Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh ngày càng có nhiều gương nông dân dám nghĩ dám làm, đạt được danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi. Vừa qua, 118 nông dân được Hội Nông dân tỉnh tặng Giấy chứng nhận Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu toàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2014.
Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa ngày càng có nhiều gương nông dân dám nghĩ dám làm, đạt được danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi (SXKDG). Vừa qua, 118 nông dân được Hội Nông dân (HND) tỉnh tặng Giấy chứng nhận Nông dân SXKDG tiêu biểu toàn tỉnh giai đoạn 2011 - 2014.
Các gương nông dân tiêu biểu trao đổi kinh nghiệm tại Hội nghị biểu dương nông dân sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2011 - 2014. |
Nông dân trẻ sáng tạo
Ở xã Khánh Thành (huyện Khánh Vĩnh), nhắc đến anh Cao Nhâm, nhiều người hết lời khen ngợi về sự chịu khó làm ăn của chàng thanh niên 29 tuổi. Giống như nhiều thanh niên người dân tộc thiểu số trong xã, anh nghỉ học và lập gia đình rất sớm. Không có nghề nghiệp, vợ chồng anh thường đi làm thuê kiếm sống qua ngày. Năm 2009, anh được HND xã tạo điều kiện cho vay 10 triệu đồng để mua đất trồng keo và chăn nuôi bò. Đến nay, vợ chồng anh không chỉ trả hết nợ mà còn mua được 8ha đất đồi trồng keo và cây ăn quả, nuôi 8 con bò, mở cửa hàng tạp hóa. Mỗi năm, anh thu được hơn 100 triệu đồng. Từ năm 2011 đến nay, anh luôn đạt danh hiệu nông dân SXKDG cấp huyện.
Anh Cao Văn Sang (36 tuổi, xã Sơn Bình, huyện Khánh Sơn) nhiều năm liền đạt danh hiệu nông dân SXKDG cấp Trung ương và nông dân tiêu biểu của tỉnh. Anh hiện là chủ trang trại sầu riêng với hơn 10ha. Nhờ mạnh dạn và sáng tạo trong làm kinh tế, mỗi năm, trang trại của anh đem lại thu nhập khoảng 2,1 tỷ đồng. Bên cạnh trồng sầu riêng, anh Sang phát triển thêm các loại cây ăn quả như: chuối, quýt, cam, chanh, măng cụt... để lấy ngắn nuôi dài. Anh Sang cho biết: “Để có nước tưới cho trang trại rộng lớn, tôi đã kéo nước từ thượng nguồn về và đầu tư thêm công nghệ tưới nhỏ giọt tới từng gốc cây. Hệ thống nước tự chảy và công nghệ tưới tiết kiệm đã giúp tôi giảm được chi phí sản xuất rất lớn”.
Phong trào nông dân thi đua SXKDG của HND tỉnh còn ghi nhận nhiều tấm gương nông dân trẻ, chịu khó làm kinh tế để nâng cao thu nhập như: Cao Hồ Vân (27 tuổi, huyện Khánh Sơn) trồng cà phê và chăn nuôi bò, gà với thu nhập hơn 120 triệu đồng/năm; Phan Văn Quý (36 tuổi, TP. Cam Ranh) làm nghề nuôi tôm hùm và đánh bắt thủy sản với lợi nhuận khoảng 300 triệu đồng/năm; Trần Thanh Thái (37 tuổi, TP. Nha Trang) làm nghề trồng rau an toàn với thu nhập 150 triệu đồng/năm... Đây là những nhân tố góp phần đưa phong trào nông dân thi đua SXKDG ngày càng có chất lượng hơn.
Sát cánh cùng nông dân
Năm 2011, có 140 hộ đạt danh hiệu nông dân SXKDG cấp Trung ương, 1.576 hộ nông dân SXKDG cấp tỉnh; năm 2013, cấp Trung ương 160 hộ, cấp tỉnh 2.168 hộ. Năm 2014, toàn tỉnh có 72.756 hộ đăng ký phấn đấu. Dự kiến, số hộ đạt danh hiệu nông dân SXKDG các cấp sẽ cao hơn năm trước. Những hộ nông dân SXKDG có thu nhập thấp nhất sau khi trừ chi phí đạt hơn 24 triệu đồng/năm/hộ, thu nhập cao nhất hơn 1 tỷ đồng/năm/hộ. |
Ông Nguyễn Lạc - Chủ tịch HND tỉnh cho biết: “Để hỗ trợ phong trào phát triển, những năm qua, HND các cấp đã làm tốt vai trò tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ nông dân; hướng dẫn nông dân liên kết sản xuất; thông qua việc thành lập các tổ liên kết sản xuất kinh doanh, định hướng cho nông dân cách làm ăn mới, kinh doanh cho thu nhập cao. Hiện nay, toàn tỉnh có 130 tổ liên kết đang hoạt động...”. Thông qua chương trình phối hợp với các ngân hàng, công tác hỗ trợ vốn vay cho nông dân được chú trọng. Đến nay, HND các cấp nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội với số tiền hơn 636 tỷ đồng cho 39.786 hộ vay; tín chấp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh hơn 279,8 tỷ đồng cho 9.794 hộ vay. Nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân được tăng cường, tập trung đầu tư cho các mô hình sản xuất theo nhóm hộ và tổ liên kết sản xuất kinh doanh. Tổng nguồn vốn hiện có của quỹ hơn 29 tỷ đồng, đã cho 120 dự án với hơn 1.500 hộ được vay vốn (từ 100 đến 500 triệu đồng/dự án)...
Ngoài ra, các cấp HND còn chủ động phối hợp với các ban, ngành, doanh nghiệp tổ chức dạy nghề, hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới cho nông dân. Các cấp HND đã tổ chức đối thoại, tọa đàm với lãnh đạo các ngành chức năng như: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Ngân hàng, các siêu thị... để nông dân trao đổi, đối thoại, nắm bắt chính sách và tìm đầu ra cho sản phẩm. HND tỉnh đã cùng một số gương nông dân SXKDG tham gia triển lãm nông nghiệp, nông thôn tại các tỉnh lân cận để giới thiệu nông sản, hàng hóa đặc trưng của Khánh Hòa như: sầu riêng, mía tím, nước mắm Nha Trang, lúa giống, rong sụn, muối... Qua các hoạt động trên, nông dân có thêm định hướng phát triển sản xuất, tiếp cận thị trường, tăng giá trị của hàng hóa nông sản.
MAI HOÀNG