Đến chiều tối 10-11, lực lượng tìm kiếm, cứu nạn đã mở rộng khu vực tìm kiếm trong phạm vi bán kính 30 - 40 hải lý về phía Nam, để tìm kiếm 8 nạn nhân của tàu Phúc Xuân 68. Hai phao bè tự nổi của tàu Phúc Xuân 68 đã được tìm thấy nhưng trên phao không có người nào.
Đến chiều tối 10-11, lực lượng tìm kiếm, cứu nạn đã mở rộng khu vực tìm kiếm trong phạm vi bán kính 30 - 40 hải lý về phía Nam, để tìm kiếm 8 nạn nhân của tàu Phúc Xuân 68. Hai phao bè tự nổi của tàu Phúc Xuân 68 đã được tìm thấy nhưng trên phao không có người nào.
Tàu SAR27-01 đã tìm thấy 2 phao bè tự nổi của tàu Phúc Xuân 68. |
Nước mắt người thân
Sáng 10-11, tại cầu cảng Nha Trang, nhiều thân nhân các thuyền viên tàu Phúc Xuân 68 từ quê vào túc trực chờ tin tức. Anh Nguyễn Đức Loan (huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa), em trai thuyền trưởng Nguyễn Đức Khoa đang mất tích cho biết, khi nghe tin, anh vội nhảy xe vào Khánh Hòa. “Anh Khoa là anh cả trong nhà, một tay anh chèo lái kinh tế gia đình, anh còn vợ và 4 con, con lớn đang học đại học năm nhất, con út mới 7 tuổi, giờ gia đình tôi biết tính sao đây!”, anh Loan nói trong nước mắt.
Cũng là thuyền trưởng một tàu hàng và làm nghề biển nhiều năm nhưng anh Nguyễn Đức Thông (em trai anh Khoa) vẫn không dằn lòng được. “Tôi xác định việc anh sống là không thể rồi, nhưng chết thì cũng phải tìm cho được thi thể. Hiện 10 người trong gia đình tôi đang từ quê vào Nha Trang để tìm cho được anh tôi. Tôi cùng một số anh em thuyền viên bạn hữu phối hợp với chủ tàu tìm kiếm đội thợ lặn chuyên nghiệp từ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ra để xem xét khả năng có thể lặn xuống tàu tìm người. Chúng tôi mong các cơ quan chức năng, chủ tàu ưu tiên tìm kiếm nạn nhân rồi mới tìm nguyên nhân sau”, anh Thông chua xót nói.
Lực lượng tìm kiếm, cứu nạn tại thực địa. |
Ngay trong sáng 10-11, anh Thông cùng 2 thân nhân của các thuyền viên tàu Phúc Xuân 68 bị mất tích đã cùng lực lượng Biên phòng tỉnh tổ chức tìm kiếm ven bờ vịnh Nha Trang.
Trên chiếc tàu tìm kiếm, anh Nguyễn Bá Khanh (quê huyện Đô Lương, Nghệ An) liên tục gắt người nhà “đừng gọi nữa, đừng khóc nữa để con tìm em”. Anh Khanh là anh trai của thủy thủ Nguyễn Bá Kha (sinh năm 1988). Vốn là thủy thủ của Công ty TNHH VTB Hoàng Hải (Thái Bình) - đơn vị chủ quản của tàu Phúc Xuân 68, anh Khanh đã đưa Kha vào làm ở công ty trước khi nghỉ đi tàu. “Kha mới đi tàu được 1 năm, đang bắt đầu quen với công việc. Nó nói đi làm lương khá nên tuy mệt nhưng cũng thấy vui. Anh em tôi mới gọi điện cho nhau trước đó không lâu thì rạng sáng em gặp nạn. Bố mẹ tôi ở nhà đang ngất lên ngất xuống. Còn tôi vội vã vào đây để tìm em”, anh Khanh buồn bã nói.
Thông tin từ Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam, hiện các lực lượng hải quân, biên phòng, tàu cá, tàu hàng trong và ngoài nước đang phối hợp tìm kiếm. Trung tâm cũng đã bố trí nơi ở cho người thân của các thuyền viên tại Đoàn An dưỡng 20.
Tìm được 2 phao bè nhưng không có người
Sau gần hai ngày liên tục tìm kiếm, chiều 10-11, ông Đinh Nhiên, thuyền trưởng tàu SAR27-01 của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam cho biết, lực lượng tìm kiếm của tàu đã tìm được 2 phao bè tự nổi của tàu Phúc Xuân 68. “Chỉ tiếc trên đó không có người nào”, ông Nhiên nói. Theo ông Nguyễn Nhật, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, khi tàu chìm, phao bè tự nổi sẽ tự động bung ra. Trong phao bè này có đầy đủ nước uống, đồ ăn, thuốc, pháo khói... Khi đó nếu ai thoát ra khỏi tàu bị nạn thì có thể tồn tại được khoảng 1 tuần trên bè để chờ lực lượng cứu nạn cứu.
