07:11, 17/11/2014

Xây dựng văn hóa giao thông trong thanh niên

Thời gian qua, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, sáng tạo để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Luật Giao thông cho đông đảo thanh thiếu niên nhằm thay đổi nhận thức, hành vi khi tham gia giao thông.

Thời gian qua, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh Khánh Hòa đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, sáng tạo để tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Luật Giao thông cho đông đảo thanh thiếu niên nhằm thay đổi nhận thức, hành vi khi tham gia giao thông.

 

Sinh viên Trường Đại học Nha Trang tham gia trực tại các chốt đèn giao thông quan trọng ở TP. Nha Trang.
Sinh viên Trường Đại học Nha Trang tham gia trực tại các chốt đèn giao thông quan trọng ở TP. Nha Trang.


Nỗ lực vào cuộc


Anh Võ Hoàn Hải, Bí thư Tỉnh đoàn cho biết, hiện nay, các cấp bộ Đoàn trong tỉnh đã thành lập hơn 200 đội hình thanh niên tình nguyện, thanh niên xung kích tham gia hướng dẫn an toàn giao thông tại các ngã ba, ngã tư, trường học, giao lộ nơi có đông dân cư qua lại. Từ đầu năm đến nay, Tỉnh đoàn cũng đã thành lập 2 đội thanh niên tình nguyện mang lại hiệu quả tốt, đó là Đội thanh niên tình nguyện bảo đảm an toàn giao thông đường sắt và đường ngang tại Diên Khánh; Đội hình sơ cấp cứu, phản ứng nhanh tai nạn giao thông trên Quốc lộ 1A tại Ninh Hòa. Hình ảnh thanh niên mang áo xanh tình nguyện đã trở nên gần gũi với người dân, có tác dụng tuyên truyền mạnh mẽ đối với thanh thiếu niên.


Các hoạt động tuyên truyền an toàn giao thông dưới hình thức hội thi tìm hiểu, vẽ tranh, truyền thông, tuần hành trên đường, rung chuông vàng… đã góp phần định hướng cho thanh niên khi tham gia giao thông. Đồng thời, thông qua hệ thống phát thanh học đường, Đoàn Thanh niên các trường THPT đã tích cực phản ánh, cũng như phê phán những hiện tượng thiếu văn hóa khi tham gia giao thông; đặc biệt là thường xuyên có các đội cờ đỏ, đội thanh niên xung kích làm nhiệm vụ phân luồng giao thông, tránh việc học sinh tụ tập, gây ách tắc giao thông.


Anh Lê Công Lập, Bí thư Đoàn trường Đại học Nha Trang cho biết, hiện trường có 9 đội sinh viên tình nguyện với khoảng 1.000 thành viên thay phiên nhau chốt trực tại những điểm giao thông quan trọng vào các giờ cao điểm trong ngày. Đồng thời, các đội tình nguyện ra quân tuyên truyền tới người tham gia giao thông với khẩu hiệu “Tắt máy 20 giây để tiết kiệm nhiên liệu và bảo vệ môi trường”. Bên cạnh đó, Đoàn trường thường xuyên tổ chức các hội thi, hội thảo thanh niên với văn hóa giao thông, qua đó tuyên truyền những hành vi đẹp cũng như phê phán những vi phạm của chủ thể trong quá trình tham gia giao thông.


Ngoài ra, Đoàn Thanh niên các cấp đã chủ động phối hợp xây dựng các mô hình hoạt động tại cộng đồng dân cư về trật tự ATGT như: Bến đò an toàn do thanh niên quản lý, cổng trường an toàn, tuyến đường thanh niên tự quản… Những việc làm, biện pháp trên đã góp phần thay đổi nhận thức và hành động của thanh niên trong tham gia giao thông, ngày càng có nhiều hình ảnh đẹp, có văn hóa của thanh niên khi tham gia giao thông.


Mỗi thanh niên là một tuyên truyền viên

 

Từ đầu năm đến nay, Tỉnh đoàn phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền an toàn giao thông  trên địa bàn dân cư và các trường THPT tại huyện Vạn Ninh, Cam Lâm, Diên Khánh, Khánh Sơn, Khánh Vĩnh, thị xã Ninh Hòa, TP. Cam Ranh… với 20.000 đoàn viên, thanh niên và người dân tham gia. Đồng thời, 900 đoàn viên, thanh niên các huyện, thị xã, thành phố được tập huấn về ATGT.

Thực tế, bên cạnh một bộ phận không nhỏ thanh niên nhận thức đúng về văn hóa giao thông, vẫn còn nhiều thanh niên chưa thực hiện đúng các quy định về an toàn giao thông như: điều khiển phương tiện không tuân theo tín hiệu đèn điều khiển giao thông, chở quá số người, chạy quá tốc độ quy định, uống rượu bia khi điều khiển phương tiện giao thông... Anh Phạm Tiến, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh cho rằng, trước hết phải xây dựng cho được môi trường văn hóa giao thông trong cán bộ, đoàn viên, thanh thiếu niên. Thanh niên phải đi đầu trong tạo dựng những hành vi ứng xử chuẩn mực, có văn hóa khi tham gia giao thông; phải là tuyên truyền viên tích cực, chấp hành tốt Luật Giao thông và những hành vi đẹp trong tham gia giao thông.


Thiết nghĩ, cốt lõi của xây dựng văn hóa giao thông phải bắt đầu từ công tác giáo dục, từ gia đình, nhà trường và tổ chức đoàn thể. Vì vậy, cần sự nỗ lực từ nhiều phía chứ không chỉ có tổ chức Đoàn, Hội. Với những nỗ lực và quyết tâm cao của tổ chức Đoàn, Hội, hy vọng sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa để thu hút đông đảo thanh thiếu niên tham gia, hưởng ứng.


Thiên Trường