09:12, 09/12/2014

Người dân hiến đất, mở đường

Triển khai Nghị quyết 17 ngày 31-12-2009 của Thành ủy Nha Trang về việc vận động nhân dân tự nguyện đóng góp để xây dựng các công trình hạ tầng giao thông trên địa bàn, đến nay đã có hàng trăm hộ dân tự nguyện hiến đất để làm đường.

Triển khai Nghị quyết 17 ngày 31-12-2009 của Thành ủy Nha Trang về việc vận động nhân dân tự nguyện đóng góp để xây dựng các công trình hạ tầng giao thông trên địa bàn, đến nay đã có hàng trăm hộ dân tự nguyện hiến đất để làm đường.

Đường nối cổng phụ Trường Đại học Thông tin liên lạc với đường Quảng Đức.
Đường nối cổng phụ Trường Đại học Thông tin liên lạc với đường Quảng Đức


Bà Nguyễn Thị Hà - Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Hòa đưa chúng tôi đến con đường nối từ cổng phụ Trường Đại học Thông tin liên lạc đến đường Quảng Đức. Con đường dài khoảng 400m, lộ giới 10m, được thành phố đầu tư xây dựng sau khi có hơn 50 hộ dân ở đây tự nguyện hiến hơn 2.000m2 đất. Ông Bùi Tiến Dẫn, người dân sống bên đường kể: “Đây vốn là con đường đất, nắng thì bụi, mưa thì ngập. Ngay khi có chủ trương vận động người dân hiến đất để làm đường, các hộ đều tự nguyện đồng loạt đập tường nhà, phá hàng rào theo chỉ giới. Ngày hoàn thành, cả xóm phấn khởi tổ chức liên hoan”. Đây là con đường tự quản, chẳng cần ai nhắc nhở, nhà nào cũng tự quét dọn, giữ cho con đường luôn sạch đẹp.


Phường Vĩnh Hòa còn 2 con đường đều đã hoàn thành cũng theo hình thức người dân tự nguyện đóng góp giá trị đất, đó là đường Phó Đức Chính và Lê Văn Huân. Theo thống kê của Phòng Quản lý đô thị TP. Nha Trang, cả 3 công trình nêu trên có tổng chiều dài hơn 1.500m, có 231 hộ dân bị ảnh hưởng với tổng diện tích giải tỏa hơn 3.240m2. Tổng kinh phí đầu tư gần 35,8 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Nhà nước hơn 13,8 tỷ đồng, phần đóng góp từ người dân gần 22 tỷ đồng. Hiện nay, trên địa bàn phường có đường Ba Làng (giai đoạn 1 - đoạn từ đường Điện Biên Phủ đến Khách sạn Mường Thanh) và đường Quảng Đức đang làm theo hình thức trên. Con đường Ba Làng đang thi công có chỉ giới 16m, các hộ dân đều đã bàn giao mặt bằng. Trong đó, có nhà phải phá bỏ cả dãy với nhiều ki ốt mặt tiền đang cho thuê như: gia đình ông Đỗ Văn Chiến, hộ ông Vũ Ngọc Đệ…


 Ông Nguyễn Văn Dung (tổ 9, phường Vĩnh Hòa) - một trong những hộ tự phá dỡ một phần nhà để làm đường - cho biết: “Đây vốn là con đường nhỏ, trải cấp phối nên người dân đều có nguyện vọng mở đường. Vì thế, khi Đảng ủy, UBND phường và chi bộ vận động, chúng tôi vui vẻ chấp hành. Nhà nhỏ đi một ít nhưng đường to, đẹp, thoáng đãng...”. Theo bà Nguyễn Thị Hà, trước đây, 3 con đường này là đường đất 6 - 7m, bây giờ đều đã trải nhựa, có vỉa hè, trồng cây xanh thoáng mát. Để có được kết quả đó, tùy từng trường hợp, Đảng ủy, UBND phường kết hợp với nhà trường, Hội đồng Giáo xứ Ba Làng, Mặt trận và các đoàn thể cùng trực tiếp vận động để đạt sự đồng thuận cao trong nhân dân.


