chủ nợ đều không thể làm gì để thu hồi nợ. Theo quy định pháp luật, trong những trường hợp này, có thể áp dụng Luật Dân sự (khởi kiện đòi nợ), Luật Phá sản (tuyên bố phá sản), Luật DN (giải thể DN). Ở phạm vi bài viết này chỉ xin đề cập đến việc phá sản DN.


Luật Phá sản DN ra đời từ năm 1993. Đến năm 2004, Quốc hội ban hành Luật Phá sản. Tuy có nhiều đóng góp nhất định trong việc tạo môi trường kinh doanh ổn định, nhưng Luật đã bộc lộ quá nhiều bất cập. Qua 9 năm thực hiện, ngành Tòa án chỉ thụ lý 336 đơn yêu cầu tuyên bố phá sản, nhưng chỉ tuyên bố phá sản 83 trường hợp. Trong khi đó, về mặt số liệu, trung bình cứ một năm, có khoảng 70.000 DN được thành lập mới thì có khoảng 45.000 DN ngừng hoạt động, trong đó khoảng 10.000 DN giải thể. Từ thực trạng trên cho thấy, việc tuyên bố phá sản là quá ít so với thực tế. Vậy nguyên nhân do đâu?


Theo đồng chí Lê Xuân Thân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng tuyên truyền phổ biến pháp luật, số lượng DN tuyên bố phá sản không nhiều là do Luật Phá sản 2004 có quá nhiều quy định không thực tế, khó áp dụng. Chẳng hạn như trường hợp của Xí nghiệp Xà phòng Hương phẩm Nha Trang thì giải thể không được mà phá sản cũng không xong, vì áp dụng quy định nào cũng không đủ điều kiện. Đơn yêu cầu tuyên bố phá sản nộp lên Tòa đều bị trả lại.


Tuy nhiên, từ năm 2015, Luật Phá sản (được Quốc hội thông qua ngày 19-6-2014) sẽ có nhiều nội dung hoàn toàn mới nhằm “cởi trói” các thủ tục, tạo điều kiện để các DN kinh doanh một cách cạnh tranh, công bằng, lành mạnh và bình đẳng.


Điểm mới thứ nhất, luật đã làm rõ điều kiện để tuyên bố phá sản: “DN, hợp tác xã (HTX) không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ đến hạn trong thời hạn 3 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán”. Điểm mới quan trọng thứ 2, luật quy định rõ những đối tượng có quyền yêu cầu tuyên bố phá sản. Những chủ nợ, người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên có quyền này nếu như DN, HTX không thanh toán nợ như đã nêu trên. Trở lại 2 trường hợp trên, ông Thông, ông Tuấn đều có quyền làm đơn yêu cầu Tòa án tuyên bố phá sản DN đang nợ mình.


Điểm mới nữa là trong quá trình Tòa án giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản thì vẫn cho 2 bên thương lượng với nhau trong vòng 20 ngày kể từ khi nhận đơn. Đây là khoảng thời gian mà phía DN, HTX có thể khắc phục thiếu sót của mình nếu không muốn bị tuyên bố phá sản trong tương lai. Và một khi đã bị Tòa xem xét thì các giao dịch từ kinh doanh hay liên quan đến người thân (được quy định rất rõ từng trường hợp) trước đó trong khoảng thời gian từ 6 tháng đến 18 tháng của DN, HTX đều có thể bị coi là vô hiệu. Quy định này nhằm ngăn chặn DN, HTX tẩu tán tài sản để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ. Ngoài ra, luật còn có nhiều quy định khác mang tính “cởi trói” khi sửa đổi các thủ tục theo hướng đơn giản mà vẫn đảm bảo quyền lợi các bên. Từ những điểm mới này, lần đầu tiên Luật Phá sản đưa ra một nghề mới đó là nghề quản lý, thanh lý tài sản của những DN, HTX bị tuyên bố phá sản. Cá nhân làm nghề này sẽ có tên gọi là quản tài viên.


Với những điểm mới mang tính cơ bản trên, Luật Phá sản được hy vọng là công cụ hữu hiệu để điều tiết thị trường theo chiến lược của Bộ Chính trị về việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về sở hữu và quyền tự do kinh doanh.


LÊ MINH