08:12, 19/12/2014

Xã Đại Lãnh: Mong được xây kè chắn sóng

Hàng năm, vào mùa mưa bão, hàng trăm hộ dân ở xã Đại Lãnh lại phải sống trong cảnh lo sợ vì sóng biển có thể cuốn trôi nhà bất cứ lúc nào. Vì thế, người dân nơi đây mong muốn địa phương sớm đầu tư xây dựng bờ kè chắn sóng.

Hàng năm, vào mùa mưa bão, hàng trăm hộ dân ở xã Đại Lãnh lại phải sống trong cảnh lo sợ vì sóng biển có thể cuốn trôi nhà bất cứ lúc nào. Vì thế, người dân nơi đây mong muốn địa phương sớm đầu tư xây dựng bờ kè chắn sóng.

 

Hàng trăm hộ dân xã Đại Lãnh đang  mong chờ một bờ kè chắn sóng.
Hàng trăm hộ dân xã Đại Lãnh đang mong chờ một bờ kè chắn sóng.


Nhà cửa bị hư hại


Cơn bão số 4 (tháng 11-2014) đổ bộ vào 2 tỉnh Phú Yên và Bình Định, tuy nhiên, xã Đại Lãnh (giáp ranh với tỉnh Phú Yên) ít nhiều cũng bị ảnh hưởng. Đứng trên đèo Cổ Mã nhìn xuống xã Đại Lãnh, chúng tôi thấy những con sóng cao hơn 3m cuồn cuộn nối đuôi nhau chồm sát vào những ngôi nhà dân ven biển. Ông Nguyễn Văn Hùng (thôn Đông Bắc) cho biết: “Do phía trước biển Đại Lãnh không có núi che chắn nên vào mùa mưa bão, sóng biển ở đây rất lớn, uy hiếp cuộc sống của hàng trăm hộ dân. Tôi sống ở đây gần 20 năm. Trước đây, từ nhà tôi ra đến mép nước biển dài hơn 50m, nhưng nay chỉ còn khoảng 20m...”.  


Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết những nhà dân ở đây ít nhiều đều bị nứt tường. Có nhà phần móng bị sóng biển cuốn hết đất đá tạo thành hầm, hố. Bà Nguyễn Thị Tươi (53 tuổi, thôn Đông Nam, xã Đại Lãnh) chia sẻ: “Tích cóp mãi, gia đình tôi mới xây được căn nhà cấp 4. Nào ngờ năm 2013, sóng biển ập vào cuốn mất phần đất chân móng nhà làm cho toàn bộ vách tường bị nứt toác. Để đối phó tạm thời với sóng biển, gia đình tôi đã mua đá chẻ, xi măng về gia cố phần móng nhà. Mùa mưa bão năm nay, chúng tôi đang rất lo không biết căn nhà có thể tồn tại?”.


Bà Mai Thị Bích (thôn Đông Nam) cũng cho biết: “Trung bình mỗi năm, chúng tôi phải bỏ nhà đi lánh mưa, bão, sóng biển từ 2 đến 3 đợt. Sau những đợt lánh nạn trở về, nhà cửa bị tiêu điều. Chúng tôi rất mong các cấp, ngành, địa phương quan tâm đầu tư xây dựng một bờ kè chắn sóng để không còn cảnh sống trong phập phồng, lo lắng”.


Chờ nguồn vốn


Ông Trần Đình Thú, Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh cho biết, phần lớn người dân ở đây làm nghề biển nên thường xây nhà gần biển để thuận tiện cho việc đánh bắt. Trước tình hình biến đổi khí hậu và nước biển dâng, việc đối phó với mưa bão ngày càng phức tạp. Chính vì không có kè chắn sóng kiên cố nên hàng năm, vào mùa mưa bão, xã đều phải di dời hơn 300 hộ dân về nơi an toàn. Xã đã kiến nghị nhiều năm với huyện, tỉnh về việc đầu tư xây kè chắn sóng, nhưng đến nay chưa thấy triển khai.


Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 2009, trong chuyến làm việc tại xã Đại Lãnh về công tác phòng, chống lụt bão, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã chỉ đạo Trung ương, tỉnh phải xây kè chắn sóng cho khu vực Đại Lãnh. Thực hiện chỉ đạo này, UBND tỉnh đã tiến hành lập dự án xây dựng kè chắn sóng Đại Lãnh, đồng thời giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư. Công trình dự kiến có chiều dài khoảng 1,5km, tổng mức đầu tư hơn 60 tỷ đồng. Tuy nhiên, do nguồn vốn Trung ương chưa cấp, vốn địa phương thì không đủ nên đến nay, việc xây dựng kè vẫn chưa được triển khai.


Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đây là dự án thuộc chương trình đê biển nên kinh phí rất eo hẹp. Bình quân mỗi năm, chương trình chỉ cấp khoảng 10 tỷ đồng, trong khi nhiều công trình kè, đê biển trên địa bàn tỉnh vẫn còn chờ nguồn vốn.


PHÚ VINH