Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, những năm gần đây, tình trạng gia đình sinh đông con trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đã giảm dần, nhất là các cặp vợ chồng trẻ.
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, những năm gần đây, tình trạng gia đình sinh đông con trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh (Khánh Hòa) đã giảm dần, nhất là các cặp vợ chồng trẻ.
Cán bộ dân số vận động dừng sinh ở gia đình chị Nguyễn. |
Chuyển biến trong nhận thức của các cặp vợ chồng trẻ
Chị Cao Thị Nguyễn (sinh năm 1991, ở thôn Nam, xã Sông Cầu) cho biết vợ chồng chị sinh được 2 con gái nhưng vẫn quyết định dừng lại. “Điều vợ chồng tôi quan tâm là làm ăn giỏi, nuôi dạy các con tốt” - chị Nguyễn nói. Chị Cao Thị Nghiễn (sinh năm 1990, ở xã Liên Sang) cũng chia sẻ: “Tôi thường xuyên tham gia các buổi sinh hoạt nhóm, nghe cộng tác viên dân số tuyên truyền thấy rất đúng. Kinh tế khó khăn, thà sinh ít mà nuôi dạy con tốt. Vợ chồng tôi thống nhất chỉ sinh 2 con”.
Theo số liệu thống kê ở một số địa phương trên địa bàn huyện, số cặp vợ chồng trẻ có tỷ lệ áp dụng các biện pháp tránh thai cao hơn những cặp vợ chồng lớn tuổi (đang còn trong độ tuổi sinh đẻ). Năm 2014, thị trấn Khánh Vĩnh là địa phương có tỷ lệ áp dụng biện pháp tránh thai cao nhất huyện (84,5%). Trong đó, người trên 35 tuổi chiếm 83,6%, dưới 35 tuổi chiếm 85,4%. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên đối với người trên 35 tuổi chiếm 20%, dưới 35 tuổi chỉ 8%. Ở các xã cũng có sự chênh lệch rõ rệt trong nhận thức về sinh đẻ giữa lớp người lớn tuổi và trẻ tuổi. Cụ thể, năm 2014, ở xã Khánh Thượng, tỷ lệ áp dụng biện pháp tránh thai ở nhóm người trên 35 tuổi là 51%, dưới 35 tuổi gần 59%; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở nhóm người trên 35 tuổi là 40%, dưới 35 tuổi là 32%. Xã Khánh Phú, tỷ lệ áp dụng biện pháp tránh thai ở các cặp vợ chồng trên 35 tuổi là 52%, dưới 35 tuổi chiếm 78,6%; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở người trên 35 tuổi lên tới 71,5%, dưới 35 tuổi gần 26%...
Sự chuyển biến về nhận thức của các cặp vợ chồng trẻ đã góp phần nâng cao kết quả công tác dân số của Khánh Vĩnh những năm gần đây. Năm 2012, tỷ lệ áp dụng biện pháp tránh thai chỉ đạt 68,7%, tỷ suất sinh là 21,63‰, tỷ lệ sinh con thứ 3 là 26,4%. Năm 2014, tỷ lệ áp dụng biện pháp tránh thai tăng lên 71,2%, tỷ suất sinh giảm xuống 20,36‰ và tỷ lệ sinh con thứ 3 giảm còn 21,3%.
Khó tiếp cận tuyên truyền ở nhóm người lớn tuổi
Bên cạnh kết quả đạt được, hiện nay, công tác dân số ở Khánh Vĩnh gặp không ít khó khăn, nhất là việc truyền thông, vận động các cặp vợ chồng lớn tuổi nhưng còn trong độ tuổi sinh đẻ dừng sinh. Chị Nguyễn Thị Hoa, cán bộ chuyên trách dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) xã Khánh Phú cho biết: Trong các buổi sinh hoạt, tư vấn nhóm, có mặt chủ yếu là chị em phụ nữ ở độ tuổi từ 20 đến 35 tuổi, còn độ tuổi trên 35 ít người tham gia. Đa số lớp trẻ bây giờ có nhận thức tốt nên vận động KHHGĐ dễ dàng hơn. Còn lớp người lớn tuổi cho rằng sử dụng biện pháp tránh thai thì không phù hợp với sức khỏe, hoặc nếu có sử dụng thì không đúng cách. “Nói là lớn tuổi nhưng thực tế họ vẫn còn trong độ tuổi sinh đẻ nên cứ tiếp tục sinh. Vì vậy, hàng năm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở nhóm tuổi này trên địa bàn xã khá cao” - chị Hoa nói.
Việc thay đổi nhận thức về KHHGĐ ở các cặp vợ chồng lớn tuổi người dân tộc thiểu số đang là thách thức đối với mục tiêu giảm sinh ở Khánh Vĩnh. Theo chị Nguyễn Thị Mỹ Châu - cán bộ truyền thông Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Khánh Vĩnh, không riêng xã Khánh Phú, tình trạng các cặp vợ chồng độ tuổi trên 35 sinh nhiều ở các xã cánh Tây như: Khánh Thượng, Giang Ly, Sơn Thái, Liên Sang cũng rất phổ biến. Trong khi đó, phần lớn đối tượng này chủ yếu sống xa khu dân cư và còn ảnh hưởng bởi phong tục tập quán cũ nên càng khó tiếp cận tuyên truyền.
Trước thực tế đó, thời gian tới, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông bằng các hình thức phù hợp với từng địa phương, từng lứa tuổi thông qua sinh hoạt nhóm, thăm hộ gia đình. Cùng với đó, nhân rộng gương điển hình các cặp vợ chồng trẻ làm kinh tế giỏi, thực hiện tốt chính sách DS-KHHGĐ. Đồng thời, phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương và những người có uy tín trong cộng đồng như già làng, trưởng bản để tạo thuận lợi trong việc vận động các cặp vợ chồng sinh đông con thực hiện các biện pháp tránh thai bền vững.
L.K - A.T