Trong phao bè tự nổi này có đầy đủ nước uống, đồ ăn, thuốc, pháo khói… |
Chiều 10-11, tại cuộc họp khẩn tổ chức tại Nha Trang, ông Nguyễn Nhật cho biết, hiện có 8 tàu đang tham gia tìm kiếm các nạn nhân tại thực địa. Trong khi đó, các thuyền viên tàu Nam Vỹ 69 cũng đã được triệu tập. Khi được lãnh đạo Cục Hàng hải chất vấn, ông Trần Văn Hải, thuyền trưởng tàu Nam Vỹ cho biết, trước khi xảy ra va chạm, tàu Nam Vỹ đang di chuyển với tốc độ 5,2 hải lý/giờ. “Chúng tôi phát hiện tàu Phúc Xuân 68 khoảng 6 hải lý và nhìn thấy bảng đỏ của nhau. Nhưng không hiểu sao tàu Phúc Xuân 68 vẫn cứ dạt vào. Chúng tôi gọi VHF thì không thấy họ trả lời. Khi chuẩn bị va nhau, tốc độ tàu Phúc Xuân 68 quá lớn nên chúng tôi buộc phải lách qua để đâm vào mạn phải của tàu này. Nếu hai tàu tông trực diện thì hậu quả rất lớn”, ông Hải nói.
Sau khi hai tàu hàng đâm va, thấy tàu Phúc Xuân 68 chìm nhanh xuống biển, thuyền viên tàu Nam Vỹ 69 đã ném hết 11 áo phao cùng 1 phao bè cho thuyền viên tàu bị chìm. “Khả năng 8 thuyền viên còn lại trên tàu Phúc Xuân 68 bị sức hút mạnh của tàu khi chìm nên anh em đã không thoát được ra ngoài. Chúng tôi chỉ quan sát thấy 3 người rời khỏi tàu, đó là những thuyền viên đã được cứu thoát. Khoảng 2 phút tàu mới chìm hẳn thì vẫn còn thời gian để thoát ra, nhưng không hiểu sao chỉ có 3 người nhảy được ra ngoài”, ông Hải nói.
Cơ quan điều tra sẽ vào cuộc
Ngày 10-11, UBND tỉnh có công điện khẩn về việc tìm kiếm cứu nạn trên biển. Công văn yêu cầu UBND các huyện, thị, thành phố và UBND các xã có đảo thông tin cho người dân trên địa bàn để phối hợp với các lực lượng tìm kiếm, cứu nạn các thuyền viên tàu Phúc Xuân 68 bị mất tích. Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, các sở, ban, ngành thuộc tỉnh tiếp tục huy động lực lượng tham gia tìm kiếm, cứu nạn, đồng thời thông báo cho ngư dân, các phương tiện hoạt động trên vùng biển Khánh Hòa biết, sẵn sàng tham gia tìm kiếm cứu nạn, thực hiện các yêu cầu của Cục Hàng hải Việt Nam, Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn quốc gia. (Ngọc Khánh) |
Trước những câu hỏi về nguyên nhân vụ tai nạn là do yếu tố con người hay thời tiết, ông Nguyễn Nhật cho biết, ngay sau vụ tai nạn xảy ra, việc tìm kiếm, cứu nạn đã được đặt lên hàng đầu. Song song đó, cơ quan chức năng đã vào cuộc để tiến hành điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn thương tâm. “Chúng tôi sẽ giao cho Cơ quan An toàn hàng hải thuộc Cục cũng như Phòng An toàn hàng hải của Cảng vụ Nha Trang tiến hành điều tra vụ việc. Bước đầu, cơ quan liên quan đã phỏng vấn 3 thuyền viên của tàu Phúc Xuân 68 và đang tiến hành kiểm tra các thuyền viên tàu Nam Vỹ 69. Chúng tôi đã thu thập thông tin sơ bộ ban đầu, điều tra các thiết bị máy móc hàng hải xem có đảm bảo an toàn hay không. Chúng tôi nhận định, có thể nhiều khả năng do yếu tố con người, cụ thể là quá trình cảnh giới của thủy thủ và trực ca hôm đó. Nếu là sự bất cẩn của sĩ quan, thủy thủ thì cũng cần được cân nhắc trong quá trình điều tra”, ông Nguyễn Nhật khẳng định.
Hiện lực lượng chức năng đã mở rộng khu vực tìm kiếm thêm 30 - 40 hải lý về phía Nam, thuộc vùng biển các tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận để tìm kiếm các nạn nhân. “Mọi nỗ lực của lực lượng tìm kiếm vẫn đang được triển khai với tinh thần cao nhất”, lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam khẳng định.
Thành Long