Phường Vĩnh Thọ cũng là một trong những địa phương đang tích cực triển khai Nghị quyết 17 của Thành ủy. Từ năm 2012, UBND phường Vĩnh Thọ đã phối hợp với UBND phường Vĩnh Phước họp các hộ ở 2 bên đường Nguyễn Đình Chiểu (mỗi bên đường thuộc một phường quản lý). Thời điểm đó, các hộ dân ở phường Vĩnh Thọ phần lớn đồng thuận, nhưng các hộ dân ở phường Vĩnh Phước ít đồng thuận nên không làm được. Theo bà Phạm Thị Tuyết - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Thọ, đường Nguyễn Đình Chiểu nhỏ, nhiều ổ voi, ổ gà, không có vỉa hè, không còn hệ thống thoát nước nên cử tri bức xúc, đã nhiều lần kiến nghị tỉnh, thành phố đầu tư.

 

Kết quả triển khai Nghị quyết 17, các công trình đường đã hoàn thành như: Phó Đức Chính, Lê Văn Huân, đường từ cổng phụ Trường Đại học Thông tin liên lạc nối đường Quảng Đức (phường Vĩnh Hòa); Nguyễn Lộ Trạch, Lê Thanh Nghị, Phước Long nối dài (phường Vĩnh Nguyên); Châu Văn Liêm (phường Phước Long); Nguyễn Biểu B, Nguyễn Hiền (phường Vĩnh Hải). Các công trình đường đang thi công hoặc đã có quyết định đầu tư, đang vận động giải tỏa mặt bằng: Ba Làng giai đoạn 1, Quảng Đức (phường Vĩnh Hòa); Đoàn Trần Nghiệp nối dài (phường Vĩnh Phước); Nguyễn Đình Chiểu (phường Vĩnh Thọ); Nguyễn Biểu, Phan Phù Tiên (phường Vĩnh Hải).

Theo quy hoạch, con đường này có lộ giới 16m (lòng đường 10m, vỉa hè mỗi bên 3m). Sau khi xem xét, phía bên phường Vĩnh Thọ thuận lợi hơn nên thành phố đồng ý đầu tư giai đoạn 1 gồm: thi công lòng đường, hệ thống thu, thoát nước, hệ thống điện nằm hết phía phường Vĩnh Thọ; giai đoạn 2 chỉ còn phần vỉa hè thuộc phường Vĩnh Phước. Mặt đường phía bên phường Vĩnh Thọ có 26 trường hợp bị ảnh hưởng với diện tích giải tỏa gần 2.750m2 (có 2 trường hợp giải tỏa trắng, phải tái định cư). Để phục vụ mở đường, nhiều hộ đã hiến diện tích đất lớn như: gia đình bà Phạm Thị Nẫm 43m2, bà Hứa Thị Trưng hơn 43m2, bà Nguyễn Thị Hường gần 26m2... Chị Nguyễn Thị Hồng Linh (con gái bà Phạm Thị Nẫm) chia sẻ: “Người dân bức xúc việc làm đường từ lâu. Đường nhỏ, lúc tan trường thường bị kẹt xe; nước thải tràn lan ra mặt đường. Vì thế, chúng tôi ủng hộ chủ trương hiến đất để làm đường thông thoáng”. Hiện nay, con đường đang được thi công cuốn chiếu, dự kiến hoàn thành trong quý I/2015.


Ông Lê Quang Thắng - Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Nha Trang cho biết, một trong những mục tiêu mà Nghị quyết 17 của Thành ủy Nha Trang đề ra là tập trung vận động nhân dân tự nguyện đóng góp về giá trị đất, vật kiến trúc, cây trồng trên đất để hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Thành ủy đã đề ra giải pháp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giải thích chủ trương của thành phố trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Bên cạnh đó phổ biến, công khai thứ tự sắp xếp công trình vận động nhân dân tự nguyện đóng góp, ưu tiên sử dụng nguồn vốn ngân sách đầu tư các công trình hạ tầng giao thông được nhân dân tự nguyện giải tỏa và không yêu cầu Nhà nước bồi thường... Nghị quyết đã được triển khai hiệu quả, đi vào cuộc sống. Theo thống kê của Phòng Quản lý đô thị, từ năm 2012 đến tháng 7-2014, có 14 công trình đã hoàn thành hoặc đang xây dựng với tổng chiều dài 4.580m, 517 hộ bị ảnh hưởng với diện tích giải tỏa hơn 16.700m2.


N.D