Cụ thể, thiết thực, đúng đối tượng là những yêu cầu đầu tiên trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số ở thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) thời gian qua.
Cụ thể, thiết thực, đúng đối tượng là những yêu cầu đầu tiên trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) thời gian qua.
Nâng cao nhận thức
Già làng Y Tài (thôn Buôn Đung, xã Ninh Tây) là người được bà con trong thôn tín nhiệm, tin tưởng. Mỗi lần người dân có việc gì khó đều tìm già để xin ý kiến. Điều đó khiến già rất vui, nhưng cũng có những băn khoăn riêng. “Trong nhiều trường hợp, mình cho bà con lời khuyên dựa trên những suy nghĩ cảm tính. Điều đó khiến mình cảm thấy không an tâm. Bà con thấy khó nên mới tìm đến mình, nhưng nếu mình không biết nói cho có lý có tình thì có thể sẽ khiến sự việc phức tạp hơn”, già Y Tài tâm sự. Chính vì suy nghĩ đó, nên mỗi lần ở xã có những lớp tập huấn hay những buổi trao đổi liên quan đến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, già làng Y Tài đều tích cực tham gia. Theo già, đó là những cơ hội tốt để già có thêm kiến thức, sự hiểu biết về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, để có thể chia sẻ, tư vấn cho bà con.
Theo ông Sử Hồng Quốc Tịnh - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Tây, trên địa bàn xã có 725 hộ đồng bào DTTS, trong đó chủ yếu là người Êđê. Nhìn chung, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, trình độ học vấn, khả năng nhận thức còn thấp. “Người dân còn thụ động trong việc thực hiện, áp dụng các phương thức sản xuất để phát triển kinh tế gia đình. Do không nắm rõ mục đích nên nhiều trường hợp khi nhận được sự hỗ trợ về vốn, giống, phân bón... đã sử dụng thiếu hiệu quả”, ông Tịnh cho biết. Để khắc phục tình trạng trên, xã Ninh Tây đã vận động các già làng, người có uy tín, lãnh đạo các đoàn thể tích cực tham gia các buổi sinh hoạt liên quan đến phổ biến chính sách, pháp luật. Đây chính là lực lượng nòng cốt trong việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến đồng bào, giúp đồng bào có ý thức tự giác trong phát triển kinh tế gia đình, nhận ra được những cái hay, cái đẹp trong đời sống thường ngày, từ bỏ dần những hủ tục lạc hậu.
Nhiều cách làm hay
Trên địa bàn thị xã Ninh Hòa hiện có 15 DTTS sinh sống với 1.286 hộ, 5.258 khẩu. Trong đó, đông nhất là đồng bào Êđê và Raglai, sống tập trung tại hai xã miền núi Ninh Tây, Ninh Tân. Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức pháp luật cho đồng bào DTTS là một nhiệm vụ quan trọng, được sự quan tâm, đầu tư của địa phương. Bà Trần Thị Cúc - Trưởng phòng Dân tộc chia sẻ: “Bên cạnh những chương trình chung, thị xã đều ban hành kế hoạch riêng về tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào DTTS. Các buổi sinh hoạt phải đáp ứng được yêu cầu tuyên truyền là cụ thể, thiết thực, đúng đối tượng”.
Thực tế, đã có những cách làm hay trong việc phổ biến pháp luật đến đồng bào DTTS ở Ninh Hòa. Thị xã đã lồng ghép nội dung này vào hoạt động của các phòng, ban. Thực hiện Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, thị xã đã tổ chức 25 lớp phổ biến, tuyên truyền pháp luật với hơn 1.800 lượt người tham dự. Ngoài ra, còn phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tổ chức 5 lớp cho cán bộ làm công tác dân tộc miền núi ở hai xã Ninh Tây và Ninh Tân. Bên cạnh đó, căn cứ vào đặc điểm, tình hình cụ thể của từng địa bàn, từng đối tượng, UBND thị xã áp dụng các hình thức phù hợp để tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Đó có thể là thông qua các mô hình hỗ trợ phát triển sản xuất, các hình thức tuyên truyền trực quan, các tổ hòa giải cơ sở, người có uy tín trong đồng bào hay các phương tiện thông tin đại chúng... Đặc biệt, thị xã đã lồng ghép những nội dung về chính sách, pháp luật để phổ biến tới người dân thông qua các lễ hội văn hóa, các phong trào vận động xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư.
Theo ông Lê Quang Ngọc - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh: “Thị xã Ninh Hòa là địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS. Nội dung tuyên truyền đáp ứng được yêu cầu của đối tượng tham gia nên đã mang lại hiệu quả thiết thực”. Đồng bào đã có ý thức hơn trong việc làm kinh tế, hạn chế tình trạng tảo hôn, du canh du cư; hiểu thêm về lợi ích của việc bảo vệ rừng, ý thức hơn khi tham gia giao thông...
N.T - B.L