Thông qua phong trào "Thanh niên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng", các cấp hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh đã có nhiều chương trình hỗ trợ, tạo việc làm, tăng thu nhập cho thanh niên, từ tư vấn, định hướng nghề nghiệp, đến dạy nghề và hỗ trợ vốn...
Thông qua phong trào “Thanh niên lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng”, các cấp hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh đã có nhiều chương trình hỗ trợ, tạo việc làm, tăng thu nhập cho thanh niên, từ tư vấn, định hướng nghề nghiệp, đến dạy nghề và hỗ trợ vốn...
Anh Nguyễn Quốc Thịnh thành công với mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng - rừng. |
Chỉ tính riêng năm 2014, toàn tỉnh đã tổ chức 65 đợt tư vấn và giới thiệu việc làm cho 12.800 hội viên thanh niên, trong đó gần 4.700 thanh niên đã có việc làm. Các cấp hội còn tổ chức cho thanh niên tham quan những mô hình làm kinh tế hiệu quả để học tập, sau đó hỗ trợ vốn để thanh niên phát triển kinh tế. Toàn tỉnh đã xây dựng 52 mô hình điểm các loại về “Tổ tiết kiệm tích lũy”, “Tổ trợ vốn”... phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ cho hơn 50.000 hội viên thanh niên với số vốn hơn 370 tỷ đồng phát triển sản xuất.
Theo anh Phạm Tiến, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh, để hỗ trợ thanh niên nông thôn trên con đường lập thân, lập nghiệp, thời gian qua, các cấp hội đã triển khai đồng bộ chương trình “Đồng hành với thanh niên trong nghề nghiệp và việc làm”; đồng thời triển khai có hiệu quả cuộc vận động “Thanh niên làm kinh tế giỏi”; phối hợp tăng nguồn vốn cho thanh niên vay phát triển kinh tế. Qua các phong trào đã xuất hiện nhiều cá nhân, tập thể tiêu biểu thành công với các mô hình kinh tế và được nhận các giải thưởng như giải thưởng Lương Định Của, tuyên dương Người thợ trẻ giỏi...
Điển hình như anh Nguyễn Quốc Thịnh ở xã Diên Xuân, huyện Diên Khánh, sau khi rời quân ngũ năm 2006, được sự hỗ trợ, động viên của gia đình, bạn bè, anh mạnh dạn phát triển kinh tế. Từ 2ha đất rừng trồng mía, sau một thời gian canh tác, nhận thấy hiệu quả từ cây mía không cao, anh đã chuyển sang trồng xen canh cây bắp, đậu xanh, một số cây ăn quả trên đất vườn có sẵn; đồng thời nuôi thêm heo rừng, cá đồng. Sau một thời gian định hình, mô hình sản xuất của gia đình anh Thịnh đã phát triển lên 2ha keo, 1ha vườn cây ăn trái (110 gốc xoài cát Hòa Lộc, 80 gốc mít nghệ, hơn 50 gốc bưởi da xanh, năm roi), 1ha đất trồng lúa, 1.000m2 diện tích mặt nước nuôi cá và bình quân hàng năm xuất chuồng 40 con heo rừng. Đến nay, anh Thịnh đã sở hữu một trang trại bề thế với số vốn hàng trăm triệu đồng. Mỗi năm trừ chi phí, gia đình anh thu lãi gần 200 triệu đồng.
Bên cạnh đó, các cấp hội đã nhanh chóng nắm bắt nhu cầu của thanh niên, chủ động phối hợp với các trường, trung tâm, tham mưu thực hiện đề án “Phổ cập tin học cho thanh niên”, tổ chức các lớp bồi dưỡng, hội thi “Tin học trẻ không chuyên”... Qua đó, khuyến khích hội viên thanh niên nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học. Ngoài ra, hàng năm Ủy ban Hội các huyện, thị, thành phố tổ chức giao lưu, giới thiệu các gương thanh niên điển hình trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh có hiệu quả cho hội viên thanh niên học tập.
THIÊN TRƯỜNG