Những năm qua, các cấp, ngành, địa phương đã thực hiện tốt công tác bảo trợ xã hội, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Hữu Thọ, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết:
Những năm qua, các cấp, ngành, địa phương đã thực hiện tốt công tác bảo trợ xã hội (BTXH), góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Hữu Thọ, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) Khánh Hòa cho biết:
- Toàn tỉnh hiện có 110.000 người cao tuổi, trong đó có hơn 10.000 người từ 80 tuổi trở lên không có lương hưu được hưởng trợ cấp 270.000 đồng/người/tháng và được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí hàng năm. Hơn 9.528 người khuyết tật đặc biệt nặng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng với mức từ 405.000 đồng đến 1.080.000 đồng/tháng (tùy nhóm đối tượng). Các cơ sở BTXH hiện đang chăm sóc, nuôi dưỡng gần 300 người khuyết tật không nơi nương tựa. Ngoài ra, hiện nay các cấp, ngành, địa phương đang tập trung thực hiện “Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2013 - 2020”. Đề án đã góp phần nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc và trợ giúp người khuyết tật; tạo thuận lợi để người khuyết tật tiếp cận các chính sách và dịch vụ, từng bước phát huy khả năng của mình.
Bên cạnh đó, những năm qua, tỉnh đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ cho 1.396 người bệnh tâm thần với mức trợ cấp 405.000 đồng/người. Giai đoạn 2012 - 2020, tỉnh đã dành hơn 90 tỷ đồng thực hiện Đề án “Trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người bệnh tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng”. Chính sách này sẽ từng bước giúp phục hồi chức năng cho người bệnh tâm thần, rối nhiễu tâm trí tái hòa nhập cộng đồng, góp phần bảo đảm an sinh xã hội…
- Năm 2015, thực hiện Thông tư liên tịch của Bộ Tài chính và Bộ LĐ-TB-XH hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 136 của Chính phủ, chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng BTXH có gì thay đổi, thưa ông?
- Nghị định 136 và Thông tư liên tịch 29 chỉ thay đổi đối tượng BTXH được hưởng và hệ số trợ cấp áp dụng từ ngày 1-1-2015 bao gồm: Trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng; người từ 16 tuổi đến 22 tuổi (trước đó hưởng trợ cấp xã hội thuộc diện trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng) mà đang học phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất; trẻ em bị nhiễm HIV thuộc hộ nghèo; người bị nhiễm HIV thuộc hộ nghèo không còn khả năng lao động mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công hàng tháng, trợ cấp hàng tháng khác; người đơn thân nghèo đang nuôi con. Bên cạnh đó, còn có người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng hoặc có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng nhưng người này đang hưởng chế độ trợ cấp xã hội hàng tháng; người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng, không có điều kiện sống ở cộng đồng, đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở BTXH, nhà xã hội nhưng có người nhận chăm sóc tại cộng đồng; người từ đủ 80 tuổi trở lên thuộc diện hộ nghèo mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng, trợ cấp xã hội hàng tháng; trẻ em khuyết tật, người khuyết tật thuộc hộ nghèo và thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội theo quy định của pháp luật về người khuyết tật; đối tượng sống trong cơ sở BTXH, nhà xã hội công lập.
- Để thực hiện tốt các chính sách này, các ban, ngành, địa phương cần phải làm gì, thưa ông?
-Triển khai Thông tư 29, Sở LĐ-TB-XH đã tập huấn hướng dẫn trình tự, thủ tục hồ sơ, mức điều chỉnh trợ cấp và triển khai cập nhật phần mềm quản lý chi trả trợ cấp xã hội cho phòng LĐ-TB-XH các huyện, thị xã, thành phố. Các địa phương cần áp dụng theo hướng dẫn của Sở.
UBND các huyện, thị xã, thành phố cần chỉ đạo tổ chức triển khai Thông tư liên tịch 29 đến các ban, ngành của huyện, thị xã, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Đồng thời, tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến người dân về chính sách này. Chỉ đạo các phòng LĐ-TB-XH, UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức rà soát đối tượng BTXH đang hưởng trợ cấp hàng tháng và thực hiện việc điều chỉnh trợ cấp theo quy định hiện hành.
- Xin cảm ơn ông.
VĂN GIANG (Thực hiện)