12:12, 05/12/2014

Khánh Sơn: Nỗi lo an toàn giao thông trong mùa mưa bão

Hiện nay, tuy hệ thống giao thông trên địa bàn huyện Khánh Sơn đã được cải thiện đáng kể nhưng những tuyến đường liên thôn, đường vào khu sản xuất còn nhiều đoạn hư hỏng, chưa được khắc phục, sửa chữa. Điều này có thể gây ra tình trạng chia cắt cục bộ, đi lại khó khăn trong mùa mưa lũ…

Hiện nay, tuy hệ thống giao thông trên địa bàn huyện Khánh Sơn đã được cải thiện đáng kể nhưng những tuyến đường liên thôn, đường vào khu sản xuất còn nhiều đoạn hư hỏng, chưa được khắc phục, sửa chữa. Điều này có thể gây ra tình trạng chia cắt cục bộ, đi lại khó khăn trong mùa mưa lũ…

 

Hàng ngày, nhiều người dân vẫn đi qua đoạn đường Chi Chay có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào.
Hàng ngày, nhiều người dân vẫn đi qua đoạn đường Chi Chay có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào.


Đường hư hỏng, xuống cấp


Hàng năm, huyện Khánh Sơn đã đầu tư hàng chục tỷ đồng làm mới các tuyến đường liên thôn, liên xóm, đường vào khu sản xuất. Tuy nhiên, nguồn kinh phí để duy tu, sửa chữa các tuyến đường lại rất ít, chưa đến 10% tổng số vốn đầu tư cho giao thông. Trong khi đó, với điều kiện địa hình miền núi phức tạp, hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn rất dễ bị hư hỏng, xuống cấp.


Ông Huỳnh Đình Lộc, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cho biết, hàng năm, các xã, thị trấn cũng đã huy động người dân đóng góp ngày công và nguyên vật liệu để khắc phục tạm thời một số điểm giao thông bị sạt lở, hư hỏng, song mọi thứ đều bị nước cuốn trôi sau vài trận mưa. Vì không được sửa chữa, khắc phục kịp thời nên qua mùa mưa lũ, nhiều đoạn đường, cầu cống bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, thậm chí không thể lưu thông. Theo khảo sát, hiện nay, tại các xã Ba Cụm Bắc, Sơn Trung, Sơn Hiệp và thị trấn Tô Hạp có nhiều tuyến đường liên thôn, đường vào khu sản xuất, cầu, cống bị hư hỏng nặng.


Mặt khác, nhiều tuyến giao thông trên địa bàn huyện phải đi qua đồi núi, sông suối, thường bị sạt lở hoặc ngập úng sau mỗi đợt mưa lớn kéo dài. Và hệ lụy kéo theo là nhiều khu dân cư, khu vực sản xuất bị chia cắt cục bộ, hàng hóa nông sản ùn ứ, gây nhiều khó khăn cho đời sống người dân. Trên địa bàn thị trấn Tô Hạp, tuyến đường vào thôn Tà Lương có 2 điểm cầu tràn qua suối, từ đầu mùa mưa đến nay đã 2 lần bị ngập lụt, gây chia cắt cục bộ, người dân đi lại sản xuất, vận chuyển hàng hóa và học sinh đi học rất khó khăn, nguy hiểm.


Trong khi đó, thi công xong giai đoạn 1, đường vào khu sản xuất thôn Chi Chay (xã Sơn Trung) được đưa vào sử dụng tạm thời từ năm 2013. Nhưng do con đường đi qua khu vực địa hình phức tạp nên đến nay đã xuống cấp, sạt lở nghiêm trọng. Ông Cao Liêm (thôn Ma O) cho biết: “Hàng ngày, khi vào khu sản xuất thôn Chi Chay, gia đình tôi và nhiều người khác thường thấy đất đá, cây cối trên đồi lở xuống đường và đất ở bờ đường lở xuống suối. Chúng tôi phải đợi đến lúc thấy an toàn mới dám qua”. Theo ông Cao Văn Bường, Chủ tịch UBND xã Sơn Trung, vấn đề đường Chi Chay đã được cử tri kiến nghị nhiều lần tại các buổi tiếp xúc với đại biểu HĐND, hay lãnh đạo tỉnh và huyện xuống xã làm việc nhưng đến nay chưa được giải quyết. Chính quyền và nhân dân địa phương đều mong muốn tuyến đường này sớm được tiếp tục đầu tư hoàn thiện.  


Tập trung đầu tư các khu vực trọng điểm


Theo ông Huỳnh Đình Lộc, để khắc phục những đoạn đường, cầu, cống đang bị hư hỏng, xuống cấp, ít nhất phải có nguồn kinh phí 20 tỷ đồng. “Trong điều kiện hiện nay, Phòng Kinh tế - Hạ tầng đã tham mưu UBND huyện xin nguồn kinh phí hỗ trợ của tỉnh, tập trung sửa chữa một số khu vực trọng yếu trước. Nếu có kinh phí mới thực hiện các hạng mục khác trong năm 2015”, ông Lộc nói.


Riêng tuyến đường vào khu sản xuất thôn Chi Chay, nếu tiếp tục thi công hoàn thiện, kinh phí có thể lên đến 20 tỷ đồng. Ông Trần Mạnh Dũng, Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn cho biết: “Quan điểm của huyện cũng như của tỉnh là tập trung thi công những tuyến đường cần thiết trước mắt, với số vốn nằm trong khả năng đầu tư của địa phương. Tuyến đường Chi Chay cần nguồn vốn lớn, sẽ tiếp tục đầu tư vào những năm tiếp theo”.


ĐINH LUẬN