07:01, 05/01/2015

Khánh Vĩnh: Cần nâng cao chất lượng giảm nghèo

Đến hết năm 2014, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) còn 1.190 hộ nghèo, chiếm 13,8% tổng số hộ; 1.634 hộ cận nghèo, chiếm 18,9%. So với năm 2013, số hộ nghèo giảm 5%; hộ cận nghèo giảm 1,5%. Tuy nhiên, xét toàn diện thì chất lượng giảm nghèo vẫn chưa bền vững.

Đến hết năm 2014, huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) còn 1.190 hộ nghèo, chiếm 13,8% tổng số hộ; 1.634 hộ cận nghèo, chiếm 18,9%. So với năm 2013, số hộ nghèo giảm 5%; hộ cận nghèo giảm 1,5%. Tuy nhiên, xét toàn diện thì chất lượng giảm nghèo vẫn chưa bền vững.

 

Các đơn vị quân đội tặng bò cho hộ nghèo ở xã Sơn Thái.
Các đơn vị quân đội tặng bò cho hộ nghèo ở xã Sơn Thái.


Thoát nghèo chưa bền vững


Tuy đã thoát nghèo nhưng từ vụ Hè Thu năm 2014 đến nay, gia đình anh Cao Nghiệp (tổ 4, thị trấn Khánh Vĩnh) vẫn luôn trong tình trạng thiếu trước, hụt sau. Nhà có 6 nhân khẩu sống dựa vào 8 sào đất rẫy trồng bắp và mì. Năm qua, do nắng hạn kéo dài nên gia đình anh gần như mất trắng các khoản thu nhập. Phát cỏ cho vườn keo xong, anh tranh thủ kiếm rau rừng để làm món ăn trưa. Xong việc, nhận tiền trả công 60.000 đồng cho buổi sáng, anh chạy vội đến quán đầu ngõ mua mấy ký gạo. Bữa cơm nhà chỉ duy nhất món rau luộc chấm mắm. “Hồi còn là hộ nghèo, tôi được ngân hàng cho vay 12 triệu đồng đầu tư trồng mì. Năm đó, mì được giá nên cuộc sống tạm đủ. Năm sau, mì bị sâu bệnh rớt giá, vốn đầu tư coi như mất. Bây giờ làm ăn khó khăn, nắng hạn liên miên nên chẳng thu được gì. Vợ lại hay đau bệnh, chỉ một mình tôi đi làm nên rất khó khăn. Lúc thiếu việc làm, tôi phải vay mượn người khác” - anh Nghiệp chia sẻ.  


Trồng mì, bắp, đậu thường là giải pháp được hộ nghèo lựa chọn vì dễ làm, vốn đầu tư thấp. Thế nhưng, những cây trồng này dễ thoái hóa, sâu bệnh, phụ thuộc thời tiết nên thu nhập bấp bênh. Vì thế, tuy đã thoát nghèo nhưng thực tế vẫn rất khó khăn. Mặt khác, người nghèo đa số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), chiếm 95%. Họ hạn chế về nhận thức nên việc quản lý và sử dụng quỹ đất chưa hiệu quả. Đã có tình trạng một số người đến gạ mua bán, sang nhượng đất hoặc thuê mướn dài hạn để trồng keo, kinh doanh...


Ông Cao Na (tổ 3, thị trấn Khánh Vĩnh) cho biết, gia đình ông có một khoảnh đất rẫy gần đường đi Đà Lạt. Cũng vì địa thế thuận lợi nên hết người này đến người khác hỏi mua hoặc xin thuê dài hạn, nhưng ông đều từ chối. Ông cho rằng, bán đất là bán cuộc sống của mình. “Ở đây không thiếu người bán đất để mua xe máy, ti vi... Bây giờ không còn đất trồng trọt nên phải đi làm làm thuê, chặt lồ ô, hái rau rừng sống qua ngày. Mình có đất trồng trọt mà chẳng đủ ăn, huống hồ bán hết đất thì lấy gì mà sống...” - ông Na tâm sự.


Tăng cường giải pháp lồng ghép

 

5 năm qua, huyện đã lắp đặt đường ống dẫn nước sinh hoạt vào các hộ gia đình, hỗ trợ 150 hộ lắp đặt nguồn điện thắp sáng, hỗ trợ xây dựng 146 nhà cho đồng bào DTTS. Tổng kinh phí thực hiện gần 6,1 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí từ ngân sách Nhà nước gần 1,8 tỷ đồng; kinh phí vận động từ nguồn xã hội hóa hơn 4,3 tỷ đồng. 

Để giúp hộ nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo, những năm qua, huyện Khánh Vĩnh đã thực hiện nhiều chính sách giảm nghèo như: Cho vay vốn ưu đãi, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, hỗ trợ xây dựng nhà... cho hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS; hỗ trợ học bổng cho học sinh là người DTTS, mua bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS, hỗ trợ tiền điện... Riêng hỗ trợ theo Quyết định 596 của UBND tỉnh, từ năm 2011 đến nay, huyện Khánh Vĩnh đã có 9.692 lượt hộ nghèo được hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, muối I-ốt và hỗ trợ tiền mặt để chủ động mua giống vật nuôi. Tổng kinh phí thực hiện hơn 6,7 tỷ đồng. Về hỗ trợ phát triển sản xuất trong 2 năm 2013 - 2014, UBND huyện đã triển khai mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ đồng bào DTTS nghèo, cận nghèo có điều kiện về đất đai, chuồng trại, có lao động và có nguyện vọng tham gia xây dựng mô hình. Theo đó, có 133 hộ tham gia chương trình, kinh phí thực hiện gần 1,2 tỷ đồng. Cụ thể: có 35 hộ trồng keo lai giâm hom; 39 hộ trồng bưởi da xanh, chuối, cây đót, mía, bắp lai, sầu riêng, dứa...; 59 hộ nuôi heo đen, heo trắng, heo rừng lai, gà, vịt, dúi... Ông Trần Xuân Minh - cán bộ Phòng Dân tộc huyện Khánh Vĩnh cho biết: “Các hộ tham gia mô hình đã tích cực chăm sóc cây trồng, vật nuôi theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Hiện tại, các mô hình được người dân chăm sóc phát triển khá tốt...”.


Tuy nhiên, ngoài những khó khăn khách quan như thiên tai, dịch bệnh..., hiện nay, công tác giảm nghèo tồn tại nhiều vấn đề như: Hộ nghèo chưa sáng tạo, chưa có ý thức vươn lên; tâm lý sợ thoát nghèo sẽ không được thụ hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước... đã gây khó khăn cho công tác giảm nghèo. Ông Mấu Văn Phi - Phó Chủ tịch UBND huyện cho hay: Năm 2014, huyện có 524 hộ thoát nghèo nhưng lại phát sinh 127 hộ nghèo, do vậy chỉ giảm được 397 hộ nghèo. Năm 2015, huyện sẽ phát huy vai trò điều hành của các ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo cấp huyện, xã; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động kết hợp triển khai công tác giảm nghèo lồng ghép với các chương trình đầu tư phát triển kinh tế - xã hội như: Chương trình xây dựng nông thôn mới, Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi... Bên cạnh đó, huyện tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng; đào tạo nghề; tăng cường công tác khuyến nông, khuyến lâm, giúp người nghèo chuyển đổi mô hình sản xuất phù hợp để vươn lên thoát nghèo...


Kim Oanh