08:12, 31/12/2014

Từng bước kiểm soát cân bằng giới tính khi sinh

Tăng cường công tác truyền thông; lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình  đến các vùng đông dân cư; phối hợp tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về giới tính... là những biện pháp giúp huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) từng bước giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh.

Tăng cường công tác truyền thông; lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) đến các vùng đông dân cư; phối hợp tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về giới tính... là những biện pháp giúp huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa) từng bước giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh.

 

Một hoạt động truyền thông về kế hoạch hóa gia đình của Vạn Ninh.
Một hoạt động truyền thông về kế hoạch hóa gia đình của Vạn Ninh.


Theo chân chị Đỗ Thị Ngọc Thảo, cán bộ chuyên trách dân số (DS) xã Vạn Lương, chúng tôi đến thăm gia đình chị Lê Thị Kiều (38 tuổi, ở thôn Quảng Phước, xã Vạn Lương). Chị Kiều cho biết: “Vợ chồng tôi cưới nhau đã hơn 9 năm và có 2 con gái. Nhiều người thân gợi ý chúng tôi nên sinh thêm để có con trai, sau này phụng dưỡng khi về già. Nhưng khi được các chị ở xã tuyên truyền về công tác DS, vợ chồng tôi quyết định không sinh thêm để nuôi dạy con khỏe mạnh và học hành đầy đủ hơn”.


Chị Ngọc Thảo cho biết, từ năm 2010 đến 2012, xã Vạn Lương có tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh rất cao, với 139% (139 bé nam/100 bé nữ). Thực hiện đề án giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh, thông qua các ban ngành, đoàn thể, cộng tác viên DS xã đã lồng ghép tuyên truyền công tác DS-KHHGĐ vào các buổi họp dân giúp họ hiểu được chính sách về công tác DS. Xã lấy gương điển hình những gia đình sinh con 1 bề kinh tế phát triển và hạnh phúc để tuyên truyền cho người dân,  nhờ đó tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh toàn xã đến nay giảm xuống còn 106 nam/100 nữ.


Theo ông Huỳnh Tình - Giám đốc Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Vạn Ninh, những năm trước, huyện Vạn Ninh có tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh khá cao, với 120 nam/100 nữ. Trong đó, các xã có tỷ lệ chênh lệch giới tính cao tập trung tại vùng nông thôn, ven biển như: Xuân Sơn 147%, Vạn Long 140,7%, Vạn Lương 139%... Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do nhận thức của người dân còn hạn chế, một số gia đình muốn có con trai để nối dõi; nhiều gia đình chọn năm đẹp để sinh con. Để giảm tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh, những năm qua, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện đã tổ chức 8 đợt truyền thông trực tiếp và gián tiếp, cấp phát 8.300 tờ rơi, thành lập 16 câu lạc bộ không sinh con thứ 3. Các hoạt động trên được tổ chức định kỳ mỗi tháng một lần, tập trung vào nội dung     mất cân bằng giới tính khi sinh.


Cùng với việc tăng cường công tác truyền thông, Trung tâm còn lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, KHHGĐ đến các vùng đông dân cư; phối hợp với Hội Phụ nữ tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về giới tính cho các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ... Đến nay, Vạn Ninh đã từng bước đưa tỷ lệ giới tính khi sinh dần về mức cân bằng, với 106 nam/100 nữ, góp phần nâng cao chất lượng DS. Tuy nhiên, theo ông Tình, mức giảm này vẫn chưa ổn định, qua thống kê ở một số địa phương, tỷ lệ giới tính nam/nữ khi sinh cao hơn so với cùng kỳ năm trước. Đơn cử như xã Vạn Phước 112 nam/100 nữ, xã Vạn Thạnh 127 nam/100 nữ. “Qua tuyên truyền, hầu hết người dân đều hiểu rõ những hệ lụy của việc mất cân bằng giới tính, song để hoàn toàn thay đổi quan niệm phải có con trai để nối dõi của một bộ phận người dân là không dễ dàng. Trong khi đó, việc kiểm soát can thiệp lựa chọn giới tính khi sinh gặp rất nhiều khó khăn, các chế tài xử lý tình trạng sinh con thứ 3 chưa thật sự phát huy tác dụng” - ông Tình cho biết.


Thời gian tới, Trung tâm DS-KHHGĐ huyện Vạn Ninh tiếp tục đẩy mạnh đề án can thiệp giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh tại cộng đồng, đặc biệt là công tác truyền thông, nhằm thay đổi nhận thức, hành vi của người dân, nhất là các cặp vợ chồng trẻ. Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Y tế huyện tổ chức kiểm tra các cơ sở siêu âm, xét nghiệm, yêu cầu các cơ sở này cam kết không thực hiện công bố giới tính khi siêu âm nhằm từng bước ổn định và nâng cao chất lượng DS.


VĂN DƯ