11:12, 08/12/2014

Thí điểm kết hợp từ xa với trực tiếp

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa phê duyệt Phương án thí điểm kết hợp phương thức từ xa và trực tiếp trong bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức cấp xã.

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa phê duyệt Phương án thí điểm kết hợp phương thức từ xa và trực tiếp trong bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức cấp xã. Phóng viên Báo Khánh Hòa phỏng vấn ông Nguyễn Trọng Thái - Phó Giám đốc Sở Nội vụ về vấn đề này.

 


- Phương án thí điểm sẽ được triển khai như thế nào, thưa ông?


- Tỉnh chọn Chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức xã theo Đề án 1956 (Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn) để thực hiện phương án thí điểm kết hợp phương thức từ xa và trực tiếp. Đối tượng tham gia thí điểm là 3 chức danh công chức cấp xã: Văn phòng - thống kê, địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường, tư pháp - hộ tịch; 2 chức danh cán bộ cấp xã là Bí thư Đảng ủy và Chủ tịch UBND của các xã trên địa bàn huyện Cam Lâm, với khoảng 70 học viên.


Nhằm hỗ trợ các trường hợp có nguyện vọng thi lấy Chứng chỉ A Tin học văn phòng cũng như tạo điều kiện ôn tập toàn diện kiến thức công nghệ thông tin, phương án thí điểm áp dụng đào tạo, bồi dưỡng toàn bộ 5 chuyên đề thuộc bộ giáo trình theo Đề án 1956 là: Tin học cơ bản; tin học văn phòng; đảm bảo an toàn, an ninh thông tin; mạng và khai thác thông tin trên mạng; phần mềm mã nguồn mở. Các chuyên đề này được giáo viên hướng dẫn và kiểm soát, quản lý việc học của học viên nhờ phần mềm của hệ thống bồi dưỡng từ xa. Giảng viên chỉ giảng dạy trực tiếp một số kiến thức cần thiết và tổ chức kiểm tra.


- Thưa ông, việc kết hợp phương thức từ xa và trực tiếp trong bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng công nghệ thông tin cho cán bộ, công chức cấp xã sẽ mang lại những lợi ích gì?


- Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 2.600 cán bộ, công chức cấp xã. Để đáp ứng yêu cầu công việc ngày càng phức tạp, đẩy mạnh cải cách hành chính, việc từng bước chuẩn hóa và không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực thực thi công vụ cho cán bộ, công chức cấp xã là nhu cầu tất yếu. Bên cạnh việc đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên hàng năm theo quy định của Luật Cán bộ - Công chức và các văn bản liên quan, hiện nay, tỉnh đang bồi dưỡng cán bộ, công chức xã theo Đề án 1956. Việc tổ chức bồi dưỡng thời gian qua thực hiện theo hình thức tập trung giảng dạy trực tiếp, bước đầu có những kết quả tích cực nhưng cũng có một số hạn chế. Mỗi chức danh công chức xã bố trí 1 hoặc 2 người nên thời gian học tập trung kéo dài khiến công tác ít nhiều bị gián đoạn, hồ sơ người dân bị ách tắc; việc sắp xếp, bố trí công việc ở xã gặp nhiều khó khăn; việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng theo phương thức tập trung, dài ngày tốn kém khá nhiều ngân sách Nhà nước. Cán bộ, công chức cấp xã khi học tập trung tại tỉnh dài ngày phải chi trả khá nhiều về chi phí (đi lại, ăn uống, thuê phòng...) nhưng mức hỗ trợ hiện tại có nhiều điểm chưa phù hợp thực tế.


Vì thế, thí điểm phương thức kết hợp giảng dạy từ xa và trực tiếp nhằm giúp người học có thể tự học, tự nghiên cứu trên cơ sở tài liệu được cung cấp và sự giảng dạy, hướng dẫn từ xa của giáo viên. Bên cạnh đó, người học vẫn học tập trung đối với các nội dung cần sự giảng dạy, truyền đạt trực tiếp và được kiểm tra đối với toàn bộ nội dung đã học. Phương án này sẽ giúp công chức xã giảm số ngày học tập trung, giúp hạn chế sự gián đoạn công tác mà vẫn đảm bảo được lượng kiến thức tiếp thu. Thời gian tiết kiệm được, công chức xã dành cho nhiệm vụ chuyên môn. Các công chức xã chưa có Chứng chỉ A Tin học văn phòng được tạo điều kiện ôn tập và thi lấy chứng chỉ sau khi kết thúc đợt bồi dưỡng. Chi phí tổ chức lớp sẽ tiết kiệm được khoảng 50% so với việc bồi dưỡng tập trung, trực tiếp.


- Xin cảm ơn ông!


N.D (Thực hiện)