08:12, 19/12/2014

Phản hồi việc xử lý rất ít

Sau 4 năm thực hiện Thông tư 38/2010, lực lượng Cảnh sát giao thông trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã gửi hàng ngàn thông báo về các đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, số phản hồi về việc xử lý, kiểm điểm người vi phạm quá ít, với tỷ lệ 0,79%.

Sau 4 năm thực hiện Thông tư 38/2010, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đã gửi hàng ngàn thông báo về các đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, số phản hồi về việc xử lý, kiểm điểm người vi phạm quá ít, với tỷ lệ 0,79%.

 

Thông báo được gửi nhiều nhưng quá ít phản hồi về việc xử lý, kiểm điểm.
Thông báo được gửi nhiều nhưng quá ít phản hồi về việc xử lý, kiểm điểm.


Thông báo nhiều, phản hồi ít


Thời gian qua, tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến khá phức tạp. Tại một số nút giao thông trên địa bàn TP. Nha Trang, nhất là các khu vực ngã ba, ngã tư đường Nguyễn Thị Định - Hoàng Diệu; Nguyễn Thị Minh Khai - Nguyễn Thiện Thuật; đường 23-10, 2-4, Lê Hồng Phong... không khó bắt gặp hình ảnh người tham gia giao thông vượt đèn đỏ, lấn làn đường...


Năm 2014, riêng Đội CSGT Công an TP. Nha Trang đã phát hiện và lập biên bản 11.750 trường hợp vi phạm TTATGT với số tiền phạt hơn 6 tỷ đồng. Trong số này, có không ít trường hợp điều khiển phương tiện vi phạm các lỗi bị tước giấy phép lái xe (GPLX), tạm giữ phương tiện, gây tai nạn... Đội đã gửi 1.479 thông báo người điều khiển phương tiện vi phạm TTATGT về các đơn vị, địa phương nhưng chỉ nhận được 208 phản hồi xử lý.


Theo Trung tá Nguyễn Trọng Thắng - Đội trưởng Đội CSGT Công an TP. Nha Trang, Đội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt những nội dung có trong Thông tư 38 quy định việc thông báo người có hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT tới các xã, phường trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, nhiều đơn vị, địa phương nơi người vi phạm làm việc, cư trú vẫn thờ ơ, không làm các thủ tục phản hồi theo quy định. “Chỉ có trường học là nhiệt tình phối hợp xử lý, còn lại gần như bặt vô âm tín” - Trung tá Nguyễn Trọng Thắng nói. Tại Đội CSGT Công an thị xã Ninh Hòa, con số này cũng không khá hơn. Năm 2014, Đội đã gửi 284 thông báo nhưng chỉ nhận được 2 phản hồi.


Thống kê của Phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh cho thấy, trung bình mỗi năm đơn vị gửi khoảng 1.500 thông báo vi phạm TTATGT của người tham gia giao thông về các địa phương; trong đó có những trường hợp người vi phạm đến từ các địa phương khác. Riêng năm 2014, Phòng đã gửi gần 1.400 thông báo nhưng chỉ có 11 trường hợp phản hồi về việc xử lý, kiểm điểm vi phạm tại địa phương, cơ quan, đoàn thể, chiếm 0,79%. Con số quá ít ỏi này đã phản ánh phần nào hiệu quả của Thông tư 38 - vốn được kỳ vọng tạo sự đột phá trong chuyển biến hành vi của người vi phạm TTATGT.


Thượng tá Phan Văn Cường - Phó Trưởng phòng CSGT đường bộ, đường sắt Công an tỉnh cho biết, ngay khi Thông tư 38 có hiệu lực, Phòng đã quán triệt nghiêm túc việc thực hiện gửi thông báo người có hành vi vi phạm TTATGT với các lỗi: Người vi phạm TTATGT bị tước GPLX; không có GPLX; cản trở việc kiểm tra, kiểm soát; không cung cấp những tài liệu vật chứng liên quan đến tai nạn... về các địa phương, đơn vị. Tuy nhiên, những nơi này dường như không mấy quan tâm đến quy định này.


Cần làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, chính quyền địa phương


Trung tá Hồ Thanh Thủy - Đội trưởng Đội CSGT Công an thị xã Ninh Hòa cho rằng, thời gian qua, việc triển khai Thông tư 38 không mang lại hiệu quả như mong muốn. Trong khi đó, việc gửi thông báo mất khá nhiều thời gian, tốn công sức từ khâu khai thác tên, tuổi, địa chỉ người vi phạm, đến việc ra thông báo gửi đi nhưng thu được kết quả phản hồi quá ít. Ngoài ra, Thông tư cũng không quy định cụ thể thời gian phải hồi âm.


Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình triển khai, Thượng tá Phan Văn Cường cho biết, khó khăn lớn nhất của lực lượng CSGT là việc xác định địa chỉ của người vi phạm để gửi thông báo. Rất nhiều trường hợp người vi phạm đăng ký hộ khẩu thường trú một nơi nhưng lại làm ăn sinh sống ở nơi khác. Họ thường xuyên không có mặt tại địa phương hoặc đã thay đổi địa chỉ nhưng trong GPLX, đăng ký xe vẫn ghi theo địa chỉ cũ. Mặt khác, GPLX chỉ ghi địa chỉ xã mà không ghi tổ, thôn, xóm nên không tìm được người nhận. Cũng có nhiều trường hợp người vi phạm cố tình khai sai địa chỉ...


Thiết nghĩ, để Thông tư 38 triển khai đạt hiệu quả, khắc phục tình trạng “thông báo nhiều, phản hồi ít” như hiện nay, các cơ quan chức năng cần xem xét, làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, chính quyền sở tại cũng như nơi nhận thông báo. Theo đó, nếu để xảy ra chậm trễ hoặc không gửi thông báo phản hồi theo quy định, các đơn vị này phải nhận hình thức xử lý phù hợp. Bên cạnh đó, công tác giám sát, kiểm tra lẫn nhau của các đơn vị có liên quan cũng cần được nâng cao.


K.H


 



Thông tư 38/2010 của Bộ Công an quy định, việc thông báo người có hành vi vi phạm hành chính về TTATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa (gọi chung là thông báo vi phạm) đến nơi người đó cư trú, công tác, học tập hoặc thông báo đến cơ quan thông tin đại chúng; trách nhiệm của người có thẩm quyền thông báo vi phạm, người nhận thông báo vi phạm và tổ chức, cá nhân liên quan.


Theo đó, Công an xã, phường, thị trấn khi nhận được thông báo vi phạm có trách nhiệm vào sổ theo dõi và chuyển thông báo vi phạm đó đến tổ trưởng tổ dân phố, trưởng thôn nơi cư trú của người vi phạm hoặc đến cơ quan, trường học nếu người vi phạm là cán bộ, công chức, viên chức, học sinh, sinh viên để kiểm điểm, giáo dục; nơi nhận thông báo có trách nhiệm báo lại cho cơ quan đã ra thông báo vi phạm theo phiếu báo; trường hợp người vi phạm không có địa chỉ cư trú, công tác, học tập như ghi trong thông báo vi phạm thì chuyển trả lại thông báo vi phạm đó cho nơi đã thông báo vi phạm.