Học viện Hải quân qua 60 năm xây dựng, phát triển đã đạt nhiều thành tích vẻ vang trong công tác đào tạo nguồn lực, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Học viện Hải quân (HVHQ) qua 60 năm xây dựng, phát triển đã đạt nhiều thành tích vẻ vang trong công tác đào tạo nguồn lực, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đó là kết quả của sự cống hiến, hy sinh của nhiều thế hệ cán bộ, học viên của HVHQ, trong đó có Đại tá, Tiến sĩ (TS) Phan Văn Vân, Phó Giám đốc Học viện, một người lính, người thầy đam mê nghiên cứu khoa học.
Đại tá, Tiến sĩ Phan Văn Vân - Phó Giám đốc Học viện Hải quân. |
Đại tá, TS Phan Văn Vân đến nay tròn 35 năm quân ngũ. Trên cương vị Phó Giám đốc HVHQ, ngoài công tác quản lý, tham gia giảng dạy, anh có những đóng góp rất quan trọng cho công tác nghiên cứu và triển khai ứng dụng khoa học công nghệ tại HVHQ và Quân chủng Hải quân. Hàng chục đầu sách và đề tài khoa học từ cấp Nhà nước, cấp bộ, cấp tổng cục, quân chủng và ngành; các sáng kiến; các dự án lớn đã được triển khai thành công tại HVHQ đã minh chứng cho sự miệt mài trong lao động, sáng tạo và những cống hiến của anh đối với việc xây dựng và phát triển tiềm lực khoa học công nghệ của Học viện. Các đề tài do anh làm chủ nhiệm đều được đánh giá cao về tính ứng dụng trong thực tiễn, hiệu quả trong các lĩnh vực kinh tế, quốc phòng, nghiên cứu, khai thác thăm dò đại dương. Có công trình lần đầu tiên được nghiên cứu, thiết kế, chế tạo tại Việt Nam. Là một chuyên gia về điều khiển tự động, các công trình của anh Vân mang đậm dấu ấn trên những lĩnh vực: hàng hải, công nghệ thông tin, điều khiển tự động, điều hành và chỉ huy tác chiến, huấn luyện và đào tạo...
Đại tá, TS Phan Văn Vân cho biết: Năm 2007, đề tài “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị robot ngầm phục vụ thăm dò, khảo sát các công trình trên biển” được triển khai, trên cơ sở hợp tác quốc tế theo nghị định thư với đối tác là Trường Đại học Quốc gia đóng tàu Makarov của Ucraina. Đây là một trong hai trung tâm thiết kế và đóng tàu chiến mạnh nhất của Liên Xô cũ. Đề tài nhằm mục đích phục vụ tốt cho nhiệm vụ quân sự - quốc phòng, rà phá thủy lôi, làm sạch các vùng nước sau chiến tranh và thực hiện các nhiệm vụ tác chiến như chuẩn bị chiến trường cho tác chiến đổ bộ và chống đổ bộ đường biển, bảo đảm an toàn cho các khu neo đậu... Những công việc trên được tiến hành khảo sát các vùng biển khác nhau. Cho đến nay, ở nước ta, những khâu này hầu hết vẫn được thực hiện bởi đội ngũ thợ lặn. Ở những khu vực có độ sâu lớn và điều kiện phức tạp, thợ lặn cũng không thể hoạt động được. Điều đó ảnh hưởng rất lớn tới khả năng và hiệu quả giải quyết nhiệm vụ. Do đó, việc nghiên cứu, chế tạo các thiết bị trợ giúp, thay thế từng bước cho hoạt động trực tiếp của con người là hết sức cần thiết và có giá trị khoa học và kinh tế cao. Thành công của đề tài trong việc nghiên cứu, ứng dụng thử nghiệm, mở ra hướng tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện nhắm tới việc chế tạo ra các sản phẩm thương mại phục vụ cho mục đích kinh tế và quốc phòng.
Những năm 2000, cùng với sự phát triển của ngành hàng hải nói chung và hàng hải quân sự nói riêng, việc nghiên cứu xây dựng các hệ thống tác nghiệp và tính toán hàng hải trên nền hải đồ số luôn là nhiệm vụ hàng đầu của các hãng chế tạo thiết bị hàng hải. Trên các tàu của Hải quân Việt Nam, sử dụng hệ thống định vị vệ tinh, việc xác định vị trí tàu đã được tự động hóa. Tuy nhiên, công việc tác nghiệp trên hải đồ vẫn phải tiến hành bằng tay, các thông tin phục vụ hàng hải dự tính vẫn chỉ được cung cấp rời rạc dưới dạng các đồng hồ tương tự. Do đó, quá trình tác nghiệp, ghi nhật ký, tính toán hàng hải vẫn là công việc thủ công được thực hiện trên hải đồ giấy và chiếm nhiều công sức của người điều khiển tàu. Điều đó đã làm cho ngành hàng hải quân sự Việt Nam tụt hậu so với các nước trong khu vực và thế giới. Nhận thức được tầm quan trọng và ý nghĩa chính trị của vấn đề, TS Phan Văn Vân đã đề xuất nghiên cứu và triển khai đề tài cấp Bộ Quốc phòng: “Nghiên cứu xây dựng một mẫu hệ thống tác nghiệp và tính toán hàng hải trên nền hải đồ số cho tàu hải quân”. Đề tài đã khắc phục được những điểm hạn chế trong hoạt động tác nghiệp truyền thống, thực hiện việc ghép nối hệ thống thiết bị dẫn tàu hiện có trên tàu Hải quân, số hóa tín hiệu để truyền về máy tính trung tâm. Tại đây sẽ thực hiện các phần mềm tính toán hiển thị hải đồ điện tử và kết hợp giải các bài toán chuyên ngành để thực hiện việc tác nghiệp lập kế hoạch đi biển, tác nghiệp hàng hải và tự động xác định, hiệu chỉnh vị trí tàu trên biển, ghi nhật ký hàng hải và thực hiện các tính toán vận động khác.
Trong 10 năm qua, TS Phan Văn Vân đã tạo được dấu ấn sâu đậm, đó là việc triển khai thành công việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và chỉ huy điều hành tại HVHQ. Đây là mô hình đầu tiên trong toàn quân, nó đã tạo bước đột phá và có tính ứng dụng hiệu quả cao không chỉ áp dụng trong quân đội, mà còn có thể áp dụng cho công tác quản lý, điều hành ngoài dân sự. Song song với hệ thống công nghệ thông tin, anh còn tiếp tục nghiên cứu, xây dựng hệ thống trung tâm huấn luyện chiến thuật hải quân. Đây cũng là một trong những hệ thống đã và đang phát huy hiệu quả tốt trong công tác huấn luyện đào tạo của HVHQ.
Để có được những thành công trên, anh Vân và những đồng nghiệp luôn trăn trở để tìm ra các giải pháp tối ưu. Những chuyến đi biển thử nghiệm kết quả nghiên cứu trong các điều kiện thời tiết khác nhau; hàng năm trời miệt mài biên vẽ hải đồ và những tấm hải đồ số của các anh đã trải khắp vùng biển Đông Nam Á. Những công trình của các anh, vẫn đang theo bước chân của những lớp học viên góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo...
Lê Nguyễn