11:01, 06/01/2015

Chưa hoàn thành đã phải khắc phục sự cố

Hiện nay, công trình thoát lũ khu dân cư Đường Đệ mới chỉ xây dựng được khoảng 1.500m/2.500m chiều dài tuyến kênh nhưng đã xảy ra ra tình trạng nước thấm qua đáy kênh gây nguy cơ sạt lở cho khu vực...

Hiện nay, công trình thoát lũ khu dân cư Đường Đệ mới chỉ xây dựng được khoảng 1.500m/2.500m chiều dài tuyến kênh nhưng đã xảy ra ra tình trạng nước thấm qua đáy kênh gây nguy cơ sạt lở cho khu vực...

 

Một đoạn kênh bị nước thấm qua.
Một đoạn kênh bị nước thấm qua


Người dân hoang mang


Dự án hệ thống thoát lũ khu dân cư Đường Đệ (phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang) được UBND tỉnh điều chỉnh, phê duyệt năm 2004, do Trung tâm Phát triển quỹ đất Khánh Hòa làm chủ đầu tư với tổng vốn hơn 20 tỷ đồng, gồm kênh Tây và kênh Bắc. Khu vực có hiện tượng rò rỉ nước xảy ra ở cả tuyến kênh Tây và kênh Bắc, song tuyến kênh Bắc nguy cơ sạt lở cao hơn. Ông Đặng Văn Tiệm - tổ trưởng tổ dân phố 15 Đường Đệ cho biết: “Việc nước thấm qua hệ thống kênh thoát lũ thực chất xảy ra từ lâu nhưng lượng nước chảy ít. Bắt đầu từ mùa mưa năm nay, nước rò rỉ qua mương mạnh, chảy thành dòng tràn qua đường Triệu Quang Phục và đổ xuống tận đường Nguyễn An”. Được biết, ngay ở phía chân kênh thoát lũ phía Bắc là khu vực tái định cư cho khoảng 40 hộ dân thuộc Cồn Tân Lập, phường Xương Huân. Hiện cả khu mới chỉ có 7 hộ xây nhà, các hộ còn lại tuy đã được cấp đất nhưng chưa dám xây vì sợ nước thấm qua kênh gây sạt lở mái taluy và tổn hại đến công trình xây dựng. “Trong cơn bão số 4 vừa qua, tôi phải đến vận động và trấn an người dân chuẩn bị sẵn sàng tư thế, nếu có sự cố là di dời ngay đến khu vực an toàn”- ông Tiệm nói.


Quan sát tại công trình kênh thoát lũ chúng tôi thấy, hiện tại phần đáy mương đã nhiều đoạn bị xói mòn, trơ lớp đá lót. Thậm chí có đoạn chân móng bị trơ ra, tạo nên những hàm ếch trông rất mất an toàn cho công trình. Tại khu vực bị rò rỉ nước, phần mái taluy bị sạt lở khá nhiều. Theo người dân địa phương, đoạn xung yếu nhất kéo dài khoảng 160m. Nguyên nhân sạt lở mái taluy là do khi san lấp tạo mặt bằng cho khu tái định cư, đơn vị thi công đã xâm phạm khá sâu vào phần công trình kênh thoát lũ, tạo nên những vách đứng cao 3 - 4m. Chiều rộng của taluy nay chỉ còn khoảng 2 - 3m, có nguy cơ vỡ kênh khi phải chứa một lượng nước lớn. Cộng thêm lượng nước rò rỉ qua đây gây xói mòn làm cho mái taluy bị biến đổi và bắt đầu có hiện tượng sạt lở.


Tình trạng trên khiến cả 7 hộ đã xây nhà ở sát kênh Bắc đều bị nước dò rỉ chảy qua nhà. Anh Giáp Văn Luật (nhà ở sát kênh) e ngại: “Mùa mưa nước chảy từ kênh thoát lũ xuyên qua mái taluy rất dữ. Cứ như thế này thì sớm muộn cũng gây sạt lở. Chúng tôi mong chính quyền sớm có biện pháp xử lý”. Bà Huỳnh Thị Em (người dân trong khu vực) cũng cho biết: “Chúng tôi đã nhiều lần có ý kiến về vấn đề này. Giờ nước chảy dữ quá, chỉ sợ bứt bờ kè. Nhà nước cần sớm có biện pháp khắc phục sự cố để người dân an tâm”.  


Dự án hơn 20 tỷ đồng, khắc phục sự cố 23 tỷ đồng?


Sau nhiều kiến nghị của người dân và chủ đầu tư, bước đầu UBND tỉnh cho phép thành lập Dự án xử lý nước thấm qua đáy kênh thoát lũ phía Tây với chiều dài khoảng 600m. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu, đơn vị tư vấn đã đưa ra phương án xử lý với tổng mức đầu tư lên tới hơn 23 tỷ đồng. Phương án chính là khoan sâu từ 2,7 đến 8,2m để phun bê tông chống thấm qua đáy kênh. Tại buổi làm việc với các sở, ngành và đơn vị liên quan về Dự án xử lý nước thấm qua đáy kênh vào ngày 30-12-2014, đồng chí Lê Đức Vinh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã không đồng ý phương án này. Đồng chí đề nghị chủ đầu tư và đơn vị thực hiện dự án tiến hành đánh giá, khảo sát lại nguyên nhân gây thấm nước, chỉ thực hiện xử lý những vị trí gây thấm nước cần thiết, không tiến hành xử lý toàn tuyến, bởi con số 23 tỷ đồng bỏ ra để xử lý 600m kênh là quá lớn so với tổng dự án, tỉnh sẽ không đủ tiền để làm.

Tại buổi làm việc, các cơ quan, ban ngành cũng chưa thống nhất với phương án chống thấm mà đơn vị tư vấn đưa ra vì vốn quá cao; yêu cầu chủ đầu tư phải phân tích và xác định rõ nguyên nhân gây thấm và mất ổn định taluy kênh. Đồng thời, một số ban ngành đặt ra câu hỏi, vì sao một công trình chưa thi công xong đã có sự cố và phải xử lý tốn kém?


Xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Lưu - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất Khánh Hòa giải thích: “Ban đầu khi làm Dự án kênh thoát lũ không có khu dân cư, phần taluy kênh rất rộng, cộng vào đó là thảm cỏ tạo độ an toàn cho kênh. Nhưng sau này, do sức ép về đất ở nên đã lấy một phần taluy kênh để phục vụ cho tái định cư làm cho kết cấu kênh bị ảnh hưởng, gây ra hiện tượng thấm nước qua đáy kênh. Lượng nước thấm qua có đến 85% là nước ngầm trên núi Nam Hòn Khô chảy qua bên dưới phía đáy kênh”. Ông Lưu thừa nhận, so với tổng vốn đầu tư dự án, số tiền để xử lý sự cố quá lớn khiến hiệu quả công trình không cao. “Chúng tôi đang nghiên cứu phương án khả thi hơn. Theo đó, chỉ xây bờ kè chống sạt lở cao 1,5m và làm hệ thống mương thu gom nước thấm qua phía dưới bờ kè. Sau này sẽ có các dự án khác xây dựng phía trên kênh thoát lũ và một phần nước ngầm bị chặn lại, lúc đó tình trạng thấm nước qua kênh gây nguy cơ sạt lở sẽ không còn” - ông Lưu cho hay.


Như vậy, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa thống nhất được phương án để khắc phục tình trạng thấm nước qua kênh thoát lũ. Nếu phương án mới do chủ đầu tư đưa ra được thông qua thì sự cố sẽ được xử lý trong năm 2015.


Đình Lâm