06:11, 25/11/2014

Tăng cường quản lý thực phẩm chức năng và phụ gia thực phẩm

Sở Y tế vừa ban hành Kế hoạch triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Xung quanh vấn đề này, bác sĩ Bùi Xuân Minh, Giám đốc Sở Y tế cho biết:

Sở Y tế vừa ban hành Kế hoạch triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trong sản xuất, kinh doanh và sử dụng thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Xung quanh vấn đề này, bác sĩ Bùi Xuân Minh, Giám đốc Sở Y tế cho biết:



- Mục đích Kế hoạch nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về ATTP đối với các sản phẩm thực phẩm chức năng và phụ gia thực phẩm; thông qua công tác thanh tra, kiểm tra kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các vi phạm về ATTP trong sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm; tuyên truyền, giáo dục các quy định của pháp luật, các kiến thức về đảm bảo ATTP đối với các sản phẩm thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm nhằm giúp mọi người hiểu đúng, làm đúng và sử dụng đúng.


- Bác sĩ có thể cho biết nội dung cụ thể của Kế hoạch?


- Từ ngày 20-11 đến 20-12-2014, Sở Y tế tổ chức Tháng cao điểm tuyên truyền bảo đảm ATTP. Nội dung tuyên truyền tập trung vào những nguy cơ đối với sức khỏe trong việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm và đặc biệt là chất bảo quản, chất điều hòa tăng trưởng dùng trong rau, củ, quả, trong trồng trọt, chăn nuôi không thuộc danh mục quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đối tượng tuyên truyền là các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm, các cơ sở sử dụng phụ gia thực phẩm, thực phẩm chức năng và người tiêu dùng.


Bên cạnh đó, từ ngày 24-11, chúng tôi tiến hành hoạt động thanh, kiểm tra đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh. Đối tượng kiểm tra gồm: các cơ sở thực phẩm (cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thực phẩm chức năng, phụ gia thực phẩm, chú trọng các cơ sở nhập khẩu, sản xuất, chế biến, sang bao, đóng gói phụ gia thực phẩm, hương liệu, chất hỗ trợ chế biến, đặc biệt tập trung vào các cơ sở kinh doanh hóa chất bảo quản thực phẩm, bảo quản rau, củ, quả, chất điều hòa tăng trưởng); người phát hành quảng cáo (các tổ chức, cá nhân dùng phương tiện quảng cáo thuộc trách nhiệm quản lý của mình giới thiệu sản phẩm quảng cáo đến công chúng, bao gồm cơ quan báo chí, nhà xuất bản, chủ trang thông tin điện tử, người tổ chức chương trình văn hóa, thể thao và tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện quảng cáo khác).


Nội dung thanh, kiểm tra gồm: Cơ sở pháp lý (giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP), các điều kiện về con người, cơ sở vật chất, trang thiết bị, dụng cụ sản xuất, chế biến, chứa đựng, vận chuyển, bảo quản thực phẩm, chất lượng sản phẩm... Đối với người phát hành quảng cáo, sẽ tiến hành kiểm tra theo quy định tại Điều 14 Luật Quảng cáo năm 2012 về nghĩa vụ của người phát hành quảng cáo và Điều 3 Thông tư 08/2013 của Bộ Y tế hướng dẫn về quảng cáo thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế.


- Sau kiểm tra, những tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý như thế nào, thưa bác sĩ?


- Chúng tôi sẽ xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, tuyệt đối không để các sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm, không rõ nguồn gốc, không đúng quy định về ghi nhãn hoặc có các vi phạm khác lưu thông trên thị trường; không để các sản phẩm quảng cáo sai quy định tiếp tục lưu hành; không để các cơ sở không đảm bảo ATTP tiếp tục hoạt động khi chưa thực hiện các biện pháp khắc phục có hiệu quả. Đối với các trường hợp vi phạm về ATTP được phát hiện, các đoàn thanh tra, kiểm tra, các địa phương công bố công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết, lựa chọn thực phẩm an toàn.


- Xin cảm ơn bác sĩ!


Ngọc Khánh (Thực hiện)