06:12, 02/12/2014

"Mái nhà chung" của ngư dân

Thời gian qua, Liên đoàn Lao động tỉnh Khánh Hòa đã thành lập nhiều nghiệp đoàn nghề cá đánh bắt xa bờ với hàng trăm đoàn viên. Việc làm này nhằm giúp ngư dân đoàn kết, hỗ trợ nhau làm kinh tế…

Thời gian qua, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Khánh Hòa đã thành lập nhiều nghiệp đoàn nghề cá đánh bắt xa bờ với hàng trăm đoàn viên. Việc làm này nhằm giúp ngư dân đoàn kết, hỗ trợ nhau làm kinh tế…

 

Việc thành lập các nghiệp đoàn nghề cá giúp ngư dân đoàn kết, bám biển tốt hơn.
Việc thành lập các nghiệp đoàn nghề cá giúp ngư dân đoàn kết, bám biển tốt hơn.


Từ tháng 12-2013 đến nay, LĐLĐ tỉnh đã thành lập 4 nghiệp đoàn nghề cá ở 4 xã, phường trên địa bàn TP. Nha Trang, gồm: Vĩnh Phước, Xương Huân, Vĩnh Thọ và Phước Đồng với hơn 500 đoàn viên là các chủ tàu, ngư dân. Cầm chiếc thẻ đoàn viên trên tay, ngư dân Mai Thành Phúc, Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá xã Phước Đồng xúc động: “Lâu nay, ngư dân làm ăn còn đơn lẻ, manh mún và thường xuyên bị tàu nước ngoài chèn ép, rượt đuổi. Bên cạnh đó, hiểu biết pháp luật về biển của ngư dân còn hạn chế, tàu thuyền gặp không ít rủi ro, tai nạn lao động trên biển gia tăng... Do vậy, việc thành lập các nghiệp đoàn nghề cá sẽ là “mái nhà chung” để bà con tạo sức mạnh đoàn kết, liên kết cùng nhau đánh bắt và tương trợ mỗi khi gặp sự cố trên biển, góp phần phát triển kinh tế, bảo vệ chủ quyền biển đảo”.

 

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu khoa học kỹ thuật bảo hộ lao động (Tổng LĐLĐ Việt Nam), dọc các tỉnh duyên hải mỗi tuần có 6 - 8 vụ tàu cá gọi cấp cứu vì cháy nổ, sét đánh, tàu chìm, chết máy, tai nạn thân thể, rơi xuống biển... Viện cũng cho biết ngư dân thường mắc các bệnh về tai (tỷ lệ 54%), đau cột sống 17%, đường ruột 11%... Bên cạnh đó còn một số bệnh đặc trưng như: chân voi (do đi chân không), đột quỵ (do lặn)... Nguyên nhân dẫn đến tai nạn do trình độ học vấn của ngư dân còn thấp, sử dụng các thiết bị không đúng, xử lý tình huống tai nạn kém hiệu quả, phương tiện đánh cá xa bờ lạc hậu không đáp ứng đầy đủ yêu cầu bảo hộ lao động...

Với 112 đoàn viên ban đầu, đến nay, Nghiệp đoàn Nghề cá phường Vĩnh Phước - nghiệp đoàn nghề cá đầu tiên trong tỉnh - đã phát triển lên gần 200 đoàn viên. Hoạt động chủ yếu bằng nghề đánh bắt hải sản xa bờ, nghiệp đoàn là nơi tập hợp, đoàn kết ngư dân vươn khơi bám biển. Năm qua, Nghiệp đoàn Nghề cá phường Vĩnh Phước đã tương trợ lai dắt 1 tàu cá của đoàn viên gặp nạn vào bờ an toàn. Nhiều trường hợp khác gặp nạn ở vùng biển Trường Sa, DK1 đều được nghiệp đoàn kêu gọi các đơn vị chức năng hỗ trợ cứu giúp. Nghiệp đoàn còn là chỗ dựa tinh thần để chia sẻ, giúp đỡ các gia đình gặp khó khăn, hoạn nạn. Như trường hợp gia đình ông Hồ Năm (tổ 20, phường Vĩnh Phước) bị thương trên biển, không cấp cứu kịp nên tử vong. “Khi biết tin buồn, anh em ngư dân trong nghiệp đoàn đã đến thăm hỏi động viên gia đình, đồng thời kêu gọi các đơn vị khác hỗ trợ. Hai gia đình khác bị chìm tàu cũng được nghiệp đoàn kêu gọi giúp đỡ từ Quỹ Tấm lòng vàng Báo Người Lao Động với số tiền 50 triệu đồng. Những việc làm thiết thực của nghiệp đoàn đã động viên kịp thời giúp anh em đoàn viên ngư dân an tâm bám biển”, ông Lê Trọng Hải - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường Vĩnh Phước chia sẻ.


Ông Nguyễn Hòa, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết, hiện có nhiều ý kiến đề nghị thành lập Bộ Kinh tế biển. Điều này chứng tỏ tầm quan trọng của chiến lược phát triển kinh tế biển, ổn định đời sống ngư dân. Với thế mạnh trên 1.000 tàu đánh bắt xa bờ có công suất trên 90CV với 10.000 ngư dân, Khánh Hòa cần chú trọng hơn nữa đến việc vươn khơi bám biển. Do đó, thời gian tới chúng tôi tiếp tục thành lập nghiệp đoàn nghề cá ở các huyện Vạn Ninh, Cam Lâm, thị xã Ninh Hòa, TP. Cam Ranh và Nha Trang. Đồng thời, chỉ đạo Công đoàn huyện Trường Sa tích cực xây dựng hệ thống công đoàn, phát triển đoàn viên để công đoàn thực sự bảo vệ được quyền lợi người lao động ngay cả khi họ ra khơi bám biển ở Hoàng Sa, Trường Sa, DK1 hay bất cứ nơi đâu trên Biển Đông.


NHẬT THANH