07:01, 15/01/2015

Chú trọng truyền thông duy trì mức sinh thấp hợp lý

Khoảng cách chênh lệch mức sinh giữa miền núi và đồng bằng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa ngày càng lớn. Ngành Dân số đang thay đổi chiến lược truyền thông phù hợp với đặc điểm từng khu vực nhằm duy trì mức sinh thấp hợp lý.

 

Khoảng cách chênh lệch mức sinh giữa miền núi và đồng bằng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa ngày càng lớn. Ngành Dân số đang thay đổi chiến lược truyền thông phù hợp với đặc điểm từng khu vực nhằm duy trì mức sinh thấp hợp lý.

 

 Cán bộ dân số tuyên truyền tại nhà anh Thanh.
Cán bộ dân số tuyên truyền tại nhà anh Thanh


Mức sinh không đều


Tuy Khánh Hòa đã đạt mức sinh thay thế nhưng những năm gần đây, mức sinh ngày càng có sự chênh lệch rõ rệt giữa khu vực miền núi, nông thôn và đô thị. Ở một số địa phương miền núi hiện vẫn còn những gia đình sinh tới 5,7 con. Trong khi đó ở thành phố, thị xã, thị trấn, số cặp vợ chồng dừng sinh ở một con lại có xu hướng tăng lên.


Vợ chồng anh Nguyễn Đức Thanh ở tổ 8, phường Phương Sài, TP. Nha Trang có một bé trai 6 tuổi. Đang trong độ tuổi sinh đẻ, nhưng anh chị quyết định không sinh thêm, dù cả hai đều có công việc ổn định. “Lương nhân viên của vợ chồng tôi không cao. Giờ nuôi một con cũng chật vật lắm, nếu sinh thêm, chắc chắn gia đình sẽ khó khăn” - anh Thanh chia sẻ. Ngay cả bố anh Thanh, ông Nguyễn Đức Trần - người thuộc thế hệ trước cũng thuận theo quan điểm này. “Ai cũng muốn con cháu đông đúc, nhưng nhu cầu cuộc sống đòi hỏi ngày càng cao. Kinh tế hạn hẹp thì hạn chế sinh là tốt” - ông Trần nói.


Suy nghĩ của vợ chồng anh Thanh cũng là suy nghĩ của không ít người ở khu vực đồng bằng, đô thị hiện nay. Vì thế, khu vực này hiện mức sinh ngày một thấp. Điều này đã khiến cho khoảng cách chênh lệch về mức sinh giữa miền núi và miền xuôi ngày càng giãn rộng. Năm 2014, tỷ suất sinh trung bình chung toàn tỉnh gần 15‰. Trong đó, tỷ suất sinh của TP. Nha Trang chỉ ở mức 10,6‰, huyện Vạn Ninh 10,98‰ và Diên Khánh 11,04‰. Trong khi đó, tỷ suất sinh của huyện Khánh Sơn là 21,4‰, huyện Khánh Vĩnh 18,1‰. Số con trung bình của mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giữa các địa phương cũng có sự chênh lệch lớn. Toàn tỉnh là 1,92 con/1 phụ nữ. TP. Nha Trang, Diên Khánh, Vạn Ninh dao động từ 1,3 - 1,4 con/1 phụ nữ; huyện Khánh Sơn 3,1 con/1 phụ nữ, Khánh Vĩnh 2,3 con/1 phụ nữ. Trong khi đó, theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc, mức sinh hợp lý của mỗi quốc gia cần duy trì trong khoảng từ 1,5 - 2,1 con/1 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.


Thay đổi chiến lược truyền thông


Tình trạng chênh lệch mức sinh giữa miền núi và miền xuôi sẽ ảnh hưởng lớn đến quy mô, cơ cấu và chất lượng dân số chung của tỉnh. Chính vì thế, mục tiêu của ngành Dân số hiện nay là kiểm soát tốt mức sinh cao ở các địa phương miền núi, đồng thời duy trì mức sinh thấp ở ngưỡng hợp lý đối với khu vực đồng bằng, đô thị.


Theo ông Phan Văn Giáp, cán bộ Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tỉnh, những năm gần đây, tỷ suất sinh toàn tỉnh giảm khoảng 0,2‰ mỗi năm. Với đà này, các vùng có mức sinh cao phải cần tới 10 năm nữa mới có thể giảm xuống mức trung bình chung của toàn tỉnh tại thời điểm hiện tại. Các địa phương có mức sinh thấp như: Nha Trang, Diên Khánh sẽ khó vực dậy được mức sinh hợp lý. Vùng có mức sinh cao là những địa phương khó khăn, kinh tế người dân còn thiếu thốn, điều kiện nuôi con chưa tốt. Cụ thể như Khánh Sơn và Khánh Vĩnh, tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em rất cao, trên dưới 30%. Như vậy, người dân ở miền núi càng sinh nhiều, chất lượng dân số càng thấp. Còn ở những vùng có điều kiện kinh tế tốt, nuôi con tốt như thành thị, người dân lại có xu hướng sinh ít. “Nếu không có giải pháp kịp thời và ngay từ bây giờ, tình trạng này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quy mô, cơ cấu và chất lượng dân số. Chất lượng nguồn lực khó đáp ứng được nhu cầu phát triển đất nước trong tương lai” - ông Giáp nói.


Nhận rõ vấn đề này, ngành Dân số tỉnh đang thay đổi chiến lược trong công tác truyền thông. Bà Huỳnh Thị Hiên, quyền Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh cho biết, hiện nay Chi cục không áp dụng một giải pháp tuyên truyền chung cho toàn tỉnh như trước, mà dựa vào kết quả dân số của từng địa phương để đưa ra những giải pháp tuyên truyền phù hợp với đặc thù từng khu vực. Đặc biệt tập trung cho các mô hình truyền thông phù hợp với đặc điểm, tình hình, tập quán mỗi vùng. Ở miền núi tiếp tục chú trọng vận động giảm sinh, tăng cường cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ có chất lượng về cơ sở. Ở những địa phương có mức sinh thấp sẽ tăng cường truyền thông nâng cao chất lượng dân số, không lựa chọn giới tính thai nhi, chú trọng thông điệp: Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con...


Với những giải pháp này, hy vọng khoảng cách chênh lệch mức sinh giữa khu vực miền núi, đô thị trên địa bàn tỉnh sẽ được rút ngắn, góp phần đảm bảo cơ cấu, quy mô dân số phù hợp, tăng chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai.


M.T - A.T