Trước, trong và sau Tết Nguyên đán là thời gian cao điểm về nguy cơ xảy ra dịch cúm gia cầm. Để chủ động phòng, chống dịch, ngành Thú y tỉnh Khánh Hòa đã triển khai nhiều biện pháp.
Trước, trong và sau Tết Nguyên đán là thời gian cao điểm về nguy cơ xảy ra dịch cúm gia cầm. Để chủ động phòng, chống dịch, ngành Thú y tỉnh Khánh Hòa đã triển khai nhiều biện pháp.
Tiêm phòng vắc xin cho đàn gia cầm ở thị xã Ninh Hòa. |
Nguy cơ cao
Qua công tác giám sát sự lưu hành vi rút cúm trên đàn gia cầm trong tháng 10, 11 và 12-2014, Chi cục Thú y đã phát hiện vi rút cúm A/H5N6 trên đàn vịt nuôi và trong tiêu thụ tại chợ ở thị xã Ninh Hòa, huyện Diên Khánh, TP. Nha Trang, huyện Cam Lâm. Cụ thể: tháng 10 có 8 mẫu, tháng 11 có 10 mẫu, tháng 12 có 7 mẫu dương tính với vi rút cúm A/H5N6. Bên cạnh đó, hiện nay, toàn quốc có một ổ dịch cúm A/H5N6 tại xã Tịnh Hà, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi chưa qua 21 ngày. Do đó, khả năng lây lan dịch bệnh qua đường vận chuyển gia cầm rất lớn.
Ngành Thú y của tỉnh đang lo lắng về quy luật phát triển của dịch cúm gia cầm. Qua theo dõi những năm gần đây, dịch thường xảy ra trong quý I hàng năm. Quý I/2014, dịch cúm gia cầm H5N1 đã xuất hiện tại 40 hộ, thuộc 31 thôn của 21 xã trên địa bàn thị xã Ninh Hòa, huyện Diên Khánh và huyện Cam Lâm, làm chết và buộc phải tiêu hủy 43.914 con gia cầm. Ông Lê Thắng - Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết, thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán, nguy cơ xuất hiện các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm rất cao, nhất là dịch bệnh cúm gia cầm H5N6. Những tháng cuối năm là thời gian thuận lợi cho các loại dịch bệnh trên gia cầm phát sinh và lây lan. Nguyên nhân chủ yếu là do các hoạt động chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển gia cầm tăng mạnh để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết. Bên cạnh đó, thời tiết thay đổi làm giảm sức đề kháng của đàn gia cầm, tạo điều kiện thuận lợi cho mầm bệnh tồn tại, phát tán và gây bệnh; miễn dịch của đàn gia súc, gia cầm được tiêm phòng xuống thấp, mầm bệnh dễ xâm nhập…
Chủ động phòng, chống dịch
Xác định nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh trong thời gian từ nay đến Tết Nguyên đán. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Chỉ thị “Về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm”; UBND tỉnh ban hành công văn “Về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh”; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố nhanh chóng triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 2,6 triệu con gia cầm. Ngay từ những tháng cuối năm 2014, Chi cục Thú y đã thực hiện vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi phòng dịch bệnh gia súc, gia cầm đợt 2 tại 127 xã, phường có hoạt động chăn nuôi, giết mổ, buôn bán gia súc, gia cầm. Số lượng hóa chất sử dụng trong đợt này lên đến 6.350 lít. Hiện nay, Chi cục tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn người chăn nuôi tiêm phòng vắc xin cho đàn gia cầm mới ấp nở, tái đàn; tiêm phòng bổ sung trong tháng 1, 2-2015. Chi cục cũng chuẩn bị vật tư hóa chất, 100.000 liều vắc xin cúm gia cầm, 1.200 lít hóa chất… để chủ động ứng phó nếu có dịch xảy ra trong thời gian tới.
Ngoài ra, Chi cục còn phối hợp với đoàn kiểm tra liên ngành kiểm soát chặt chẽ việc lưu thông, vận chuyển gia súc, gia cầm; phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc vận chuyển gia súc, gia cầm không đúng quy định. Lãnh đạo Trạm Thú y huyện Diên Khánh cho biết, những năm qua, dịch bệnh thường xuyên xảy ra vào dịp trước, trong và sau Tết. Vì vậy, Trạm luôn tăng cường công tác giám sát, phát hiện dịch nhanh trong vòng 12 giờ, nếu có biểu hiện nghi ngờ đều lấy mẫu gửi về Chi cục để xét nghiệm. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền các quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật đến người chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển, giết mổ… cũng luôn được chú trọng.
Nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người dân trong dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi sẽ tăng cao. Vì vậy, ngành Thú y đang nỗ lực hạn chế tình hình dịch bệnh, góp phần đảm bảo nguồn thực phẩm sạch cho người dân.
MAI HOÀNG