08:11, 13/11/2014

Sẽ đào tạo nghề giúp việc gia đình

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 27/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về giúp việc gia đình có hiệu lực thì nghề giúp việc gia đình được công nhận là nghề chuyên nghiệp. Các ngành chức năng cũng đang tiến tới hoàn thiện chương trình về đào tạo và phát triển nghề giúp việc gia đình.

Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 27/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về giúp việc gia đình có hiệu lực thì nghề giúp việc gia đình được công nhận là nghề chuyên nghiệp. Các ngành chức năng cũng đang tiến tới hoàn thiện chương trình về đào tạo và phát triển nghề giúp việc gia đình.

 

Với nghề giúp việc gia đình, cuộc sống của chị Lê Thị Hường ổn định hơn.
Với nghề giúp việc gia đình, cuộc sống của chị Lê Thị Hường ổn định hơn.


Nghề “làm dâu nhà người”


Chị Lê Thị Hường (xã Ninh Trung, thị xã Ninh Hòa) có thâm niên 6 năm làm nghề giúp việc gia đình. Nhà có 2 mẹ con nhưng chỉ có vào vài sào ruộng nên gặp nhiều khó khăn. Đầu năm 2008, chị được người quen ở phường Lộc Thọ (TP. Nha Trang) gợi ý giúp việc cho gia đình. Hàng ngày, chị lau dọn nhà cửa, đi chợ, nấu ăn, đưa đón con chủ nhà đi học. Chủ nhà thấy chị chăm chỉ, thạo việc, lại thật thà nên coi như người nhà. “Mỗi tháng tôi được trả lương 2,5 triệu đồng cùng chi phí đi lại mỗi lần về thăm nhà, mọi sinh hoạt chung với nhà chủ”, chị Hường chia sẻ.


Còn chị Lê Thị Hậu (36 tuổi, xã Diên Sơn, huyện Diên Khánh) đến với nghề giúp việc gia đình khá bất ngờ. Năm 2010, chị đến Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tìm việc, nhưng vì không có bằng cấp chuyên môn nên nhân viên Trung tâm gợi ý chị đi giúp việc gia đình. Hiện chị đang làm cho một gia đình ở phường Phước Long (TP. Nha Trang), mỗi tháng được trả lương 3 triệu đồng, ăn ở, sinh hoạt chung với gia chủ. Chị Hậu tâm sự: “Nghề này chuyên làm những việc không tên, mới nghe tưởng dễ nhưng để trụ được với nghề không đơn giản. Nghề này đòi hỏi sự cẩn thận, sạch sẽ nhưng trên hết là phải thật thà”. Bà Lê Thị Hoa - chủ nhà nơi chị Hậu giúp việc - cho biết: “Vợ chồng tôi làm kinh doanh, không có thời gian làm việc nhà nên phải thuê người giúp việc. Để kiếm được một người giúp việc như chị Hậu không phải dễ. Chính vì thế, vợ chồng tôi luôn xem chị như người thân trong gia đình”...


Sẽ được đưa vào danh mục dạy nghề


Nghề giúp việc gia đình phát triển mạnh là một xu hướng tất yếu trong đời sống hiện đại. Các công việc của nghề này gồm: dọn dẹp nhà cửa, cơm nước, giặt giũ, chăm sóc người già, người bệnh, trẻ em... nên thu hút nguồn nhân lực chủ yếu là phụ nữ nông thôn với thu nhập phù hợp (bình quân từ 3 triệu đồng/tháng trở lên). Mặc dù vậy, hiện nay người làm nghề này vẫn chưa nhận được sự tôn trọng đúng mức của xã hội. Phần lớn chỉ là thỏa thuận miệng giữa chủ nhà và người giúp việc chứ không có giấy tờ, hợp đồng về thù lao, giờ giấc làm việc, cụ thể công việc phải làm. Chính vì vậy, người lao động dễ bị trả lương không tương xứng với sức lao động; thậm chí có người bị bóc lột sức lao động, bị ngược đãi, quấy rối tình dục… Ngược lại, cũng có không ít trường hợp người giúp việc lợi dụng sự tin tưởng của chủ nhà để trộm cắp tài sản. Mặt khác, nghề này lâu nay phát triển hoàn toàn tự phát, người giúp việc không được đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp nên dẫn đến nhiều phiền toái cho gia chủ...


Tháng 5-2014, Chính phủ ban hành Nghị định 27 quy định chi tiết thi hành một số điều của Bộ luật Lao động về nghề giúp việc gia đình. Đây là cơ sở pháp lý để thiết lập mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động; đồng thời tạo tính chuyên nghiệp đối với nghề giúp việc gia đình. Ông Mai Xuân Trí, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: “Hiện nay, nhu cầu tuyển người giúp việc gia đình rất lớn, bình quân mỗi tuần tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tiếp nhận khoảng 10 nhu cầu tìm người, nhưng chưa đủ nguồn cung cấp. Bên cạnh đó, nghề này đã được công nhận, nhưng trên thực tế chưa có nơi nào tổ chức đào tạo. Chính vì vậy, thời gian tới, chúng tôi sẽ đưa nghề này vào danh mục dạy nghề; đồng thời phối hợp với các trường nghề xây dựng chương trình đào tạo, trong đó tập trung đào tạo kỹ năng nghề, giao tiếp, lòng tin, đạo đức... Dự kiến, trong năm 2015, chúng tôi sẽ hoàn thiện chương trình về đào tạo và phát triển nghề giúp việc gia đình. Theo đó, sẽ xây dựng khung đào tạo hợp lý, lựa chọn đội ngũ giáo viên có chất lượng cũng như liên hệ đầu ra sau đào tạo. Đặc biệt, chúng tôi sẽ trang bị kỹ hơn cho người lao động về quyền, lợi ích và nghĩa vụ hợp pháp khi tham gia môi trường làm việc có quy chuẩn này”.


Có thể nói, Nghị định 27 của Chính phủ là cơ sở quan trọng để phát triển nghề giúp việc gia đình. Song quan trọng hơn, cần quan tâm hỗ trợ đào tạo nghề, kỹ năng nghề, kỹ năng xã hội cần thiết cho người làm nghề giúp việc gia đình; bảo đảm hài hòa lợi ích của cả hai bên chủ nhà và người giúp việc.


VĂN GIANG