07:12, 03/12/2014

Giữ bình yên cho mỗi buôn làng

Để dần xóa bỏ các hủ tục, góp phần gìn giữ sự bình yên cho các buôn làng, lực lượng Công an ở huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa đã có sự phối hợp chặt chẽ với đội ngũ già làng, người có uy tín cùng tham gia bảo vệ an ninh trật tự.

Để dần xóa bỏ các hủ tục, góp phần gìn giữ sự bình yên cho các buôn làng, lực lượng Công an ở huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa đã có sự phối hợp chặt chẽ với đội ngũ già làng, người có uy tín cùng tham gia bảo vệ an ninh trật tự (ANTT).

 

Lực lượng Công an huyện gặp gỡ già làng để nắm bắt tình hình an ninh trật tự ở cơ sở.
Lực lượng Công an huyện gặp gỡ già làng để nắm bắt tình hình an ninh trật tự ở cơ sở.


Phát huy tiếng nói của già làng


Đến xã Sơn Lâm, chúng tôi nghe được nhiều câu chuyện oái oăm về những hủ tục vẫn tồn tại trong đời sống của đồng bào Raglai nơi đây.


Điển hình như câu chuyện phạt cưới của gia đình anh Mấu P. và chị Bo Bo N. ở thôn Cô Róa. Theo phong tục của người Raglai, khi lấy nhau, người con trai phải về ở nhà gái; mọi chi phí tổ chức lễ cưới do nhà gái chịu. Kết hôn chưa đầy 1 năm, do cuộc sống không còn hòa hợp, anh P. bỏ về nhà bố mẹ mình và đòi chia tay. Thấy vậy, gia đình chị N. đòi gia đình anh T. phải chịu phạt cưới bằng số tiền đã bỏ ra để tổ chức lễ cưới (khoảng 40 triệu đồng). Khi gia đình anh P. không đồng ý, gia đình chị N. đã ngang nhiên lấy xe máy của bố mẹ anh P. Từ đó, hai bên gia đình xảy ra tranh cãi căng thẳng... Để có thể giải quyết sự việc, ngoài vận động, thuyết phục, lực lượng Công an xã Sơn Lâm đã phải nhờ đến tiếng nói của già làng Mấu Bình phân tích cho mọi người thấy được đúng, sai của mỗi bên. Đồng thời, khuyên răn mọi người không vì sự thiếu hiểu biết, nóng tính mà dẫn đến chuyện vi phạm pháp luật. Từ chỗ mâu thuẫn căng thẳng, hai gia đình đã cùng ngồi lại, khuyên bảo con cái phải biết giữ gìn hạnh phúc gia đình...


Một câu chuyện khác đó là chuyện phạt ma ở thôn Ha Nít, người bị phạt chính là con rể của người đã mất. Một hôm, anh Cao Mà L. cùng bố vợ đi giăng lưới bắt cá. Chẳng may, bố vợ anh L. bị ngã phải vào nằm viện mấy tuần. Khoảng 1 năm sau, bố vợ anh L. qua đời, gia đình vợ cho rằng cái chết của ông này do anh L. gây ra và đòi phạt vạ gần 20 triệu đồng để làm lễ cúng. Biết chuyện, chính quyền địa phương, lực lượng Công an, Y tế đã đến giải thích, nói rõ nguyên nhân cái chết của ông bố vợ. Nhưng khi đại diện cơ quan chức năng ra về, sự việc bùng phát trở lại và có dấu hiệu nghiêm trọng hơn. Phải nhờ đến sự can thiệp của già làng Tro Nam Cao, mọi người trong gia đình vợ anh L. dần hiểu ra và không bắt phạt ma chàng rể nữa.


Đảm bảo an ninh trật tự cơ sở


Xác định rõ việc bảo đảm ANTT ở vùng miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống phải gắn với việc đi sâu, bám sát địa bàn cơ sở, năm 2014, lực lượng Công an huyện Khánh Sơn đã thành lập nhiều mô hình toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Các cán bộ, chiến sĩ Công an đã tranh thủ sự ủng hộ của già làng, trưởng bản, người có uy tín, cựu chiến binh... để xây dựng mô hình, tổ chức các hoạt động bảo vệ, gìn giữ sự bình yên trong mỗi buôn làng.


Ông Nguyễn Thanh Minh - Trưởng Công an xã Sơn Lâm chia sẻ: “Với một xã có hơn 70% đồng bào Raglai sinh sống như Sơn Lâm thì việc giải quyết các mâu thuẫn hàng ngày của người dân không chỉ căn cứ theo quy định pháp luật. Nhiều tình huống phải cần có tiếng nói của các già làng thì người dân mới nghe”. Nhờ hiểu rõ vai trò của các già làng nên năm qua, lực lượng Công an xã Sơn Lâm đã phối hợp với các già làng giải quyết 13 vụ mâu thuẫn, tranh chấp trong nhân dân (2 vụ dùng hủ tục lạc hậu, 11 vụ tranh chấp tài sản, đất đai). Phong trào “Gương sáng” ở xã Sơn Lâm đã xuất hiện nhiều già làng tích cực như: Tro Nam Cao, Cao Hồ Thân, Mấu Bình, Cao Ngọc Xá, Tro Đâng...

 

Thượng tá Nguyễn Bá Đoàn - Trưởng Công an huyện Khánh Sơn: Việc tranh thủ sự tham gia của các già làng, trưởng bản, người có uy tín cũng như xây dựng các mô hình bảo vệ an ninh từ cơ sở đã giúp các địa phương kịp thời giải quyết dứt điểm nhiều vụ, việc mâu thuẫn diễn ra trong đời sống nhân dân, những hủ tục lạc hậu. Qua đó, góp phần đảm bảo ANTT, hạn chế các hành vi tiêu cực của quần chúng nhân dân. 

Xã Ba Cụm Nam lại có mô hình “Điểm sáng Suối Me”, huy động các hội viên cựu chiến binh tham gia quản lý, giáo dục các đối tượng vi phạm pháp luật trên địa bàn xã. “Sau 7 tháng thực hiện mô hình, tình hình ANTT trên địa bàn xã đã được cải thiện. Các đối tượng cộm cán về vi phạm pháp luật luôn được nhắc nhở, giáo dục”, ông Tro Thanh Tiến - Trưởng Công an xã Ba Cụm Nam cho biết.


Các địa phương khác cũng đều có những mô hình hiệu quả như: ở xã Sơn Trung, lực lượng Công an phối hợp với Hội Cựu chiến binh xã thành lập mô hình “Khu dân cư không có tội phạm”. Ở xã Thành Sơn, lực lượng Công an phối hợp với Đoàn Thanh niên xã xây dựng mô hình “Thôn A Pa 2 bình yên”, vận động người dân chấp hành pháp luật. Xã Sơn Bình có mô hình “3 không”, phối hợp giữa lực lượng Công an với Hội Nông dân xã để đảm bảo ANTT...


Theo Trung tá Mấu Đấng - Đội trưởng Đội An ninh phong trào xã (Công an huyện Khánh Sơn), bên cạnh việc xây dựng các phong trào trên, năm 2014, Công an huyện đã tiến hành củng cố các tổ chức quần chúng tham gia bảo vệ ANTT gồm: 1 ban bảo vệ dân phố, 8 hội đồng ANTT, 31 tổ an ninh nhân dân, 32 tổ hòa giải. Với các giải pháp đảm bảo ANTT từ cơ sở, lực lượng Công an huyện Khánh Sơn đã góp phần làm hạn chế những hành vi vi phạm pháp luật trong nhân dân.


NHÂN TÂM