Luật đã quy định rõ các đơn vị, doanh nghiệp đều phải nộp kinh phí công đoàn. Thế nhưng, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có rất nhiều doanh nghiệp không trích nộp kinh phí công đoàn.
Luật đã quy định rõ các đơn vị, doanh nghiệp (DN) đều phải nộp kinh phí công đoàn (CĐ). Thế nhưng, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có rất nhiều DN không trích nộp kinh phí CĐ.
Các doanh nghiệp cần thực hiện trích nộp kinh phí công đoàn để chăm lo tốt hơn cho người lao động. |
Doanh nghiệp né tránh
Thống kê của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh cho thấy, sau hơn 1 năm triển khai Nghị định 191 của Chính phủ về thu kinh phí CĐ ở những DN chưa có tổ chức CĐ, việc thu kinh phí này gặp rất nhiều khó khăn do DN né tránh trách nhiệm. Toàn tỉnh mới chỉ có huyện Cam Lâm thu được kinh phí CĐ ở một vài DN chưa có tổ chức CĐ. Tuy nhiên, tỷ lệ kinh phí thu được so với thực tế DN hoạt động rất thấp.
Hiện nay, TP. Nha Trang có hơn 1.290 DN chưa có tổ chức CĐ cơ sở. Trong đó, một số DN có đông lao động như: Công ty TNHH Hồ Tiên (210 lao động), Công ty TNHH Dinh Dưỡng (110 lao động), Công ty Cổ phần Hải Vân Nam (228 lao động)... Đến nay, các DN này vẫn chưa thành lập tổ chức CĐ và không thực hiện đóng kinh phí CĐ theo quy định. LĐLĐ TP. Nha Trang đã nhiều lần làm việc, nhưng các DN này đều tìm mọi cách lảng tránh. Ở Khu công nghiệp Suối Dầu (huyện Cam Lâm), Công ty TNHH Steinvik Việt Nam (100% vốn đầu tư nước ngoài) có khoảng 200 lao động làm việc. Tuy hoạt động đã nhiều năm, tình hình sản xuất kinh doanh phát triển tốt nhưng đến nay, Công ty vẫn chưa thành lập tổ chức CĐ và cũng không trích nộp kinh phí CĐ. Khi các ngành chức năng đến làm việc, vận động thành lập tổ chức CĐ và nộp kinh phí CĐ thì chủ DN đưa ra nhiều lý do chỉ để hứa hẹn.
Ông Nguyễn Hòa - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết, việc DN né tránh thành lập CĐ cơ sở và không trích nộp kinh phí CĐ đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi chính đáng của người lao động (NLĐ). Mọi tâm tư, nguyện vọng chính đáng, thiết thực về chế độ tiền lương, thưởng, sức khỏe, điều kiện làm việc... của NLĐ không được đảm bảo. Bên cạnh đó, NLĐ ít được tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức về các chủ trương của Đảng, pháp luật Nhà nước; không được tham gia các hoạt động phong trào thi đua, văn hóa, văn nghệ, vui chơi, giải trí do CĐ tổ chức. Đặc biệt, NLĐ sẽ không tiếp cận được sự hỗ trợ từ các nguồn quỹ đóng góp do CĐ vận động như: Mái ấm CĐ, đoàn kết tương trợ, thăm hỏi, tặng quà khi công nhân bị ốm đau, hoạn nạn, hiếu, hỷ...
Cần giải pháp khả thi
Tuy pháp luật đã có các quy định về việc DN phải trích nộp kinh phí CĐ, nhưng lại không có chế tài với hành vi không trích nộp, nên hầu hết các chủ DN đều né tránh nghĩa vụ của mình. “Việc thu kinh phí CĐ cũng là để chăm lo cho đoàn viên, NLĐ. Do pháp luật không có chế tài nên không tạo ra áp lực buộc các chủ DN phải thực hiện nghĩa vụ với NLĐ, tổ chức CĐ. Cuối cùng, chỉ có NLĐ là thiệt thòi. Nếu có chế tài thì chắc chắn việc thu kinh phí CĐ sẽ thuận lợi hơn”, bà Nguyễn Thị Hằng - Trưởng Ban Tài chính LĐLĐ tỉnh cho biết.
Ông Trần Quang Bình - Phó Giám đốc Sở Tư pháp: Nghị định 191 của Chính phủ đã quy định rất rõ ràng về trách nhiệm của DN dù có hay chưa có tổ chức CĐ đều phải trích nộp kinh phí CĐ. Do đó, ngành Tài chính và CĐ tỉnh cần tham mưu cho các cấp, ngành ban hành văn bản hướng dẫn DN thực hiện; thường xuyên kiểm tra, đánh giá và kịp thời có kiến nghị để giải quyết. Bên cạnh đó, có biện pháp xử lý nghiêm những đơn vị không thực hiện quy định này. |
Theo bà Nguyễn Thị Biên - Chủ tịch CĐ các khu công nghiệp - khu kinh tế tỉnh, các cấp, ngành, đoàn thể và địa phương phải đưa ra những giải pháp khả thi để yêu cầu chủ đơn vị, DN thành lập và tạo điều kiện cho tổ chức CĐ hoạt động. Các cấp CĐ trong tỉnh phải xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước để phối hợp tốt trong việc điều tra, khảo sát về số lượng NLĐ, số lượng DN. Bên cạnh đó, phải xây dựng được quy chế phối hợp nhằm phát huy trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước cùng góp sức trong công tác thu kinh phí CĐ. Đồng thời, Nhà nước cần có chế tài đủ mạnh để xử lý các DN cố tình không nộp kinh phí CĐ.
Được biết, LĐLĐ tỉnh đã kiến nghị với UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, DN thực hiện nghiêm những quy định trong việc thu kinh phí CĐ. Ngày 10-4-2014, UBND tỉnh đã có công văn yêu cầu các cơ quan, đơn vị, DN thực hiện việc trích nộp 2% kinh phí CĐ theo quy định tại Nghị định 191 của Chính phủ. LĐLĐ tỉnh cũng đã ký kết với Cục Thuế tỉnh trong việc phối hợp thu kinh phí CĐ. “Với những giải pháp này, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tích cực thực hiện có hiệu quả việc thu nộp kinh phí CĐ”, ông Nguyễn Hòa cho biết.
V.G